Lợi thế điểm đếm
Là huyện nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch với nhiều danh thắng đẹp và làng nghề truyền thống. Huyện Thạch Thất hiện có 209 di tích như đình, chùa, đền, quán, miếu… trong đó có 33 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Di tích nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Tây Phương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Bộ tượng Phật giáo thời Tây Sơn tại chùa Tây Phương đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Di tích chùa Tây Phương, điểm đến nổi tiếng của huyện Thạch Thất.
Bên cạnh đó, Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Địa hình đa dạng, có vùng bán sơn địa, đồng bằng, đồi núi, sông đã tạo cho Thạch Thất có được phong cảnh tự nhiên hấp dẫn. Mỗi địa phương trong huyện đều có những lễ hội văn hóa riêng gắn với truyền thống, lịch sử của làng, xã. Nhiều môn nghệ thuật cổ truyền được lưu giữ, bảo tồn và khôi phục, như: Chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá…
Ngoài giá trị về di tích, làng nghề, huyện Thạch Thất còn là địa phương nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, phong phú, đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện trên địa bàn huyện có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với những sản phẩm hết sức độc đáo: Chuồn chuồn tre, chè Lam (Thạch Xá), quạt giấy, nghề mộc (Chàng Sơn)…
Làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá có thể là điểm đến cho khách trải nghiệm.
Nhiều năm gần đây, các sản phẩm làng nghề của huyện Thạch Thất đã được giới thiệu rộng rãi tại các lễ hội du lịch, hội chợ sản phẩm quà tặng, làng nghề của Hà Nội và được du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Tạo điểm du lịch mới cho ngoại thành Hà Nội
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất, trên địa bàn đang hình thành một số điểm du lịch sinh thái mới, nổi bật là khu du lịch sinh thái Quang Huy, khu du lịch sinh thái Hoàng Long. Trong đó, khu du lịch sinh thái Hoàng Long vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch. Khu du lịch này rộng 20ha, gồm nhiều hạng mục, các công trình du lịch, như: Khuôn viên cây xanh, hệ thống villa, nhà hàng cao cấp, khách sạn tiêu chuẩn, bể bơi, bar - cafe, sân tennis và các dịch vụ giải trí hoạt động ngoài trời.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã thẩm định và đang làm hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận Điểm du lịch chùa Tây Phương. “Hiện tại, các điểm du lịch đều đang nâng cấp chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, điểm vui chơi, lưu trú tại các khu du lịch để có thể phục vụ du khách đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng, lưu trú qua đêm”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết.
Khu du lịch sinh thái Hoàng Long được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch.
Đánh giá về tiềm năng du lịch huyện Thạch Thất, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, Thạch Thất nằm giữa những vùng du lịch đang phát triển của Hà Nội như Ba Vì, Quốc Oai, vì thế địa phương có thể tạo những tour, tuyến du lịch kết nối giữa các điểm du lịch này để hình thành sản phẩm mới cho du lịch ngoại thành Hà Nội. Điều này sẽ giúp khách lưu trú lâu hơn. Ngoài ra, Thạch Thất nên đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn để tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Trước đó, trong một tọa đàm phát triển du lịch huyện Thạch Thất, ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile de France tại Hà Nội cho rằng, du khách quốc tế đến Hà Nội sẽ mong muốn tìm kiếm những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang màu sắc văn hóa bản địa, làng quê ở ngoại thành Hà Nội. Địa phương có thể phát triển loại hình tour xe đạp cho khách tham quan chùa Tây Phương - làng nghề Thạch Xá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng cho du khách tại các điểm dừng chân.
Hiện, UBND huyện Thạch Thất đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2022-2025. Theo đó, huyện sẽ xây dựng thí điểm 2 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại xã Yên Bình, Tiến Xuân. Trong kế hoạch, huyện Thạch Thất cũng hướng tới mỗi xã, thị trấn có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó sẽ gắn với việc hình thành chuỗi sản phẩm OCOP đạt chuẩn để giới thiệu du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết