Văn hoá đối ngoại giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia
Trong xu thế hoà bình, hợp tác cùng phát triển của một thế giới toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hoá đối ngoại ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Văn hoá đối ngoại được xác định là một trong những phương cách góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn tại Hội thảo Xây dựng Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa mới diễn ra tại Hà Nội do Bộ VHTTDL tổ chức. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, văn hoá đối ngoại là tổng hợp các hoạt động mà một quốc gia sử dụng, trong đó yếu tố văn hoá là nòng cốt, nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại, tạo hình ảnh tốt đẹp về đất nước, quảng bá văn hoá và ngôn ngữ của mình trên thế giới, tạo nền tảng nhằm thiết lập, phát triển và duy trì quan hệ với các quốc gia khác, thông qua văn hoá, nghệ thuật và giáo dục; là việc thực hiện chính sách đối ngoại để đạt mục tiêu chính trị bằng công cụ văn hoá, biện pháp văn hoá, trong đó, các giá trị văn hoá sẽ là chỗ dựa tinh thần bền vững cho hoạt động đối ngoại, làm áp lực đối với các đối tác để thực hiện có kết quả cao các chính sách chính trị, kinh tế và văn hoá quốc gia.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, những năm qua, hoạt động văn hoá đối ngoại của Việt Nam đã cơ bản bám sát và phục vụ tốt chủ trương của Đảng, song cũng cần nhìn nhận rằng, các hoạt động văn hoá đối ngoại của Việt Nam chưa thực sự được điều phối một cách tập trung trên phạm vi cả nước, chưa có một chiến lược tổng thể để phát huy tối đa và hiệu quả những giá trị văn hoá của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập với quốc tế.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động cho thấy còn tồn tại một số vấn đề như: chưa có một chiến lược văn hóa đối ngoại làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa đối ngoại ở các cấp, các ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, chưa có một cơ chế điều phối ở cấp quốc gia về các hoạt động đối ngoại trong cả nước; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong và ngoài nước (các cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài, cộng đồng người VN ở nước ngoài), giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại còn yếu, thiếu tính chủ động và chưa hiệu quả.
Tính kế hoạch trong giao lưu văn hóa đối ngoại còn thấp; nội dung chương trình các hoạt động văn hóa đối ngoại còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lặp chưa khai thác hết tiềm năng kho tàng văn hóa VN; Công tác nghiên cứu, định hướng hoạt động văn hóa đối ngoại, hoạch định lộ trình, chương trình hợp tác, giao lưu văn hóa đối ngoại cụ thể với từng khu vực, từng quốc gia nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả hoạt động còn yếu... Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng một Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đang trở thành một nhu cầu tất yếu và cấp thiết đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan xây dựng Chiến lược văn hóa đối ngoại năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua Hội thảo này Bộ VHTTDL mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực từ các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học, học giả hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cho việc xây dựng Chiến lược văn hoá đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thống nhất với quan điểm nêu trong báo cáo của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, cần thiết phải sớm đưa ra Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nội dung quan trọng trong quá trình hội nhập toàn diện của Việt Nam đối với thế giới, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cũng cho rằng, việc xây dựng Chiến lược phải chú ý đến tính khoa học, thiết thực và hiệu quả, đưa ra những mục tiêu cụ thể, tránh tình trạng chỉ ở trên giấy, mục tiêu thì lớn lao mà hoạt động thực tiễn lại yếu kém. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rõ những nội dung cơ bản của chiến lược với những nội hàm cụ thể, từ đó xây dựng Chiến lược một cách đúng đắn, khoa học.
Ý kiến bạn đọc