Lên vùng cao lập nghiệp
Có mặt tại trang trại ngay bên sườn đồi, anh Hoàng Văn Trưởng đón chúng tôi bằng nụ cười tươi, với những giọt mồ hôi lăn trên gò má khi đang chăm sóc đàn gà. Anh Trưởng tâm sự, hai vợ chồng anh vốn quê ở Sơn Tây (Hà Nội). Trước đây, anh làm đủ thứ nghề từ làm thuê đến thợ xây dựng, nhưng cuộc sống cứ mãi thiếu trước hụt sau. Trong một lần tình cờ lên Tuyên Quang thăm người thân, nhận thấy đất đai nơi đây rộng rãi, trù phú, năm 2005, vợ chồng anh quyết định rời quê lên xã vùng cao Minh Khương để phát triển kinh tế.
Ngày ấy nhiều người bảo gia đình anh “hâm” vì chọn mua mảnh đất để lập nghiệp nằm tận vùng “rừng thiêng nước độc”, đồi núi hoang vu. Thế nhưng, đến nay tất cả mọi người đều phải trầm trồ bởi nhờ cái sự “hâm” ấy mà vợ chồng anh Trưởng có thu nhập hơn 900 triệu đồng mỗi năm.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Minh Khương và gia đình anh Hoàng Văn Trưởng trao đổi kỹ thuật chăn nuôi gà.
Anh Trưởng kể, ngày ấy, hai vợ chồng vét sạch vốn liếng hơn 50 triệu đồng để mua 1,7 ha đất vườn đồi. Sau thời gian tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, anh đã đầu tư cải tạo toàn bộ diện tính đất rồi trồng 300 gốc bưởi Hoàng, 140 gốc bưởi Diễn. Đồng thời với quan điểm “lấy ngắn nuôi dài”, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất cùng với ở quê anh có truyền thống chăn nuôi gà nên anh đã bắt tay xây dựng chuồng trại chăn nuôi thêm gà thả dưới tán bưởi.
Sau thời gian ngắn, những cây bưởi bén rễ, đâm chồi, nảy lộc trên vùng đất hoang vắng và 200 con gà giống đầu tiên được đưa về nuôi thả vườn trong niềm hy vọng vô bờ. Đàn gà cứ thế lớn nhanh trong sự vui mừng phấn khởi và chăm sóc, nuôi nấng tỉ mỉ của vợ chồng anh hứa hẹn sự thành công và sự đổi đời cho cả gia đình.
Thế nhưng, niềm vui chưa tày gang, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi gà và chủ quan về phòng chống dịch bệnh nên chỉ 3 tháng sau, đàn gà của gia đình anh bị nhiễm dịch bệnh chết hàng loạt.
Thất vọng, chán chường, anh gác lại công việc chăn nuôi gà mà tập trung chăm sóc vườn bưởi.
Anh Hoàng Văn Trưởng chăm sóc đàn gà của gia đình.
Trái ngọt
Nhờ hợp với thổ nhưỡng của địa phương và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sau gần ba năm, vườn bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, lứa quả đầu tiên cho gia đình anh thu về hơn 50 triệu đồng. Từ năm thứ 5 trở đi, bưởi ra quả nhiều, đều. Do bưởi là loại quả có thể bảo quản được lâu, thời gian thu hoạch dài ngày, quả càng héo càng ngọt đậm nên được nhiều người ưa chuộng. Bưởi thu quả vào cuối năm và dịp Tết nên nhu cầu của thị trường rất cao và được giá, bình quân từ 10 - 15 nghìn đồng/quả. Mỗi năm vườn bưởi cho gia đình anh thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
3 năm sau lần chăn nuôi gà thất bại đầu tiên, được gia đình, bạn bè động viên, năm 2010, anh quyết tâm làm lại bằng mọi giá. Anh Trưởng bảo, chăn nuôi thì có thất bại mới thành công và thất bại chỗ nào thì đứng lên từ chỗ ấy.
