“Đánh thức” giá trị di sản
(Xuân Giáp Ngọ)- Một trong những tiềm năng, lợi thế lớn của Hà Giang đó là các di sản văn hóa. Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo mạnh của tỉnh, sự tham mưu và vào cuộc của ngành VHTT&DL, đã giúp cho các giá trị di sản từng bước được “đánh thức”, khơi dậy. Từ Cao nguyên đá Đồng Văn ở phía Bắc, đến Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ở phía Tây, những di sản ấy cùng với rất nhiều các di sản độc đáo khác đã và đang làm cho mảnh đất Hà Giang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn và mới mẻ đối với du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân ở xã Quang Minh truyền dạy điệu hát Then.
Tiếp nối các di sản Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, năm 2012, Hà Giang có thêm 5 di sản văn hóa được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia đó là: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo, Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô. Qua đó, nâng tổng số di sản của tỉnh được công nhận lên con số 37, trong đó có 23 di sản cấp Quốc gia.
Con số di sản được công nhận đủ để nói lên một quá trình nỗ lực lớn của tỉnh nói chung và của ngành VHTT&DL nói riêng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo của chúng ta đang chờ được “đánh thức” và phát huy giá trị. Trên cơ sở đó, năm 2013 Sở VHTT&DL tích cực tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ Mừng năm mới của người Giấy (Mèo Vạc); Tết Khu Cù Tê của người La Chí (Xín Mần); Hồ sơ Khoa học “Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở Cao nguyên đá” để trình Bộ VHTT&DL xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngành cũng hoàn thiện hồ sơ Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Bố Y, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ giai đoạn 2013 – 2015, gửi Bộ VHTT&DL thẩm định. Đặc biệt, ngành tích cực phối hợp với các huyện triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng 5 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Cao nguyên đá phục vụ tái thẩm định tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu năm 2014, gồm: Điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, thôn Ma Lé, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, trình xếp hạng cấp Quốc gia. Các di tích Chùa Quan âm, xã Lũng Phìn; di tích lịch sử, văn hóa đền Quan Hoàng, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Quan Công; di tích lưu niệm Sùng Mí Chảng, thị trấn Đồng Văn để trình xếp hạng cấp tỉnh.
Dịp cuối năm 2013 vừa qua, sự kiện “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013” với vai trò chủ đạo tổ chức của ngành VHTT&DL là dịp tôn vinh các giá trị di sản của tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, cùng với việc “đánh thức” các di sản, ngành VHTT&DL đã tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng VH&TT các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản. Cùng với đó, ngành sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ, quản lý di sản theo Luật; tổ chức truyền dạy cho các thế hệ gắn với bảo tồn để tránh sự biến tướng, mất bản sắc.
Ý kiến bạn đọc