Quang Bình nhân lên những mảnh vườn xanh

12:08, 05/06/2025

BHG - Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, những năm qua, huyện Quang Bình bằng những cách làm cụ thể, sáng tạo đã tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp (CTVT), xây dựng vườn mẫu, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều mảnh vườn trở thành vườn mẫu, là nguồn thu nhập chính, đảm bảo cuộc sống cho các hộ tham gia cải tạo.

Chúng tôi có dịp về thị trấn Yên Bình (Quang Bình), được cán bộ thị trấn đưa đến thăm gia đình ông Hoàng Xuân Bắc, tổ 1, thị trấn Yên Bình là hộ CTVT tiêu biểu của địa phương. Trong đoàn, ai cũng bị thu hút bởi sự sạch đẹp từ những con đường bê tông, đến những hàng hoa rực rỡ, hàng rào xanh mát dọc hai bên lối đi vào nhà ở của gia đình ông Bắc. Đặc biệt, được ngắm nhìn những khu vườn xanh mướt, trù phú với nhiều loại cây ăn quả, ao cá được quy hoạch gọn gàng, đẹp mắt.

Vườn ổi của ông Hoàng Xuân Bắc, tổ 1, thị trấn Yên Bình mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Vườn ổi của ông Hoàng Xuân Bắc, tổ 1, thị trấn Yên Bình mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Được biết, khu vườn của gia đình ông Bắc có diện tích trên 2.000m2, bố trí trồng đủ các loại cây ăn quả với 20 gốc bưởi, cây quế, hoa hồng cảnh quan, ổi, chanh, hồng xiêm. Thu nhập từ bán quả mỗi năm mang về cho gia đình trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn có 2 ao cá với diện tích mặt nước trên 600m2, thả các loại cá Rô phi, Trắm, Chép, mỗi năm bán được khoảng 2 tấn cá, thu về trên 100 triệu đồng. “Năng nhặt, chặt bị” là quan điểm của gia đình tôi khi quyết định cải tạo lại khu vườn tạp. Việc cải tạo lại vườn, phân khu trồng các loại cây phù hợp giúp tôi có mảnh vườn để chăm sóc lúc tuổi già, cũng giúp gia đình tôi có khoản thu nhập ổn định” - ông Hoàng Xuân Bắc chia sẻ.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trong 4 năm từ 2021 - 2024, trên địa bàn huyện Quang Bình có 328 hộ thực hiện CTVT theo Nghị quyết số 05, trong đó có 140 hộ nghèo và 188 hộ cận nghèo; 230 hộ có nhu cầu và đã được vay vốn. Toàn huyện cải tạo tổng diện tích gần 190 nghìn m2; trong đó, trên 24 nghìn m2 trồng các loại cây ăn quả; trên 39 nghìn m2 trồng các loại rau, củ quả; trên 29 nghìn m2 cải tạo nuôi thủy sản và 29.661 m2 cải tạo để thực hiện chăn nuôi. Ngoài hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, huyện Quang Bình hỗ trợ 952 hộ khác triển khai cải tạo lại vườn với tổng diện tích  552 nghìn m2. Dự kiến trong năm 2025, toàn huyện sẽ hỗ trợ 35 hộ nghèo thực hiện cải tạo với tổng diện tích trên 26.000 m2. Đến nay, các địa phương triển khai đến tất cả các hộ; một số vườn trồng rau màu đã bắt đầu cho thu hoạch.

Theo đánh giá của phòng chuyên môn, đến nay, sau gần 5 năm triển khai chương trình CTVT thấy rõ hiệu quả kinh tế. Ngay sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay, đa số các hộ đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cải tạo hiệu quả, bước đầu đã có thu nhập. Một số địa phương như xã Tân Nam, Bản Rịa, Yên Thành, từ việc bán củ, quả và rau đậu các loại cho lợi nhuận 2-3 triệu đồng/hộ/tháng; trong chăn nuôi lợn, dê, gia cầm, thủy sản đã có lợi nhuận cao từ 5 - 10 triệu đồng/hộ tại các xã Yên Thành, Bằng Lang, Tân Nam; 15-20 triệu đồng/hộ tại xã Tân Bắc,  Xuân Giang; 20-30 triệu đồng/hộ tại xã Vĩ Thượng.

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Toàn huyện có hàng nghìn hộ chuyển đổi, CTVT sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu... Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào CTVT, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn; hỗ trợ, hướng dẫn các hộ cải tạo đất, xây dựng vườn mẫu khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Định hướng cho người dân sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm... Phấn đấu giai đoạn tiếp theo mỗi địa phương đều xây dựng các vườn mẫu có giá trị kinh tế cao.

 Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ cải tạo vườn tạp ở Phú Linh
BHG - Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những năm qua, xã Phú Linh (Vị Xuyên) luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế, trong đó phong trào cải tạo vườn tạp (CTVT) được triển khai hiệu quả, giúp nhiều hộ dân trong xã có nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống.
31/07/2024
Mảnh vườn trù phú của lão nông Hoàng Thế Diện
BHG - Bốn mùa trong năm, mảnh vườn trồng rau của gia đình ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) luôn tốt tươi, mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm gần 150 triệu đồng. Đây là kết quả bước đầu sau khi ông thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mô hình trồng rau của gia đình ông được đánh giá là tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này
29/10/2022
 “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau” trong cải tạo vườn tạp ở Bắc Mê
BHG - Với phương châm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau” trong cải tạo vườn tạp (CTVT), huyện Bắc Mê xác định mục tiêu cốt lõi là phải giúp các hộ chuyển đổi tư duy, phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên mảnh vườn của mình để tạo sinh kế, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.
28/08/2024
Những hình ảnh đẹp cải tạo vườn tạp ở Thài Phìn Tủng
BHG - Thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, thời gian qua người dân huyện Đồng Văn đã tận dụng và phát huy tốt nhiều diện tích vườn đồi. Trồng gừng xen canh dưới tán lê là một cách làm được người dân ở thôn Khí Lé, xã Thài Phìn Tủng áp dụng. Sau những ngày tháng vất vả lao động, mùa Xuân, khi những cành đào, cành lê bung sắc hoa cũng là lúc bà con người Mông thu hoạch những khóm gừng già thơm để xuất ra thị trường. Cải tạo vườn tạp không chỉ là việc trồng những cây trồng mới, mà còn là cách người dân biết phát huy tối đa hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích để tăng thêm thu nhập.
28/02/2023