Như những vạt nắng Xuân...

15:40, 21/01/2014

(Xuân Giáp Ngọ)- Mùa này, khi cái rét đã tràn về khắp núi non vùng cao, trong tôi lại dội về một nỗi nhớ. Nhớ những vạt hoa dại miên man trên các triền đá cheo leo, đám thì rung rinh sắc màu, đám thì heo hắt vì sương muỗi, rồi có nơi thì bừng lên như những vạt nắng xuân trong trời đông rét mướt.


Bạn đi công tác vùng cao về, vội níu tay hỏi “có còn gặp nhiều hoa không?”. Mắt bạn cười lấp lánh. Không chỉ gặp không đâu, bạn còn mang về một chùm ảnh hoa dại vùng quê mình làm nức lòng bao bạn bè gần xa. Hoa tam giác mạch hồng mơ như đôi má người thiếu nữ vừa e lệ, vừa rộn ràng trong nắng sớm. Hoa tam giác mạch đẹp là thế nhưng người ta trồng tam giác mạch không phải để ngắm mà là để thu hoạch hạt làm lương thực cho con người. Hạt tam giác mạch được phơi khô, xay mịn và sàng sảy tách bỏ vỏ cứng. Bột tam giác mạch được dùng để làm bánh rất ngon. Cây tam giác mạch gắn bó lâu đời với người vùng cao giống như cây ngô, cây lê, cây mận vậy. Khi người ta vừa thu ngô xong, trên những mảnh nương tốt, hạt tam giác mạch đã lại được gieo xuống. Đất vùng cao lại cần mẫn ươm mầm cho những cây tam giác mạch lên xanh. Khi cái rét kéo về cũng là lúc tam giác mạch ra hoa. Đã trở nên quá đỗi thân quen nhưng cứ mỗi lần bắt gặp sắc hoa của loại cây này, tôi vẫn thấy xao xuyến trong lòng. Một sắc hồng dịu dàng không thể tìm thấy ở đâu ngoài những mảnh nương đá nhọc nhằn của vùng cao Hà Giang. Chính vì thế, nghe nói trong thời gian tới, người dân sẽ được hỗ trợ để mở rộng diện tích cây tam giác mạch mỗi khi mùa đông về. Khi ấy, sau những sắc màu huyền ảo, hạt tam giác mạch sẽ được nấu thành rượu, tạo thêm một loại đặc sản làm ấm lòng du khách mỗi khi đặt chân lên với cao nguyên đá Đồng Văn.

 


Hoa cúc trên Cao nguyên đá.


Cao nguyên đá mùa đông, cái rét tê tái, đá cũng buồn sẫm một màu. Màu xanh trở nên khan hiếm dần trên bạt ngàn núi đá thì lại là lúc những đám cúc dại khoe sắc. Những đám cúc màu vàng, cam hay tím thẫm miên man dọc đường đi, nở tràn trên mảnh nương chỉ còn lác đác những đụn thân ngô khô. Trên khắp mọi miền đất nước nơi nào mà chẳng có cúc nhưng sao cúc dại ở vùng cao lại lung linh đến đến vậy, dường như sắc màu của chúng rực rỡ hơn nhưng cũng đằm hơn. Những cánh hoa mịn màng như nhung thẫm dần vào nhụy.

 

Lên đến vùng cao nguyên đá trong những ngày mùa đông không thể quên sắc màu thương nhớ của hoa bạc hà. Khắp các triền đá vùng cao đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp man mác một màu bạc hà. Chỉ là một chút phớt tím rất nhẹ nhưng hoa bạc hà lại có mùi thơm rất nồng nàn đặc trưng. Mùa hoa bạc hà cũng là mùa những người nuôi o­ng vùng cao mong đợi nhất. Vì đây sẽ là thời điểm những đõ o­ng cho thu hoạch mật có chất lượng tốt nhất trong năm. Mật o­ng mùa hoa bạc hà sánh dịu, có hương thơm mát.

 

Mùa rét mướt cũng là mùa của cải nương trổ bông. Đây là những cây cải cuối mùa, người ta giữ lại để lấy hạt làm giống. Trên nền đá xám lạnh, những nương cải vàng rực thực sự là những vạt nắng xuân trong trời đông rét muốt. Bởi vậy, mỗi lần về quê ăn tết, vẫn gắng chụp ảnh với hoa cải vàng miên man, lại thấy mình thảnh thơi và trẻ ra đến vài tuổi...

 

Vùng cao vốn đã khắc nghiệt, mùa đông vùng cao lại càng khắc nghiệt: Lạnh cắt da cắt thịt, thiếu nước sinh hoạt, thiếu củi đun sưởi ấm, thiếu thức ăn cho trẻ nhỏ, người già... Vậy mà, những bông hoa vẫn nở. Những vạt cải vàng rực, những nương tam giác mạch hồng hào, những nụ đào phai, những bông lê tinh khiết, bông mận trắng ngần... cứ dịu dàng trong nắng sớm, lung linh một màu hư ảo như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây- Những con người vẫn ngày đêm âm thầm bám trụ nơi mảnh đất biên cương của Tổ quốc.


HÙNG HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vô Điếm vào Xuân
(Xuân Giáp Ngọ)- Trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách, xe tôi lướt nhanh trên con đường mới nâng cấp trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường những cánh đồng hoa màu xanh tốt. Hương hoa từ vườn cây ăn quả đâu đây ngát theo làn gió, tỏa trong không gian, khiến lòng đầy cảm xúc - đó là quê hương xã Vô Điếm (Bắc Quang) - đang vươn mình đón chào Xuân mới.
20/01/2014
Đồng Văn tổ chức nhiều hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch mừng Xuân
HGĐT - Trong dịp tết Nguyên đán 2014, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đón chào xuân mới, huyện Đồng Văn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và các sản phẩm du lịch của huyện đến với du khách trong nước và Quốc tế, góp phần thúc đẩy nền du
20/01/2014
Lễ hội và văn hóa truyền thống
(Xuân Giáp Ngọ)- Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhiều lễ hội được cộng đồng dân cư tổ chức, như Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ Cúng cơm mới, Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; Lễ Mở cửa rừng của người La Chí, người Mông; Lễ đặt tên con, cháu... tạo nên nét sinh hoạt tâm linh mang bản sắc văn hoá cộng đồng, có tính giáo dục cao, tạo cho mọi người, mọi nhà và cả cộng đồng nâng cao ý
20/01/2014
Bạc hà, mùa ong làm mật
(Xuân Giáp Ngọ)- Hoa Bạc hà có một đời sống khác hẳn, những sườn núi cao trơ trụi, các cây khác hầu như không thể lên được thì hoa Bạc hà lại rất tươi tốt, phủ mầu xanh đầy sức sống. Cây thuộc loài thân cỏ, lá mọc so le hình răng cưa; nảy mầm từ mùa Xuân, nhưng phải đến Thu mới ra hoa. Hoa Bạc hà hình đuôi chồn, xung quanh gắn hàng ngàn cái chuông nhỏ. Mỗi quả chuông chứa
17/01/2014