Đổi mới quản lý giáo dục trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

15:03, 08/06/2025

BHG - Việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp giáo dục đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương không xáo trộn mạng lưới trường lớp hiện có mà tập trung đổi mới phương thức quản lý, kỳ vọng sẽ mở ra chương mới trong phát triển giáo dục tại cơ sở.

Hiện nay, toàn tỉnh có 807 cơ sở giáo dục với 9.766 nhóm/lớp, 1.168 điểm trường, 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 193 trung tâm học tập cộng đồng, hơn 273.920 học sinh và gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những năm qua, tỉnh đã tích cực rà soát, tổ chức lại mạng lưới trường lớp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế, đưa học sinh từ điểm trường về trường chính, giảm lớp ghép. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh giảm được 14 cơ sở giáo dục, 315 nhóm/lớp và 737 điểm trường.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang,  nơi tạo cơ hội học tập cho nhiều sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang, nơi tạo cơ hội học tập cho nhiều sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn rộng, nhiều xã vùng sâu, vùng xa có dân cư thưa thớt nên việc sáp nhập trường học vẫn gặp khó khăn. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, để đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các trường mầm non, tiểu học và THCS vẫn được giữ nguyên và giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện sẽ chuyển về Sở GD&ĐT quản lý, đồng thời tổ chức lại theo cụm liên xã, phường để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng với mạng lưới trường, lớp, việc quản lý và sử dụng hiệu quả biên chế giáo viên đang đặt ra nhiều thách thức khi toàn tỉnh thiếu gần 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên theo định mức biên chế giao. Việc phân cấp giữa các cấp chính quyền cần hợp lý, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy hành chính. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định, đảm bảo chỉ tiêu, vị trí việc làm, đặc biệt với biên chế giáo viên bổ sung giai đoạn 2022–2026. Các huyện đã được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2024 phải hoàn thành tuyển dụng trước ngày 30.6, nếu không đảm bảo tiến độ phải báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh. Các địa phương còn lại rà soát điều kiện để triển khai kế hoạch tuyển dụng từ đầu năm học 2025 – 2026.

Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (Vị Xuyên) đọc sách tại thư viện.
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (Vị Xuyên) đọc sách tại thư viện.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, quy mô trường lớp, tiêu chuẩn định mức theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để có phương án điều tiết giáo viên hợp lý, đặc biệt tại các xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính, khuyến khích biệt phái, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả đội ngũ hiện có; kịp thời báo cáo về UBND tỉnh những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để xử lý hiệu quả. Ngành Giáo dục chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn tuyển dụng như: Dự báo quy mô học sinh theo độ tuổi, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu địa phương, ký hợp đồng đặt hàng với các cơ sở giáo dục đại học để đào tạo giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Công tác rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng được triển khai kịp thời, phù hợp.

Với sự chủ động trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và đồng thuận từ cơ sở, ngành Giáo dục đang từng bước chuẩn bị chu đáo, đảm bảo thích ứng khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bài, ảnh: AN GIANG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp
BHG - Sau 1 tháng triển khai, Nhân dân tỉnh ta cùng với cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước ban hành quyết sách, thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.
08/06/2025
Gia tộc Lương y Tâm Tài đón nhận Bằng chứng nhận UNESCO
BHG - Sáng 8.6, tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ trao Bằng chứng nhận UNESCO cho gia tộc Lương y Tâm Tài – gia tộc họ Nguyễn đã trải qua 4 đời gắn bó, gìn giữ và phát huy tinh hoa y học dân tộc Ngạn. Tham dự buổi lễ có đại diện một số sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Bắc Quang cùng đông đảo người dân, thầy thuốc và các nhà nghiên cứu quan tâm đến y học cổ truyền.
08/06/2025
Đức Xuân vượt gian khó trên hành trình “an cư lạc nghiệp”
BHG - Không đơn thuần là một chỉ đạo hành chính, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã Đức Xuân (Bắc Quang) đã thắp lên ngọn lửa đoàn kết, lan tỏa nghĩa tình để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
08/06/2025
Xóa trắng tà đạo - Hành trình nỗ lực và thấm đẫm niềm tin ở vùng biên Quản Bạ - Kỳ 1: Âm mưu của các thế lực thù địch
BHG - Việc tà đạo núp bóng dưới hoạt động tôn giáo đã len lỏi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Quản Bạ để truyền bá tư tưởng nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm lệch chuẩn thuần phong, mỹ tục, đạo đức. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết ngay.
07/06/2025