“Ánh sáng” ở những lớp học biên cương

07:55, 20/06/2025

BHG - Tại khu vực biên giới huyện Yên Minh, lớp học xóa mù chữ chính là “ngọn lửa” thắp lên niềm tin, mang ánh sáng tri thức và làm chủ cuộc đời đến cho bà con dân tộc thiểu số. Với ý nghĩa đó, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện nhiều cách làm mới để tổ chức các lớp học hiệu quả.

Những buổi tối Hè tháng 6, men theo con đường nhỏ dẫn đến điểm trường Phú Tỷ 2, xã Na Khê, người dân trong thôn gọi nhau đến lớp học xóa mù chữ. Có những người tóc đã bạc, có phụ nữ địu con sau lưng nhanh chóng băng qua con dốc đá quen thuộc để đến lớp. Lớp học nhỏ gần đường biên do thầy Hoàng Văn Sơn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Khê làm giáo viên chủ nhiệm. Tham gia học tập có 17 người dân, lớp khai giảng từ 22.4 và duy trì học tập đều đặn các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Cán bộ Công an xã Na Khê (Yên Minh) giảng dạy tại lớp xóa mù chữ.
Cán bộ Công an xã Na Khê (Yên Minh) giảng dạy tại lớp xóa mù chữ.

Với bảng đen, phấn trắng, lớp học ở thôn Phú Tỷ 2 còn có sự đồng hành của các thầy giáo là cán bộ, chiến sỹ Công an xã Na Khê. Đây cũng là lần đầu tiên công tác xóa mù chữ trên địa bàn có sự tham gia của lực lượng Công an cơ sở. Thượng tá Hoàng Việt Tiến, Trưởng Công an xã chia sẻ: Lần đầu tham gia nhiệm vụ “đặc biệt” tại các lớp xóa mù chữ thôn Lùng Búng và Phú Tỷ 2, cá nhân tôi và anh, em trong đơn vị cũng rất hồi hộp. Vốn quen với việc xử lý nghiệp vụ nay lại cầm phấn để dạy bà con từng nét chữ, từng phép tính tôi nhận ra đây cũng là cách làm để gần dân, hiểu dân và học hỏi sự kiên trì. Quá trình tham gia giảng dạy từ tháng 4 đến nay, bà con rất phấn khởi tham gia và đi học đầy đủ. Trong lớp có tới 3 – 4 chị em ruột, đưa cả cháu cùng đi học là những hình ảnh khiến tôi xúc động và trân trọng.

Hiện tại xã Na Khê đã mở được 6 lớp với 174 bà con tham gia, đây cũng là địa phương biên giới mở được nhiều lớp xóa mù chữ và huy động được đông học viên nhất. Trong số những người đi qua 2/3 cuộc đời lần đầu cầm phấn viết tên mình lên bảng có cô Lý Thị Púi, 60 tuổi người Dao ở thôn Phú Tỷ 2. Do cuộc sống vất vả khi trẻ không có điều kiện đi học, cả đời đi nương, làm rẫy, mỗi lần đi khám bệnh hay có giấy tờ gì, cô chỉ biết lăn tay. Thấy con cháu đọc chữ mà không hiểu gì cũng thấy tủi thân, nên đầu năm nay khi xã rà soát, cô và các chị trong thôn cùng đăng ký. Sau gần 2 tháng, giờ cô Púi đã có thể tự viết tên mình, cô tự tin hơn và nhận ra việc học không bao giờ muộn.

Đông đảo phụ nữ vùng biên tham gia các lớp xóa mù chữ.
Đông đảo phụ nữ vùng biên tham gia các lớp xóa mù chữ.

Với mục tiêu mở rộng các lớp xóa mù chữ, nâng cao dân trí ở khu vực biên giới, ngay từ đầu năm 2025, ngành Giáo dục huyện Yên Minh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền 4 xã biên giới gồm Na Khê, Bạch Đích, Thắng Mố, Phú Lũng rà soát thực tế, xác định nhu cầu và phân loại nhóm đối tượng. Ngoài lực lượng giáo viên, huyện đã huy động 100% các lớp đều có Bộ đội Biên phòng và Công an xã tham gia giảng dạy và thực hiện công tác vận động, duy trì sĩ số học viên.

Đồng chí Tống Thị Ngân, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh chia sẻ: Ngành xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng với chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang để đảm bảo sự bền vững, hiệu quả của các lớp xóa mù chữ. Xác định Bộ đội Biên phòng, Công an xã là lực lượng được người dân tin tưởng, sẽ giúp thu hút học viên đến lớp và tăng cường niềm tin, củng cố đoàn kết, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa phương. Từ 22.4 đến nay, tại 4 xã biên giới đã mở, duy trì 16 lớp xóa mù chữ với tổng số 372 học viên.

Xóa mù chữ là nhiệm vụ khó, đòi hỏi sự lâu dài và còn nhiều khó khăn với địa phương vùng cao. Các lớp học biên cương tại Yên Minh với tâm huyết của giáo viên, đặc biệt là những người thầy mang quân hàm sẽ góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng trong hành trình mang tri thức cho đồng bào vùng cao, mở ra hy vọng về tương lai vững vàng, phát triển hơn.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí không còn là khẩu hiệu
BHG - Trong nhiều cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng: “Phải coi phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Quan điểm này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng trong việc xây dựng một nền hành chính liêm chính, hiệu quả mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các biện pháp cụ thể để ngăn chặn và xử lý tình trạng lãng phí.
20/06/2025
Bước chuyển thực chất từ Nghị quyết số 07
BHG - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 07), hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp chuyển biến rõ nét cả về tư duy tổ chức, cách thức hoạt động và khả năng thích ứng với yêu cầu thực tiễn.
19/06/2025
Báo Hà Giang công bố Quyết định nghỉ chế độ cho cán bộ
BHG - Chiều 18.6, Báo Hà Giang tổ chức Lễ công bố các Quyết định nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc ngay theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị định 67.2025/NĐ-CP ngày 15.3.2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ- CP.
19/06/2025
 “69 ngày đêm” cho cuộc chuyển mình lịch sử
BHG - Trước yêu cầu cấp bách của việc hợp nhất tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang và chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh, xã) thay cho mô hình ba cấp truyền thống, Hà Giang đã phát động chiến dịch cao điểm “69 ngày đêm chuẩn hóa thủ tục hành chính” (TTHC). Đây là bước chuẩn bị căn cơ, sẵn sàng cho cuộc chuyển mình lịch sử trong tổ chức bộ máy chính quyền.
19/06/2025