Pờ Chừ Lủng - nơi tận cùng non cao
BHG- Pờ Chừ Lủng - thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La (Yên Minh). Muốn đến thôn, ngoài gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy, với những người đàn ông khỏe mạnh phải mất thêm gần 2 tiếng đồng hồ còn những cô giáo bám bản mất khoảng 3 tiếng để... cuốc bộ, leo qua những ngọn núi, nương ngô. Có lẽ, trên địa bàn tỉnh ta giờ đây, còn rất ít những thôn như Pờ Chừ Lủng, vẫn nằm ở nơi tận cùng núi cao như vậy.
![]() |
Muốn đến được các cụm dân cư của Pờ Chừ Lủng hoàn toàn phải đi bộ, bởi các con đường đến đây đều là đường mòn. |
Đã từng đến nhiều thôn, xóm đặc biệt khó khăn của những xã đặc biệt khó khăn, nhưng chuyến đi đến Pờ Chừ Lủng có lẽ là chuyến đi nhiều kỷ niệm và đáng nhớ nhất với tôi. Thôn Pờ Chừ Lủng có 51 hộ dân sinh sống, 100% các hộ trong thôn là người dân tộc Mông và tất cả đến nay đều là hộ nghèo. Thôn được chia làm 3 cụm dân cư riêng rẽ gồm các tổ 1, 2 và 3. Anh Tẩn A Nhùng, Bí thư Đoàn xã, người được giao phụ trách thôn cho biết: Trong 3 tổ, tổ 1 là thuận lợi nhất vì có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, đường đến tổ 1 có độ dốc lớn và toàn là đá đủ loại kích cỡ. Loại xe cơ giới duy nhất có thể đến được thôn là xe ô tổ tải có 2 cầu. Còn lại hầu như người dân đều dùng phương pháp duy nhất là... đi bộ. 2 tổ còn lại vẫn chưa có đường nên muốn đến đây, cách duy nhất cũng là cuốc bộ.
Đầu tháng 9 vừa qua, được sự giúp đỡ của cán bộ xã Ngam La, chúng tôi đã được trải nghiệm những cung đường đến với các cụm dân cư của Pờ Chừ Lủng. Con đường đến Pờ Chừ Lủng dường như khó đi hơn sau trận mưa đêm hôm trước, đoạn đường đất qua thôn Cốc Peng và Sủng Hòa của xã Ngam Lam khiến chúng tôi mất gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy nhưng đó mới là khởi đầu của hành trình đến với Pờ Chừ Lủng. Qua điểm trường thôn Sủng Hòa, chúng tôi bắt buộc phải gửi xe để cuốc bộ đến 2 cụm dân cư xa nhất của Pờ Chừ Lủng (tổ 2 và tổ 3). Men theo các bậc thang đá bên những vách đá dựng đứng, nhiều đoạn phải bò bằng cả 2 tay, 2 chân mới leo qua được. Vượt qua 2 đỉnh núi và vài nương ngô, dù tất cả đều rã rời chân tay, mồ hôi thấm đẫm những chiếc áo may ô nhưng ai nấy đều phấn chấn hơn khi thấy những ngôi nhà của người dân sau làn sương mờ phía dưới thung lũng.
![]() |
Do không có đường, các hộ dân ở Pờ Chừ Lủng gần như sống tách biệt với bên ngoài và “tự cung, tự cấp” lương thực. |
Cụm dân cư tổ 2 và tổ 3 có 39 hộ, nhưng thời điểm chúng tôi đến hầu hết người lớn không có ai ở nhà. Anh Nhùng cho biết: Ở thôn này không có sóng điện thoại nên hôm qua anh (phóng viên) hẹn đi Pờ Chừ Lủng chúng tôi không thể nào liên lạc trước được với ai. Vì thế, ngay cả Bí thư Chi bộ cũng không gặp được.
Khoảng thời gian gần 2 tiếng đồng hồ cuốc bộ đến 2 tổ này, tôi được nghe cán bộ xã kể nhiều câu chuyện về đời sống của người dân nơi đây. Rằng, vì không có đường, không thể vận chuyển nguyên vật liệu vào thôn để xây nhà nên nhiều năm trước người dân Pờ Chừ Lủng phải lên rừng lấy gỗ về xẻ ra thành từng tấm ván vừa để dựng vách vừa dùng lợp mái. Mỗi nhà khi hoàn thiện xong phải mất vài chục cây gỗ đường kính từ 25 – 30 cm trở lên. Vì thế, rừng ở Pờ Chừ Lủng ngày một thưa dần. Và cũng vì không có đường, người dân nơi đây khi xuống chợ không thể dắt theo bò, lợn, dê đi bán lấy tiền mua mắm, mua muối, cải thiện đời sống. Để có thể mang được gia súc xuống núi, họ phải thịt ngay tại nhà rồi xẻ thành từng miếng nhỏ, cho vào gùi, thay nhau cõng xuống núi để bán.