Để có kiến thức chăn nuôi, anh đã tìm đến các mô hình chăn nuôi lớn để tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, anh còn tích lũy thêm kiến thức của bản thân thông qua các lớp tập huấn do hệ thống khuyến nông các cấp tổ chức để học tập, tìm hiểu các thông tin về cách xây dựng chuồng trại, phòng bệnh cho gà, lựa chọn con giống…
Sau khi xử lý chuồng trại kỹ càng, anh bắt tay tái chăn nuôi gà. Ban đầu từ 500 con giống gà ri, gà mía Sơn Tây có chất lượng thịt tốt, đẹp mã, gà khỏe mạnh, được phòng dịch cũng như chăm sóc chặt chẽ cùng với sự chăm chỉ, nỗ lực học hỏi, không chỉ phục hồi chăn nuôi, lần này anh Trưởng còn mạnh dạn tăng dần quy mô chăn nuôi từ 500 con đến nay lên 8.000 con gà/lứa.
Mô hình chăn nuôi gà dưới tán bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Hoàng Văn Trưởng.
Anh Trưởng chia sẻ, việc nuôi gà thả vườn có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống, gà được thả tự do trong không gian rộng lớn, dưới những tán cây bưởi. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính là cám hỗn hợp thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Gà chắc khỏe, không dịch bệnh và chất lượng thịt ngon hơn nên khách hàng rất ưa chuộng.
Bí quyết để có được đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bệnh tật thì cần thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và phải đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc - xin để phòng các loại bệnh, như niu-cát-sơn, cúm gia cầm, tụ huyết trùng… Cùng với đó, anh nuôi gà trên nền chuồng đệm lót sinh học với vỏ trấu, mùn cưa, phôi bào, rơm rạ… rồi phối trộn men sinh học, giúp phân, nước tiểu của gà được phân hủy, giảm khí độc và mùi hôi. Nhờ đó, chuồng nuôi luôn khô, thoáng, gà ít bị dịch bệnh, lớn nhanh hơn.
Nuôi gà cần tính được thời điểm vào gà hợp lý để có đầu ra thuận lợi và được giá cao. Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi, vào gà thời điểm từ tháng 9 - 12 và từ tháng 12 năm nay đến tháng 3 năm sau, mỗi năm anh nuôi hai lứa gà thịt, với 8.000 con/lứa, với giá bán dao động từ 74.000 đồng - 90.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi gà cũng đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định hơn 700 triệu đồng/năm. Gà nhà anh được xuất bán đi Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội.
Bên cạnh đó, lượng phân gà từ đệm lót sinh học tạo ra nguồn phân bón hữu cơ khoảng 30 - 50 tấn. Ngoài bón cho bưởi của gia đình, anh bán ra thị trường cũng cho gia đình anh một khoản thu nhập thêm từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, chăn nuôi hiện đang bấp bênh, luôn phụ thuộc rất lớn vào giá cả của thị trường, anh Trưởng luôn tâm niệm, người nông dân sống bằng nghề không nên làm ăn chộp giật mà phải luôn đặt chữ tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Hiện gia đình anh Trưởng đã xây dựng trang trại rộng 2,2 ha, trong đó 1,7 ha bưởi và 2 dãy chuồng nuôi 16.000 con gà/năm. Trừ chi phí, mỗi năm trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho gia đình anh thu lãi hơn 900 triệu đồng.
Từ hai bàn tay trắng, với sự cần cù, chịu khó và đổ không biết bao nhiêu mồ hôi công sức, anh và gia đình đã được đền đáp bằng trái ngọt. Nhiều người dân trong xã còn gọi vui là anh Trưởng “vua” gà đồi.
Đồng chí Nguyễn Văn Thủ, Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Khương (Hàm Yên) cho biết, mô hình trồng bưởi kết hợp chăn nuôi gà của gia đình anh Hoàng Văn Trưởng là một điển hình chăn nuôi giỏi của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân trong xã, huyện tới đây tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm phát triển. Năm 2022, gia đình anh vinh dự được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết