Cần có giải pháp tích cực xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm dòng sông Ma
HGĐT - Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Tùng Bá (Vị Xuyên) gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sinh thái. Trong đó, việc khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Khoáng sản (CPKS) An Thông ảnh hưởng trực tiếp đến dòng sông Ma, gây thiệt hại đối với sản xuất, đời sống của người dân. Chính quyền địa phương đã cùng phối hợp với Công ty triển khai các giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho người dân, nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế nên cần có giải pháp triệt để hơn.
Từ dòng sông bị ô nhiễm...
Tại xã Tùng Bá có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, bao gồm: Công ty Hoàng Bách được cấp phép khai thác, chế biến quặng Chì – Kẽm tại điểm mỏ Na Sơn; Công ty TNHH Thái Dương được cấp phép khai thác, chế biến quặng Sắt tại điểm mỏ Bản Đén; Công ty CPKS An Thông được cấp 2 giấy phép khai thác, chế biến quặng Sắt trên địa bàn xã Tùng Bá.
Khu ruộng thôn KHuổi Làn bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn.
Hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trong những năm qua thực sự ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, dòng sông Ma chảy qua nhiều thôn trong xã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất đá từ các điểm khai thác khoáng sản trên đỉnh núi tràn xuống lòng sông vùi lấp dòng chảy và cả đất sản xuất của người dân ven bờ. Đồng chí Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, tình trạng đất đá vùi lấp dòng sông Ma, vùi lấp, tác động đến đất sản xuất của nhân dân hai bên bờ sông được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và xác định đó là do hoạt động khai thác quặng Sắt của Công ty CPKS An Thông tại khai trường khu Nam Hạ Vinh. Nguyên nhân là do phía Công ty chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác”. Công ty An Thông được cấp phép khai thác quặng Sắt tại mỏ Tùng Bá bằng phương pháp lộ thiên, diện tích khu vực khai thác là 46,44 ha, thời hạn khai thác 12 năm, công suất thác 250.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Từ đầu năm 2011, Công ty bắt đầu khai thác tại khai trường khu Nam Hạ Vinh. Đến nay, đã khai thác, vận chuyển gần 200.000 tấn quặng nguyên khai về nhà máy. Trong quá trình khai thác, Công ty đổ khối lượng lớn đất, đá tại bãi thải rắn khai trường khu Nam Hạ Vinh. Bãi đổ thải nằm ngay sát đầu nguồn sông Ma. Tại bãi thải, Công ty chưa có các biện pháp bảo vệ như: Không có đập chắn phía chân bãi thải để cản chất thải chảy xuống lòng suối; bãi thải nằm trên núi cao nhưng không được cắt tầng nên đất, đá rất dễ tràn xuống đầu nguồn sông Ma; đất đá thải chảy tràn xuống sông Ma gây bồi lắng và làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Ma, có nguy cơ gây ra sự cố sạt, lở, lũ bùn đất khi có mưa lớn. Và đó là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm dòng sông Ma với chiều dài lòng sông bị bồi lắng khoảng 4,5 km (từ thôn Khuôn Làng đến thôn Nà Lòa). Đất, đá tràn suống lòng sông, khi mưa to, đất, đá tràn cả vào ruộng của người dân hai bên bờ. Đồng chí Bế Văn Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá cho biết: “Trước tình trạng đất, đá vùi lấp lòng sông, ảnh hưởng đến ruộng sản xuất của dân, xã có văn bản đề nghị Công ty An Thông phối hợp với địa phương tiến hành đo đếm diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại cụ thể để có biện pháp đền bù. Năm 2011, tổng diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng là 257.672 m2 nằm trên địa bàn 10 thôn, đất lúa là 112.830 m2 gồm: Diện tích bị sạt, lở, vùi lấp là 14.090 m2; diện tích bị giảm năng suất là 98.740 m2.. Đất trồng ngô là 144.842 m2 gồm: Diện tích bị sạt, lở, vùi lấp là 41.977 m2, diện tích bị giảm năng suất là 102.865 m2. Ngoài diện tích bị ảnh hưởng từ năm 2011, đến năm 2012 trên địa bàn xã có phát sinh thêm 45.265,7 m2 đất canh tác của nhân dân các thôn: Hồng Tiến, Nà Lòa, Khuôn Làng, Bản Đén, Nà Giáo bị ảnh hưởng, thiệt hại, giảm năng suất”.
