Trung tâm Kiểm soát tổng hợp Bình Nhưỡng của Cục Công nghệ Hàng không vũ trụ Quốc gia ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Kyodo
Thông báo này cho thấy, Triều Tiên có thể đã chính thức đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào hoạt động sau vụ phóng ngày 21-11. Văn phòng được thành lập tại Trung tâm Kiểm soát tổng hợp Bình Nhưỡng của Cục Công nghệ hàng không vũ trụ Quốc gia, KCNA đưa tin ngày 3-12.
Theo KCNA, Bộ Quốc phòng nước này "bày tỏ kỳ vọng rằng khả năng răn đe chiến tranh của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ có được vị thế quân sự hoàn hảo hơn". Thông tin thu được qua vệ tinh sẽ được báo cáo cho cơ quan điều hành liên quan của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, các chỉ thị sẽ được chuyển đến các đơn vị chủ chốt và Tổng cục Trinh sát của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Động thái này được đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết, vệ tinh trinh sát sẽ chính thức bắt đầu sứ mệnh của mình vào ngày 1-12, sau quá trình tinh chỉnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Theo một nguồn tin quân sự Hàn Quốc, vệ tinh do thám cần phải trải qua nhiều tháng thử nghiệm mới có thể hoạt động được.
Triều Tiên thông báo, nước này đã phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào ngày 21-11, truyền đi những bức ảnh về Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, các căn cứ quân sự của Mỹ và "các khu vực mục tiêu" ở Hàn Quốc. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố bất kỳ hình ảnh nào từ vệ tinh, khiến các nhà phân tích và cộng đồng quốc tế tranh luận về khả năng thực sự của vệ tinh mới.
Trong diễn biến liên quan, ngày 3-12, Triều Tiên cảnh báo rằng, "xung đột và chiến tranh" sẽ chỉ là vấn đề thời gian trên Bán đảo Triều Tiên sau khi thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều bị hủy bỏ, đồng thời, đe dọa rằng, Hàn Quốc sẽ đối mặt với "sự sụp đổ hoàn toàn" nếu nước này thực hiện bất kỳ hành động thù địch nào. Một nhà bình luận quân sự Triều Tiên đã đưa ra lời đe dọa trong một bài báo do KCNA đăng tải, đổ lỗi cho Seoul về việc hủy bỏ Thỏa thuận quân sự toàn diện năm 2018, trong đó, kêu gọi một loạt biện pháp quân sự nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới.
Gửi phản hồi
In bài viết