An ninh, an toàn nguồn nước: Trách nhiệm của chính chúng ta

08:23, 15/07/2025

Tài nguyên nước có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi địa phương. Tuy nhiên an ninh, an toàn tài nguyên nước đang đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng xâm lấn, tranh chấp làm ô nhiễm, thu hẹp, suy giảm nguồn nước mặt... đã và đang xảy ra tại một số địa phương.

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra công trình cấp nước xã Nhữ Hán.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra công trình cấp nước xã Nhữ Hán.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tài nguyên nước của tỉnh rất phong phú, chỉ tính riêng tài nguyên nước mặt, ngoài 3 sông lớn sông Lô; sông Gâm và sông Phó Đáy còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ, tạo thành mạng lưới thủy văn khá dày, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay an ninh, an toàn nguồn nước đang rất đáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả nước thải, rác thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối; quá trình khai thác khoáng sản; sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy...

2 năm sau sự cố vỡ đập bể chứa nước bùn thải chế biến quặng chì kẽm của Công ty cổ phần Khoáng sản Minh Sơn, người dân nơi đây vẫn rất lo lắng về mức độ nguy hiểm của loại bùn thải kim loại nặng này. Theo phản ánh của người dân sở tại, thời điểm vỡ, lượng bùn thải theo dòng nước chảy vào hệ thống suối Lũng Vầy làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.  

Bên cạnh tác động xấu từ hoạt động khai khoáng, một bộ phận người dân thiếu ý thức cũng đang làm ô nhiễm, hư hỏng công trình cấp nước tập trung làm thất thoát tài nguyên nước, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Tại xã Sơn Thủy, Nhữ Hán và một số địa phương vùng sâu, vùng xa, còn xảy ra tình trạng ngươi dân chặn nguồn nước để kinh doanh, cắt, phá, thậm chí lấy cắp đường ống dẫn nước của công trình cấp nước tập trung.

Ông Văn Tám, Tổ trưởng Tổ quản lý công trình cấp nước tập trung xã Sơn Thủy chia sẻ, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã có kinh phí xây dựng gần 30 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh. Tuy nhiên, công trình đi vào hoạt động chưa lâu thì tình trạng tranh chấp nguồn nước diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Những đường ống với đủ kích, cỡ chủng loại có đường kính từ 10 cm - 40 cm, thậm chí có ống, đường kính lên đến 75 cm được một số hộ ngang nhiên lắp đặt, tranh chấp nguồn nước với công trình. Trước đó, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép cho đơn vị khai thác là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khai thác, sử dụng nước mặt tại suối Thai Hang để lấy nước phục vụ người dân, các cơ quan, trường học trên địa bàn xã; nghiêm cấm các hành vi xâm phạm vào vùng bảo hộ của công trình nước sạch.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Sở cũng tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn.

Bên cạnh nỗ lực của ngành các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp mạnh tay để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm lấn, làm thu hẹp, ô nhiễm nguồn nước.  

Bài, ảnh: Đoàn Thư
 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Góp sức xây dựng quê hương
Sau 2 tuần thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Ủy ban MTTQ xã Kiến Thiết đã phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
15/07/2025
Đổi thay trên đường Hồ Chí Minh
Trải qua những năm tháng chiến đấu trường kỳ gian khổ, đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành dấu ấn biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc. Giờ đây, tuyến đường mang tên Bác được xây dựng mới đi qua các xã Thái Bình, Trung Sơn, Hùng Lợi của Tuyên Quang không chỉ góp phần kết nối giao thông vùng mà còn tạo động lực thúc đẩy giao thương hàng hóa, giảm nghèo, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
15/07/2025
Rời núi để thoát nghèo
Rời Hồng Thái, tôi cứ mãi suy nghĩ về câu chuyện những người trẻ rời núi, vượt rừng sang xứ người mưu sinh, tìm cách thay đổi cuộc sống. Đó cũng là điều đáng mừng về sự chuyển biến nhận thức, sự nỗ lực, quyết tâm để thay đổi cuộc sống của lớp trẻ, là kết quả từ thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
15/07/2025
“Hạ tầng lòng Dân”
Với hơn 15.868 căn nhà được khởi công trong toàn tỉnh, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Tuyên Quang không chỉ là chính sách an sinh, mà còn là hành trình kiến tạo niềm tin, kết nối lòng dân bằng những hành động cụ thể, trách nhiệm và sẻ chia.
15/07/2025