Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Tiền Phong
Ngày 20-4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong phối hợp với Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động", quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, tim mạch trên cả nước. Tham dự và chủ trì có TS.BS-CKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cảnh báo điều đáng lo ngại là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt, ảnh hưởng cả đến người lao động trẻ, thanh niên, thậm chí học sinh. Trong khi đó, nhận thức cộng đồng về phòng ngừa bệnh đột quỵ còn hạn chế. Nhiều người chưa biết cách nhận diện dấu hiệu sớm, chưa chú trọng khám sức khỏe định kỳ hay duy trì lối sống lành mạnh.
Tại hội thảo, TS.BS-CKII Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng không nên để nỗi sợ đột quỵ lấn át lý trí. Điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động, từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ.
Để phòng, chống hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ. Cùng với đó, cần khám lâm sàng kỹ lưỡng và được ưu tiên để tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị.
Chia sẻ về gánh nặng chi phí, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, chi phí điều trị toàn cầu cho bệnh đột quỵ ước tính hơn 890 tỷ USD, chiếm 0,66% tổng GDP toàn cầu.
Sự gia tăng liên tục gánh nặng của đột quỵ là một thách thức lớn đối với các hệ thống y tế trên thế giới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người.
Dự báo các nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật trên thế giới vào năm 2050 là bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, đái tháo đường, COPD. Như vậy, đột quỵ đứng hàng thứ 2.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Duy Anh.
Trong phần báo cáo tham luận của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) nhấn mạnh, đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ". Khoảng 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Vì thế, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: Duy Anh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, y bác sĩ, lãnh đạo ngành Y tế đã chia sẻ về chiến lược phòng chống đột quỵ. Theo đó, đầu tiên phải bắt đầu từ chiến lược trên toàn thể dân số như thúc đẩy lối sống lành mạnh, giáo dục nâng cao nhận thức về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ...
Thứ hai là chiến lược cá nhân như sàng lọc đơn giản về huyết áp, chẩn đoán, xác định người có bất cứ nguy cơ nào của đột quỵ, bệnh tim mạch.
Khi bị đột quỵ phải chăm sóc liên tục từ khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng. Các giai đoạn phải trải qua gồm: Nhận biết - đánh giá, chẩn đoán - can thiệp, phục hồi chức năng, tái hòa nhập và phòng ngừa, giáo dục.
Gửi phản hồi
In bài viết