Trên vùng “đá khát” Pà Vầy Sủ
HGĐT- Rất nhiều người đã biết về vùng cao nguyên đá thuộc 4 huyện miền núi phía Bắc Hà Giang, song ít ai biết đến mảnh đất miền Tây Xín Mần lại còn “một vùng đá khát” thậm chí rất khát, đó là xã Pà Vầy Sủ. Pà Vầy Sủ – Si Cà Lá - Seo Lử Thậu – Tả Lử Thậu – Thèn Ván – Khấu Xỉn hay Ma Lì Sán… những cái tên, địa danh nghe tưởng trong cổ tích, vậy mà là chuyện “cổ tích… có thực” ở xã 7 thôn, thì cả 7 thôn giáp biên kéo dài theo biên giới Việt – Trung.
Tôi đã đi khắp 11 huyện, thị trong tỉnh, khắp các vùng đá tai mèo phía Bắc, đã thấy sự hùng vĩ của đỉnh Mã Pì Lèng (Đồng Văn) hoặc nơi cao chót vót đỉnh cột cờ Lũng Cú, nơi sâu hun hút như dòng Nho Quế (Mèo Vạc), ấy vậy mà vẫn không khỏi dựng... tóc gáy mỗi lần đến Pà Vầy Sủ. Người ta ví von... “ngồi ở UBND xã Pà Vầy Sủ châm điếu thuốc lá và tiện tay ném hòn đá xuống phía dòng sông Chảy. Hút xong điếu thuốc trên tay, hòn đá rơi xuống lòng sông cũng vừa chạm mặt nước...”. Câu chuyện ví von có tính ước lệ ấy phần nào nói lên sự khó khăn, hiểm trở, những cũng rất kiêu hãnh khi về Pà Vầy Sủ.
Ấn tượng đầu tiên khi gần đến xã là con đường nhựa bị bầm rập từng mảng lớn. Hơn 10 hộ đồng bào Mông ở thôn Thèn Ván gần mặt đường vào xã đã phải di chuyển để nhường chỗ cho “đá lăn” từ trên đỉnh núi xuống do việc tác động mở đường về Si Cà Lá - Seo Lử Thậu... Ghé thăm nơi 10 hộ mới dựng lại nhà cửa nhường chỗ... cho đá lăn họ vui lắm. Anh Lê Văn Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pà Vầy Sủ cho biết: Đón Xuân 2010 ở Pà Vầy Sủ vui nhất là việc toàn Đảng, toàn dân xóa hết 35 nhà tạm cho đồng bào ở 7 thôn bản. Với 276 hộ đồng bào Mông dọc biên giới Xuân này là Xuân “xum họp” nhất từ trước tới nay. Ông Thào Chư Vàng, thôn Si Cà Lá mới được hỗ trợ làm nhà mới cho hay: Không có sự giúp đỡ của cán bộ Đảng, của các thầy cô giáo, của bộ đội biên phòng và lãnh đạo xã, huyện thì cả đời ông vẫn phải sống chui trong căn nhà dột nát. Thầy Nguyễn Tấn Cường, Hiệu trưởng trường PTCS xã cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động xóa nhà tạm cho đồng bào trong xã, giáo viên trong trường đã hưởng ứng góp 2 ngày lương/người và xung phong góp thêm cả công sức để cùng xã hội làm nhà mới cho dân. Theo các anh lãnh đạo xã cho biết: Chiến dịch xóa nhà dột nát cho đồng bào nghèo được áp vào Nghị quyết Đảng bộ xã từ đầu năm 2009. Qua 1 năm dốc lực của toàn xã hội, 35 ngôi nhà mới mới hoàn thành, nhà mới, tường vôi, mái tôn xanh mọc lên trên nền đá dốc. Hỏi chuyện: Pà Vầy Sủ là gì? Cho rằng là vùng đá dốc, chuyện Ma Lì Sán là gì? Là đầu nguồn ngã ba sông Chảy, chuyện Si Cà Lá là vùng đá trắng, Seo Lử Thậu, Tả Lử Thậu… là vùng đá lăn hoặc hay bị đá quăng v.v… Tựu quy lại là cả một vùng đá dốc, dễ lăn và khô khát. Bí thư Huyện ủy Xín Mần, Dương Minh Hòa cho biết: Vài năm về trước, nói đến Pà Vầy Sủ người ta “khoác” cho vùng đá khát này cái tên “vùng 3 – 4 không”. Nghĩa là không đường về bản, không điện về bản, không trường về thôn… Cái khó của vùng đá khát này chính là vùng dọc biên giới rất nhạy cảm. Khó nữa là toàn đá, ít đất và thiếu nước. Khó thì nhiều, dễ chỉ duy nhất là lòng dân theo Đảng, bám trụ, giữ đất và cần cù chịu khó làm ăn. Đã bao năm, trải qua