Mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động vùng cao

08:18, 31/05/2025

BHG - Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp kết nối việc làm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ. Bằng cách làm bài bản, chủ động, linh hoạt, công tác kết nối việc làm không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn, mà còn từng bước tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Từ một phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, từng chỉ quen với nương rẫy và cuộc sống thiếu thốn quanh năm, chị Sin Thị Máy, thôn Táo Hạ, xã Bản Ngò, (Xín Mần) là một trong những tấm gương tiêu biểu cho hiệu quả của công tác tư vấn, kết nối việc làm. Năm 2021, thông qua buổi tuyên truyền do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã, chị Máy được tiếp cận thông tin về cơ hội việc làm tại một công ty cao su ở tỉnh Đồng Nai. Được tư vấn, hỗ trợ làm thủ tục, chị mạnh dạn đăng ký đi làm ngoài tỉnh. Sau 4 năm gắn bó với công việc, chị đã có mức thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng. Từ đồng lương tích góp, chị sửa sang lại nhà cửa, mua sắm vật dụng thiết yếu và có điều kiện chăm lo cho các em trong gia đình. Chị Máy chia sẻ: “Nhờ có cán bộ tư vấn tận nơi, tôi mới biết có công việc phù hợp, ổn định và có thể kiếm thu nhập khá. Giờ đây tôi cảm thấy tự tin hơn, cuộc sống của gia đình cũng khá lên từng ngày”.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trao đổi với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina tại buổi ký kết hợp tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trao đổi với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina tại buổi ký kết hợp tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động

Được biết, từ đầu năm 2025 đến nay, hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với thông tin tuyển dụng rõ ràng, chính thống, có định hướng, được hỗ trợ đi làm việc ngoài tỉnh, thậm chí ra nước ngoài. Đồng chí Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Việc kết nối người lao động với doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là trách nhiệm chính trị. Chúng tôi không chỉ giới thiệu việc làm, mà còn lắng nghe, hỗ trợ, theo dõi từng hoàn cảnh cụ thể để đảm bảo người lao động yên tâm làm việc lâu dài, có thu nhập ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp”.

Với quan điểm đó, công tác kết nối việc làm trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến thực chất. Trong quý I.2025, toàn tỉnh đã tổ chức 56 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt lao động tham gia. Hơn 200 người đã được giới thiệu việc làm thành công. Không dừng lại ở các phiên giao dịch việc làm truyền thống, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tích cực ứng dụng công nghệ số để đưa thông tin việc làm đến tận tay người lao động qua điện thoại, mạng xã hội... Nhờ đó, người lao động có thể tiếp cận tin tuyển dụng, đăng ký tìm việc làm và nhận tư vấn chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Các em học sinh trường THPT Bắc Mê (Bắc Mê) tìm hiểu các vị trí việc làm tại Hội chợ việc làm huyện năm 2024
Các em học sinh trường THPT Bắc Mê (Bắc Mê) tìm hiểu các vị trí việc làm tại Hội chợ việc làm huyện năm 2024

Cùng với đó, chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh cũng được triển khai bài bản. Tỉnh đã ký kết với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước, đẩy mạnh đưa lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… không chỉ nhằm giải quyết việc làm, mà còn là hướng phát triển kinh tế hộ gia đình lâu dài.

Không thể phủ nhận, kết nối việc làm là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giải pháp giảm nghèo bền vững. Một khi người lao động có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thì con đường dẫn đến no ấm, văn minh cho các xã vùng cao không còn là viễn cảnh xa vời. Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, lấy nhu cầu thực chất của người lao động làm trung tâm, lấy hiệu quả của từng ca giới thiệu việc làm làm thước đo đánh giá.

Bài toán giải quyết việc làm cho lao động không dễ giải trong một sớm một chiều, nhưng với những tín hiệu tích cực từ cơ sở, từ sự chủ động vào cuộc của các ngành liên quan, cùng quyết tâm vượt khó của người dân, tin tưởng rằng, công tác kết nối việc làm sẽ ngày càng hiệu quả, thực chất, trở thành động lực mới để người dân vươn lên làm chủ cuộc sống.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
BHG - Nhận thức rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Minh luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), chất lượng dạy và học, từng bước tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là tại các trường học trọng điểm ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.
31/05/2025
Xóa mù chữ giải pháp nâng cao dân trí
BHG - Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ người dân trong độ tuổi 15 - 60 của tỉnh biết chữ mức độ 1 đạt 95,77%, mức độ 2 đạt 87,85%; 193/193 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC). Đó là thành quả đáng khích lệ trong công tác XMC của tỉnh ta. Hiện nay, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao trình độ dân trí cho người dân.
31/05/2025
Nàn Ma thay đổi nhận thức người dân trong xóa bỏ hủ tục, tảo hôn
BHG - Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần đồng thuận của người dân xã Nàn Ma (Xín Mần), công tác tuyên truyền đã mang lại những chuyển biến tích cực trong đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xóa bỏ các hủ tục.
31/05/2025
Công ty Điện lực Hà Giang tích cực hưởng ứng Tháng Công nhân
BHG - Hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống, việc làm và an toàn của người lao động. Đây là dịp để thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng người lao động.
30/05/2025