Trong mưa ký ức, tôi nhìn thấy một tương lai rộng mở

23:51, 30/06/2025

Tôi trở lại Hà Giang sau một tuần xa cách. Ở phương xa, dù bộn bề công việc, tôi vẫn không ngừng dõi theo mảnh đất quê hương – nơi tôi sinh ra và lớn lên – qua từng bản tin thời sự, từng dòng trạng thái trên mạng xã hội, và qua cả những cuộc gọi vội của bạn bè. Những ngày này, Hà Giang đang bước vào một thời khắc lịch sử – thời điểm trước thềm sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Thành phố mưa trắng trời, mưa dầm dề suốt mấy ngày như chạm vào từng cảm xúc chênh chao của người dân nơi đây.

Không chỉ những ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc này mới cảm thấy tiếc nuối, mà bất kỳ ai đã từng đến đây, từng yêu vùng Cao nguyên đá hùng vĩ, từng lặng người trước sắc trời Lũng Cú, hay chỉ đơn giản từng một lần dừng chân bên dòng Nho Quế, cũng đều cảm nhận được một điều gì đó đang dịch chuyển – vừa lặng lẽ, vừa sâu sắc.

Tác giả tại Điểm Cực Bắc, Lũng Cú, Hà Giang
Tác giả tại Điểm Cực Bắc, Lũng Cú, Hà Giang

Là một người nghiên cứu về lịch sử Nhà nước và Pháp luật, tôi hiểu rằng sáp nhập tỉnh, sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy không phải là điều mới mẻ. Trong tiến trình phát triển của Nhà nước ta, đặc biệt từ sau Đổi mới, đã có nhiều lần sáp nhập, chia tách để bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, việc sáp nhập Hà Giang – Tuyên Quang là một bước đi đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là sự tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực mà còn là cách để phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tối đa tiềm năng của vùng trung du – miền núi phía Bắc. Việc hình thành một tỉnh mới với quy mô dân số khoảng 1,8 triệu người, diện tích gần 14.000 km², kết nối hạ tầng và nguồn lực đầu tư sẽ tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, nông nghiệp hữu cơ và kinh tế biên mậu.

Nhưng với tôi – một người con của Hà Giang, sự chuyển mình đó không chỉ là những con số, mà còn là ký ức. Là tên gọi “Hà Giang” in đậm trong từng tấm bằng, từng sổ hộ khẩu, từng cuốn vở học trò, từng câu chuyện gia đình. Là những buổi sáng mùa đông, tôi đạp xe đi học trong sương mù dày đặc; là những lần lên Đồng Văn làm đề tài nghiên cứu, qua từng trạm biên phòng nơi cuối trời. Mỗi tên xã, mỗi con suối, mỗi nếp nhà sàn nơi đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng… đều là một trang sử sống mà tôi đã đi qua, ghi nhớ và trân trọng.

Và chính vì yêu tha thiết mảnh đất này, tôi càng vững tin rằng: Tương lai sẽ gọi tên Hà Giang theo một cách khác – không phải bằng hành chính đơn thuần, mà bằng tầm vóc mới. Sáp nhập không có nghĩa là xoá bỏ – mà là mở rộng. Tên gọi có thể thay đổi, nhưng bản sắc không mất đi. Ngược lại, nếu chúng ta biết giữ gìn, biết phát triển hài hòa, thì văn hóa, con người, và tâm hồn Hà Giang sẽ có cơ hội tỏa sáng hơn, lan xa hơn trong một không gian rộng lớn hơn.

Chiều hôm nay, tôi đứng trên cầu Yên Biên 1, nhìn thành phố bé nhỏ của mình dần lên đèn dưới cơn mưa rả rích. Mưa không còn dai dẳng như những ngày đầu, và lòng tôi cũng nhẹ nhõm hơn. Dưới những ánh đèn vàng mờ ảo ấy, tôi không còn thấy tiếc nuối, mà là hy vọng – hy vọng rằng sau ngày sáp nhập, Hà Giang sẽ bước vào một chương mới: Nhiều thử thách, nhưng cũng nhiều cơ hội. Và tôi, với tư cách là một công dân, một người nghiên cứu pháp luật, sẽ tiếp tục đồng hành cùng quá trình ấy – với niềm tin và trách nhiệm.

Vũ Khánh Linh, Thạc sĩ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hân hoan ngày Hà Giang - Tuyên Quang “về chung một nhà”
BHG - Sáng 30.6, tại các điểm cầu trong toàn tỉnh, hàng vạn cán bộ, đảng viên và người dân đã tụ hội để chứng kiến khoảnh khắc trọng đại – công bố Nghị quyết, Quyết định của T.Ư và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc họat động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, xã, phường. Đây là dấu mốc đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của địa phương trong kỷ nguyên mới.
30/06/2025
Hành trình về Tuyên Quang – Khởi đầu sứ mệnh mới
BHG - Những ngày cuối tháng Sáu, trên tuyến Quốc lộ 2, từng đoàn xe lăn bánh, chở theo hành lý và cán bộ tỉnh Hà Giang về Tuyên Quang công tác. Trong cuộc chia tay ấy, không cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, chỉ có những cái ôm thật chặt, ánh mắt lưu luyến, nụ cười xen lẫn giọt nước mắt – ấm áp và chân thành của tình đồng chí, đồng nghiệp.
29/06/2025
“Thép trong bút, lửa trong tim”
BHG - Vừa từ Thủ đô Hà Nội trở về mảnh đất Hà Giang thân yêu, dù công việc dày đặc, nhà báo Đoàn Hương Giang vẫn dành thời gian gặp gỡ chúng tôi để chia sẻ về hành trình làm báo đầy gian khó nhưng cũng đầy tự hào.
29/06/2025
Kết nối bản sắc, lan tỏa thông tin trong không gian báo chí mới
BHG - Dưới góc độ một độc giả nói riêng và lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác báo chí, xuất bản nói chung, Báo Hà Giang luôn là địa chỉ tin cậy giúp tôi tiếp cận thông tin một cách kịp thời, chính xác và toàn diện về mọi mặt của địa phương. Tôi cũng lựa chọn Báo Hà Giang để ưu tiên cung cấp, chia sẻ thông tin về công tác văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh đến với cộng đồng.
29/06/2025