bao thăng trầm, nhưng người Pà Vầy Sủ vẫn một lòng theo Đảng, không đạo giáo, không ma to, cưới lớn, không làm ăn bất chính. Đầu năm 2009, Đảng bộ Xín Mần đưa ra nhiệm vụ trọng tâm giúp Pà Vầy Sủ vượt khó. Trong đó tập trung xóa nhà tạm, đưa các dự án lồng ghép để mở đường lên Si Cà Lá, Tả Lử Thậu, Seo Lử Thậu, mở về Ma Lì Sán nơi đầu nguồn ngã ba sông Chảy; xây dựng lớp nội trú dân nuôi tại xã cho 90 học sinh con em đồng bào Mông về học; thu xếp dân cư tránh khỏi vùng nguy cơ đá lăn; xây trường cấp II và hệ thống các trường học: Mầm non, tiểu học, THCS, nhà mẫu giáo, kéo điện về bản xa…
Đầu năm 2010 này, đường đang vươn lên, vươn cao về các “bản… đá” cheo leo. Điện đã sáng trên vùng cao biên cương, trong sân trường trẻ nô đùa, học múa hát. Kết quả trên là thành quả một năm lao động cật lực, tập trung của Đảng bộ, chính quyền và bà con nơi đỉnh núi đá. Thành quả trên còn là sự đầu tư, quan tâm của huyện XínMần, của các tổ chức xã hội khác trong cả nước dành cho Pà Vầy Sủ. Dạo bước trên con đường núi đi gần đến “đuôi con cáo” Ma Lì Sán, tôi chợt nhận thấy đất đá đang được cày sới lên. Con đường đang vươn dài, trên đường, dưới đường, lưng chừng vách núi đá đồng bào đã làm sạch cỏ, chuẩn bị trồng ngô xuân, đậu tương xuân. Cả 7 thôn mới có trên 300 ha diện tích canh tác mỗi năm. Và mỗi năm chỉ trồng 1 vụ ngô, đậu vì thời tiết khắc nghiệt. Cả năm chỉ 20 ha lúa, ngoài ra trông cả vào chăn nuôi. Kinh tế nơi này ngô, đậu tương là “số 1” trong đó ngô lai, đậu tương giống mới “làm chủ” gần hết diện tích gieo trồng. Năm 2009, nhờ giống mới, thâm canh đảm bảo, ngô cho năng suất 24,5 tạ/ha, đậu cho 12,4 tạ/ha, lúa cho 47 tạ/ha. Anh Lê Văn Xuân, Phó Bí thư Đảng bộ xã nói vui: “Cộng dồn sản lượng lương thực, chia bình quân đầu người, năm 2009, Pà Vầy Sủ đạt mức gần 450kg lương thực/người/năm. Tuy thế, nhưng khó khăn trong sinh hoạt, chi tiêu không ít. Bên cạnh đó, xã, các thầy cô đang vận động mỗi gia đình, mỗi tháng góp 10.000đ để cùng xã, thầy cô giáo nuôi 90 em học sinh nội trú xã. Ngoài lương thực, đồng bào Pà Vầy Sủ tập trung nuôi bò, dê, trâu, ngựa và nuôi lợn, gia cầm để tăng thu,tích lũy và nuôi “con chữ”. Đến đầu Xuân này, mọi chủ trương, chính sách, mọi phương cách làm ăn đã dần vào với dân, tạo ra hướng đi hiệu quả. Nhìn thấy trước mắt là đất đai đang “mới ra” do dân thu vén chuẩn bị trồng cấy. Nhìn thấy nữa là đường - điện – trường học được xây dựng, nhà dân hết dột nát và trẻ em đến trường đông vui, đầy đủ hơn. Được biết thêm, trong năm qua, huyện Xín Mần cũng tập trung khá lớn tiền của đầu tư xây bể nước cho các hộ vùng khát, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho đồng bào. Và quả là đúng như vậy, đầu xuân này, về vùng đá khát Pà Vầy Sủ nhận thấy sự thay đổi từ hạ tầng cơ sở, đến chất lượng cuộc sống của đồng bào đã làm tôi vui lây. Bà con nơi này còn hẹn, ít độ nữa đường lên Si Cà Lá, Tả Lử Thậu, về Ma Lì Sán, điện cũng về bản biên giới sáng trong đêm, nhất định đồng bào sẽ mời nhà báo về cùng vui, uống rượu ngô, ăn mèn mén, xem múa khèn và mổ bò ăn bữa cơm “Đại đoàn kết”. Chia vui với Pà Vầy Sủ, tin tưởng vùng đất khát sẽ “hết khát” trong thời gian gần đây, nhất định tôi, mọi người sẽ về.
Ý kiến bạn đọc