Ngoài không có đường, không có sóng điện thoại để liên lạc thì việc thiếu nước sinh hoạt cũng là một khó khăn lớn ở Pờ Chừ Lủng. Tất cả các cụm dân cư không có nguồn nước mạch từ các khe núi. Nên người dân hoàn toàn trông chờ vào nước mưa. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lù Mí Quả cho biết: Mấy năm trước được nhà nước hỗ trợ xây dựng một hồ treo tại tổ 1 của thôn. Tuy nhiên, để đến được hồ treo này, các hộ dân ở cụm dân cư tổ 2 và tổ 3 chúng tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ (cả đi lẫn về) leo núi, xuyên rừng mới có thể lấy được nước. Nhưng khi hồ treo được đưa vào sử dụng không lâu, do đặt dưới chân núi, nên mỗi khi mưa xuống, chất thải từ chuồng nuôi gia súc của người dân ở phía trên theo nước mưa trôi xuống khiến cho nước trong hồ bị ô nhiễm, không thể sử dụng. Chính vì vậy, dù có hồ treo nhưng người dân trong thôn hoàn toàn vẫn chờ nước từ... “ông trời”. Khi mùa khô đến (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), để có nước sử dụng, chúng tôi phải đào các hố dưới đất sâu từ 3 – 4 mét chờ nước ngấm từ đất ra để sử dụng nhưng vẫn không đủ và cũng không được sạch.
Cô giáo Lý Thị Long và Lừu Thị Tiên – giáo viên điểm trường mầm non Pờ Chừ Lủng tâm sự: Ở đây học sinh rất chịu khó đến lớp. Phụ huynh cũng quan tâm đến con em mình. Họ đã đóng góp vật liệu và công lao động để dựng nhà lớp học cho các cháu và phòng ở cho giáo viên. Nhưng đường đi đến thôn khó khăn quá. Các anh đi cũng biết rồi đấy. Hai thầy giáo dạy lớp tiểu học của điểm này khỏe và quen đường cũng đi mất gần 2 tiếng. Chúng em con gái lại mới được chuyển đến đây nên đi mất 3 tiếng mới đến nơi. Mỗi tuần lên điểm hay về nhà đều mất nguyên cả nửa ngày trời. Từ tổ này sang tổ 1 vận động học sinh cũng mất bằng đó thời gian đường thì hoàn toàn là đường mòn rất khó đi, nên hơn 10 cháu ở tổ 1 cũng không thể sang đây học được...
Những câu chuyện về Pờ Chừ Lủng qua lời kể của các cán bộ đưa tôi đến thôn tưởng như chỉ là nói vui nhưng khi đến nơi, tận mắt chứng kiến những ngôi nhà mái vẫn lợp bằng ván gỗ; trải nghiệm quãng đường đến với 2 cụm dân cư này và trò chuyện với người dân và giáo viên điểm trường của thôn, chúng tôi tin những khó khăn, thiếu thốn đó đều là sự thật.
Rời Pờ Chừ Lủng cũng vào xế chiều, quãng đường từ tổ 2, tổ 3 sang tổ 1 của thôn qua tán rừng già vẫn còn giữ được nét nguyên sơ như chưa hề có sự xuất hiện của con người chẳng khác nào đi trên những mỏm đá tai mèo. Cơn mưa rừng bất chợt khiến chúng tôi ai nấy đều ướt như “chuột lột”, nhưng những khó khăn của chuyến đi dường như chẳng thấm vào đâu so với những vất vả mà người dân và giáo viên nơi đây hàng ngày vẫn đang phải chịu đựng. Vì vậy, mong sao cấp ủy chính quyền các cấp ở Yên Minh sớm có những hỗ trợ giúp người dân Pờ Chừ Lủng mở đường, để “nơi tận cùng núi cao” này ngày càng gần hơn với các địa phương khác. Đời sống người dân thuận lợi hơn, kinh tế ngày càng phát triển và sớm thoát khỏi đói nghèo.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc