Nghề truyền thống của người La Chí ở thôn Già Nàng
HGĐT - Sau Tết, gió mùa Đông bắc lại về, cái rét “cắt da cắt thịt” khiến mọi thứ như muốn “đông cứng”; từng cơn gió lạnh căm, thổi qua những tán lộc non nghe xào xạc... Dưới những cánh đồng của thôn Già Nàng, xã Nà Khương (Quang Bình) lại tấp nập bóng người: kẻ cầy, người cấy như trẩy hội... xa xa, sau những ruộng lúa có cô gái La Chí mặc váy, quấn khăn đang miệt mài kéo sợi...
Thôn Già Nàng, xã Nà Khương (Quang Bình) còn được gọi với cái tên rất riêng: “thôn của người La Chí”. Ở Già Nàng, người La Chí cũng trồng lúa, trồng ngô và chăn thả gia súc như các dân tộc khác trong xã. Tuy nhiên, ngoài việc trồng cây lương thực để làm thức ăn cho người và gia súc, gia cầm thì người La Chí còn trồng bông, trồng chàm để dệt vải. Mặc dù vậy, trang phục của họkhông cầu kỳ về hình thức nhưng lại có sự tỉ mỉ về những họa tiết và đường nét...
Cô Nùng Thị Chủng, thôn Già Nàng, xã Nà Khương (Quang Bình) tranh thủ lúc nông nhàn để dệt vải.
Suốt dọc đường vào thôn Già Nàng, đôi khi chúng tôi lại bắt gặp những người phụ nữ La Chí đội khăn trên đầu với những họa tiết khá đẹp mắt... Không chỉ vậy, nét duyên của phụ nữ La Chí còn được “phô” qua chiếc yếm xinh sau tấm áo “dài” được nhuộm chàm quen thuộc... tất cả dường như rất riêng, rất đặc biệt.
Đằng xa, bên hàng rào ruộng rau hay trước hiên những ngôi nhà sàn màu xám, các tấm vải được nhuộm chàm “đen chưa tới” đang đua nhau phất phơ trước gió... Thời gian này cũng đã “vào vụ”, các chị, các mẹ ở Già Nàng cũng chỉ dám tranh thủ lúc “con trâu, con lợn đi ngủ” để kéo sợi, để dệt, để thêu... rồi may may, vá vá, có khi cũng đến sáng rồi lại đi làm. Tuy vất vả sớm hôm là vậy, nhưng có mấy ai trong thôn bỏ không thêu, không dệt nữa... tất cả với họ nghề thêu, dệt truyền thống dường như đã chở thành “thói quen” không thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Ở thôn Nà Giàng hiện có hơn 50 hộ thì gần như cả thảy đều thêu, dệt, chỉ có điều việc trồng bông kéo sợi đến nay đã hạn chế, đa số sợi chỉ dùng để thêu, dệt hầu hết được mua ở ngoài chợ... bởi theo các cô, các chị thì việc này hết sức tiết kiệm thời gian và công sức mà lại không đắt đỏ. Tuy vậy, trang phục truyền thống, khăn cùng các “phụ kiện” của người La Chí ở Già Nàng vẫn được chị em phụ nữ khâu, thêu bằng tay hết sức khéo léo và tinh tế.
Đến nay, trang phục của người La Chí vẫn được phân ra hai cách thêu: thêu móc và thêu xuyên; các mẫu hoa văn thêu trang trí trên trang phục của chị em phụ nữ chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo gồm các hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám hay hình bó lúa... cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa các đường viền với nhiều gam màu khác nhau như xanh, đỏ, tím, vàng... tạo nên sự nổi bật cho bộ trang phục truyền thống của họ; để làm ra một bộ quần áo mặc vào các dịp lễ đặc biệt hay cưới xin... thì phải trải qua khá nhiều các công đoạn: trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm tràm, thêu và cuối cùng là may vá cho thành bộ. Trong các công đoạn trên, việc nhuộm chàm chiếm khá nhiều thời gian nên trong một năm, nhanh thì chị em cũng làm ra được 2 bộ, còn chậm thì chỉ làm ra được một bộ trang phục truyền thống.
Đối với người La Chí, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá phẩm chất, sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Vậy nên, ngay từ nhỏ những bé gái La Chí từ 9 tuổi chở lên đã được mẹ hay bà của mình dạy cách làm ra những tấm vải, những cách thêu cơ bản trên tấm tràm... để sau lớn lên có thể tự trồng bông, dệt vải, thêu thùa, may vá những bộ trang phục cho riêng mình.
Đến Già Nàng chúng tôi không chỉ được hiểu thêm về vẻ đẹp trang phục của người La Chí mà còn thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn: đó là ở sự mến khách, thật thà trong con người của họ. Tất cả dường như thuần khiết và mộc mạc như rừng núi nơi đây; Trong quá trình đi “mục sở thị” thôn “thêu, dệt” của người La Chí, chúng tôi bắt gặp chị Viên Thị Hoa đang loay hoay dưới ruộng cùng bộ trang phục dân tộc lấm lem bùn ruộng. Nhưng khi được hỏi về khung cửi hay cách nhuộm chàm... chị đã chẳng ngại bỏ dở việc mời chúng tôi vào nhà uống nước, nói chuyện. Sau một hồi làm quen, chị Hoa loay hoay gỡ cái giỏ đựng với đủ thứ: nào vải, nào chỉ, nào chiếc áo mới còn thơm nức mùi chàm... Rồi chị khoe cái khăn chưa một lần đội, cái áo chưa hoàn thiện của mình...tất cả như háo hức lắm về sự ngạc nhiên của chúng tôi...
Được biết, hiện nay tất cả những sản phẩm thêu, dệt của người La Chí ở Già Nàng rất ít hoặc không được đem ra thị trường tiêu thụ mà chỉ để phục vụ nhu cầu cho chính họ theo kiểu “tự cung, tự cấp” ... điều này phần nào sẽ hạn chế rất nhiều về sự “quảng bá” văn hóa người La Chí đến xã hội, đồng thời không phát huy được nguồn lợi từ các sản phẩm thêu dệt.
Việc quan tâm phát triển và đưa sản phẩm thêu dệt của người La Chí chở thành sản phẩm “hàng hóa” rất cần đến sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, địa phương... Từ đó, góp phần vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.
Chiều buông, có chú gà lạc nhà ai đang tìm đường về tổ... Đằng xa, trong ngôi nhà sàn nép bên phía kia đồi, bếp cũng đã rực lửa... tiếng kẽo kẹt của khung cửi, tiếng quay sợi đâu đó vang lên: gần rồi lại xa... mùi chàm thoang thoảng cũng “rây hương”.
Ý kiến bạn đọc