Lễ hội Gầu Tào của người Mông

08:41, 23/01/2014

HGĐT- Cứ mùa Xuân đến, khi cánh hoa đào, hoa mận rừng chớm nở là người Mông ở huyện Yên Minh lại nô nức chuẩn bị đi dự Lễ Gầu Tào, là một Lễ hội lớn nhất của cộng đồng dân tộc Mông ở đây để cầu sinh con cái nối dõi.


Cầu sinh con trai nối dõi:

Theo người già ở đây cho biết Lễ Gầu Tào được tổ chức để cầu xin con cái, nhà nào hiếm muộn thì làm lễ này, nhà không có con trai nỗi dõi tông đường cũng làm lễ. Đây là Lễ hội đặc sắc và lớn nhất của người Mông vì nó kéo dài trong khoảng 10 ngày từ Mùng 3 đến 14 tháng riêng âm lịch do một gia đình hoặc một dòng họ tổ chức trong 3 năm liên tiếp.

 


Thầy cúng đang làm Lễ mở hội Gầu Tào.


Trong không khí lạnh giá của mùa Xuân vùng cao, Chủ tịch xã Đường Thượng, Hạ Mí De, một nghệ nhân dân gian cho biết về ý nghĩa của lễ hội: “Lễ Gầu Tào theo tiếng Mông có nghĩa là hội chơi núi đồi, được một gia đình không có con tổ chức để cầu xin có con trai nối dõi tông đường vì thế nên lễ hội này còn được gọi là Lễ Cầu tự. Đây là lễ lớn nhất của người Mông vì được tổ chức dài ngày; cả một năm bà con chỉ dành dịp lễ này để ăn uống, các chàng trai, cô gái thì mặc những bộ quần áo đẹp nhất đi chơi hội.” Cũng chính trong lễ hội đầu năm này, người Mông sẽ tập trung cầu xin nhiều điều trong năm mới như: cầu xin con cái đối với dòng họ nào không có con nối dõi hoặc những gia đình gặp nhiều điều sui thì cầu khấn cho năm sau tốt đẹp. Tại buổi lễ, thầy cúng sẽ làm phép yểm vào núi, đồi hay các tảng đá lớn để cầu ban cho con cái, tài lộc... thể hiện quan niệm “vạn vật hữu linh”. Qua các năm sau đó nếu điều ước của các gia đình, dòng họ trở thành hiện thực thì gia chủ, trưởng dòng họ phải đi mời thầy cúng về định thời gian tổ chức Lễ hội Gầu Tào để tạ ơn thần núi, thần sông đã đáp ứng lời thỉnh cầu của mình như điều ước nguyện. Quy định trong dân gian là nếu gia chủ, dòng họ, thôn bản nào đứng ra làm lễ hội thì phải tổ chức trong 3 năm liên tục. Một điểm đặc biệt nữa của lễ hội chính là dù chỉ được tổ chức ở trong một gia đình, dòng họ nhưng lại có sự tham gia của cả cộng đồng người Mông vì Lễ hội Gầu Tào còn là lễ hội tạ ơn thần núi, thần sông, trời đất, vũ trụ bao la nên cứ nghe tổ chức ở địa điểm nào, dù xa hay gần thì hầu hết đồng bào Mông đều nô nức tham dự.

 

Dịp để nam nữ giao lưu:

Những ngôi nhà của bà con người Mông đều cách xa nhau đến cả quả đồi, muốn đi từ thôn này sang thôn khác có khi phải mất một ngày trời thế nên lễ hội cũng là dịp để nam nữ gặp gỡ, giao lưu với nhau. Địa điểm được chọn làm Lễ Gầu Tào thường là một bãi đất bằng phẳng trên các ngọn đồi, núi thấp linh thiêng của vùng. Buổi lễ sẽ có một thầy cúng chính lễ và hai thầy cúng phụ đọc lời khấn mời sơn thần, thổ địa. Lễ vật được dâng lên thần linh là những sản vật của cả một năm làm lụng gồm có: một thủ lợn luộc, một chai rượu, cum lúa mới, bó ngô, một tô mèn mén và tiền. Một cây nêu làm bằng cây tre nguyên cành cao chừng 15 mét có trang trí một số hình nhân, các loại quả, bó lúa, ngô và các dải vải lộc có đủ 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng được dựng lên, dưới gốc còn cắm 9 cây trúc. Với người Mông, cây nêu được dựng lên để báo với các vị thần và thông báo cho bà con xa gần biết lễ hội đã tổ chức. Mở đầu phần hội, vợ chồng gia chủ sẽ hát đối giao duyên trước, sau đó toàn bộ nam nữ, già làng, trẻ con trong làng gần làng xa sẽ cùng tham gia để cầu cho mình một năm mới may mắn, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu... và chơi các trò chơi như: đẩy gậy, đánh tù lu, kéo co, thi hát đối các làn điệu dân ca giao duyên, múa khèn. Đến hẹn lại tới, đây là dịp để những cô thiếu nữ má đỏ hây hây mặc bộ trang phục đẹp nhất đi chơi xuân; các chàng trai thì có dịp khoe tài cho cả đám đông. Có thể nói tới phần sôi nổi nhất của hội là thi leo dây, tại lễ hội có dựng 2 cây gỗ to cao chừng 12m, bên trên buộc một cây sà ngang và treo một bình rượu lộc làm đích tại điểm buộc rượu sẽ thả một sợi dây buông xuống. Nhiều nam nữ tụ tập thành vòng tròn xung quanh cột để xem chàng trai nào dám thử tài. Những tiếng cười và tràng vỗ tay rộn rã thường xuyên vang lên khi có một chàng trai xung phong thử tài. Trong trò chơi này, nhiều chàng trai muốn trổ tài để lấy lòng các cô gái làm cho không khí lễ hội trở lên vô cùng sôi nổi. Dịp lễ hội này cũng là lúc để người dân ở đây thư giãn, quên đi những nhọc nhằn ngày thường cho hòa mình vào trong không khí hội Xuân. Rồi lại sẵn sàng bước vào một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc sống, lao động sản xuất.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người Mông với trò chới “Tầu sừ”
Xuân Giáp Ngọ - “Tầu sừ” (ntơưl yưl) là cách gọi tiếng Mông, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là đánh mông hay vỗ mông. Nghe tên gọi, có lẽ ai cũng có chung một suy nghĩ đó là trò đùa tếu của thanh niên nam nữ chứ không mấy ai nghĩ rằng đó là một trò chơi dân gian truyền thống, là cách tìm hiểu nhau rất ý nhị và độc đáocủa đồng bào Mông bắt nguồn từ một nền tảng văn hóa lâu đời
22/01/2014
BQL Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn triển khai nhiệm vụ năm 2014
HGĐT- Ngày 21.1, BQL Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (BQL CVĐCTC CNĐĐV) tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động và triển khai nhiệm vụ năm 2014.
22/01/2014
Tết văn hóa
Xuân Giáp Ngọ - Tục ngữ có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Nghĩa đen trong nghề đan lát, nếu nan đầu đi đúng thì cả công trình đều suôn sẻ, ngược lại, khi bị lỗi nan đầu thì công trình đó bị lỗi suốt, phải dỡ ra đi lại. Nghĩa bóng của “Vạn sự khởi đầu nan” là mọi việc phải chú ý làm tốt ngay từ ban đầu, ngày đầu, từ lúc bắt đầu khởi sự, đồng nghĩa với câu “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Do
22/01/2014
Như những vạt nắng Xuân...
(Xuân Giáp Ngọ)- Mùa này, khi cái rét đã tràn về khắp núi non vùng cao, trong tôi lại dội về một nỗi nhớ. Nhớ những vạt hoa dại miên man trên các triền đá cheo leo, đám thì rung rinh sắc màu, đám thì heo hắt vì sương muỗi, rồi có nơi thì bừng lên như những vạt nắng xuân trong trời đông rét mướt.
21/01/2014