Giữ vững “lá chắn lửa” bằng ý thức và hành động của toàn dân

22:00, 03/06/2025

BHG - Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW năm 2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy” (PCCC), với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, tỉnh đã kiên trì, nỗ lực xây dựng thế trận PCCC toàn dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển KT - XH tại địa phương.

Ngay sau khi Chỉ thị số 47 được ban hành, Tỉnh ủy đã kịp thời cụ thể hóa nội dung chỉ đạo bằng các văn bản quan trọng; UBND tỉnh ban hành các hướng dẫn triển khai; Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh chủ động xây dựng các chuyên đề PCCC phù hợp thực tiễn của tỉnh miền núi. Nội dung trên được lồng ghép trong kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh hàng năm và theo phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Công tác PCCC được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên, lâu dài, gắn liền với bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Lực lượng chức năng sử dụng xe thang chuyên dụng trong phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng chức năng sử dụng xe thang chuyên dụng trong phòng cháy, chữa cháy.

Một trong những điểm sáng rõ nét về thực hiện Chỉ thị số 47 là việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC. Giai đoạn 2015 - 2025, toàn tỉnh đã tổ chức 559 buổi tuyên truyền và 104 lớp tập huấn trực tiếp tại cơ sở, thu hút gần 140.000 lượt người dân, học sinh, cán bộ tham gia. Hàng nghìn tờ rơi, cuốn sổ tay hướng dẫn, pano, áp phích được phát hành rộng rãi đến từng thôn, bản. Công an tỉnh phối hợp với Báo Hà Giang đăng tải 594 tin, 106 phóng sự tuyên truyền trên báo hình, phát thanh, báo in, báo điện tử.

Ngoài ra, các huyện, thành phố cùng nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức đa dạng, phong phú cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCCC; chương trình “Giờ vàng phát thanh PCCC”; diễu hành lưu động… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội như: facebook, zalo, Cổng dịch vụ công để lan tỏa kiến thức PCCC, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện. Sự sáng tạo về nội dung, hình thức tuyên truyền theo chiều sâu, thiết thực đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với công tác PCCC.

Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” được triển khai mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận của người dân từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa. Tính đến nay, tỉnh có 1.780 đội PCCC cơ sở với 15.499 đội viên; 2.071 đội dân phòng với 19.329 thành viên. Mỗi tổ dân phố, thôn, bản đều xây dựng ít nhất một tổ PCCC tại chỗ, hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ. Tất cả 11 huyện, thành phố duy trì và nhân rộng 408 mô hình điển hình như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”; “Khu dân cư an toàn”; “4 tại chỗ, thời điểm vàng”; “Điểm chữa cháy công cộng”.

Cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần In Hà Giang thực hành dập tắt đám cháy bình gas.
Cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần In Hà Giang thực hành dập tắt đám cháy bình gas.

Điển hình tại xã Tân Trịnh (Quang Bình), 10 thôn của xã đều thành lập “Tổ liên gia an toàn PCCC” hoạt động hiệu quả tại các cụm dân cư, khu vực chợ, trường học. Mỗi tổ có từ 7 - 10 thành viên và trang bị bình chữa cháy, kèn báo động, đèn pin, loa tay. Các thành viên được huấn luyện, thực hành các tình huống chữa cháy giả định, không để lúng túng khi xảy ra sự việc khẩn cấp. Hộ kinh doanh, buôn bán, sản xuất các vật liệu dễ có nguy cơ cháy, nổ đã ký cam kết thực hiện PCCC. Đặc biệt, “Tổ liên gia an toàn PCCC” của xã đã đạt giải Nhất tại hội thi nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh năm 2024.

Anh Nguyễn Văn Định, thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh chia sẻ: “Từ việc trải nghiệm, thực hành, tôi đã sử dụng thuần thục phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ để phổ biến, nhân rộng trong gia đình, cộng đồng các biện pháp an toàn PCCC. Cách đây gần 2 năm, ở khu vực chợ trung tâm xã có xảy ra vụ chập điện do mưa lớn, “Tổ liên gia an toàn PCCC” của thôn đã kịp thời ngắt điện và dùng bình xịt bột chữa cháy để dập tắt đám cháy, không để lan ra diện rộng”.

Cùng với xây dựng phong trào, từ cấp tỉnh đến huyện, thành phố đã chủ động phối hợp lực lượng Công an, Dân quân, Đoàn Thanh niên tổ chức diễn tập thực tế, xử lý các tình huống cháy rừng, cháy chợ, cháy nhà dân. Thời gian qua, tỉnh cũng bố trí hơn 13,4 tỷ đồng từ ngân sách để để đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ hiện đại. Hiện nay, có 40 trụ nước chữa cháy được lắp đặt tại các đường phố, khu dân cư và các khu đô thị mới xây dựng.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 454 vụ cháy và 14 vụ nổ, làm 22 người chết, 19 người bị thương. Thiệt hại ước tính trên 102 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện và do bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt. Khu vực xảy ra cháy chủ yếu tại đô thị, chiếm đến 81,2% tổng số vụ cháy. Điều đó cho thấy rủi ro từ các nguồn nguy cơ cháy, nổ rất đa dạng, đòi hỏi phải có những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội.

Thượng tá Mai Văn Thực, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh khẳng định: “Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 47, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định. Lấy công tác phòng ngừa làm gốc, tổ chức tốt lực lượng tại chỗ là nền tảng cho các hoạt động PCCC. Trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về PCCC. Trong đó, đổi mới tuyên truyền, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm an toàn PCCC; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát cháy, nổ; tổ chức diễn tập phù hợp địa hình vùng núi cao”.

Cùng lực lượng nòng cốt là Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, tổ dân phố, thôn, bản đang trở thành những “cánh tay nối dài”, giúp cho công tác PCCC ngày càng hiệu quả, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của tỉnh.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Thị Bích Ngọc – niềm tự hào của thiếu nhi vùng cao
BHG - Trong muôn vàn bông hoa tươi thắm của thiếu nhi cả nước hướng về Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X năm 2025, Hà Giang vinh dự có 7 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu. Trong đó, em Hoàng Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Yên Minh - là một bông hoa đặc biệt, mang trong mình tinh thần vượt khó vươn lên, rực sáng giữa núi rừng cực Bắc.
31/05/2025
Vững tâm bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10
BHG - Nhằm giúp học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, ngành Giáo dục huyện Yên Minh đã và đang tích cực triển khai công tác ôn tập đảm bảo khoa học, củng cố kiến thức trọng tâm và rèn luyện kỹ năng làm bài.
31/05/2025
Xóa mù chữ giải pháp nâng cao dân trí
BHG - Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ người dân trong độ tuổi 15 - 60 của tỉnh biết chữ mức độ 1 đạt 95,77%, mức độ 2 đạt 87,85%; 193/193 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC). Đó là thành quả đáng khích lệ trong công tác XMC của tỉnh ta. Hiện nay, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao trình độ dân trí cho người dân.
31/05/2025
Yên Minh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
BHG - Nhận thức rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Minh luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), chất lượng dạy và học, từng bước tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là tại các trường học trọng điểm ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.
31/05/2025