... Đến việc Công ty CPKS An Thông nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả:
Ông Vũ Thế Hùng, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên thuộc Công ty An Thông cho biết: “Việc khai thác khoáng sản của đơn vị đã đem lại những nguồn lợi không nhỏ cho người dân trong xã cũng như đóng góp cho xã nhiều chương trình an sinh xã hội. Hiện Công ty có trên 100 lao động của xã Tùng Bá, số lao động trên mỗi tháng thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên và được bảo đảm các chế độ, chính sách. Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, số tiền Công ty chi trả cho 101 lao động xã Tùng Bá là trên 400 triệu đồng. Không những thế, Công ty hỗ trợ nhiều chương trình cho xã như làm đường, xây trường học, làm nhà trụ sở thôn cùng nhiều chương trình khác với số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty cũng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước, từ năm 2011 đến 8 tháng đầu năm nay đã nộp thuế tài nguyên trên 20 tỷ đồng; nộp phí bảo vệ môi trường từ năm 2011 đến nay là 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng xác định việc khai thác quặng tại khai trường Nam Hạ Vinh đã ảnh hưởng đến môi trường, làm đất đá sạt, lở xuống sông Ma, ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhân dân. Công ty không phủ nhận điều đó nên đã, đang và tiếp tục thực hiện trách nhiệm giải quyết, khắc phục, đền bù thiệt hại cho dân”. Cụ thể, Công ty nhiều lần tổ chức nạo vét đất, đá trên dọc tuyến sông dài 4,5 km và có sự giám sát của chính quyền địa phương. Cùng xã và các thôn họp, thống nhất nội dung bồi thường diện tích bị ảnh hưởng năng suất, hoa màu. Riêng đối với diện tích đất sản xuất bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, đền bù 100% sản lượng áp theo sản lượng lúa bình quân của xã trong vụ. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân xã Tùng Bá từ 2011 đến nay là gần 2 tỷ đồng. Diện tích đất chưa được đền bù, gồm diện tích cũ và mới phát sinh hiện đang được xã và Công ty phối hợp kiểm đếm, lên phương án đền bù cụ thể. Ông Vương Văn Thái, thôn Khuổi Làn cho biết: “Gia đình tôi có 8 nhân khẩu sống dựa vào 4.300 m2 đất trồng lúa 2 vụ ven sông Ma, mấy năm gần đây, do quá trình khai thác quặng của các Công ty trên đầu nguồn nên 100% diện tích đất sản xuất của gia đình bị vùi lấp, không có khả năng canh tác. Từ năm 2011, Công ty An Thông xuống đo, đếm cụ thể và hỗ trợ cho gia đình từ vụ xuân, vụ mùa năm 2011 đến vụ xuân năm nay, mỗi vụ hỗ trợ 9 triệu đồng. Gia đình tôi sống dựa vào nông nghiệp nên để đảm bảo cuộc sống lâu dài, mong muốn Công ty hỗ trợ tiền một cục (có thể hỗ trợ tiền trong 5 năm) để gia đình có số tiền lớn đi mua đất sản xuất, ổn định cuộc sống”. Ông Vương Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Bá, cho biết: “Công ty An Thông có sự hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Ma và đền bù thiệt hại dân. Công ty đã tiến hành nạo vét, khơi dòng chảy dòng sông Ma. Tuy nhiên, cứ sau một trận mưa to khối lượng đất đá đã móc lên hai bên bờ cũng như đất đá từ bãi quặng lại tràn về vùi lấp dòng sông. Còn với người dân, họ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên rất cần đất nông nghiệp để ổn định cuộc sống lâu dài. Do đó, các giải pháp đang thực hiện chưa triệt để”.
Công nhân Công ty An Thông trồng cây xanh quanh nhà máy
Cần có giải pháp khắc phục triệt để hơn:
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hoàng Văn Nhu cho biết, với hoạt động khai thác quặng Sắt của Công ty CPKS An Thông, sau khi xảy ra tình trạng ô nhiễm dòng sông Ma, Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đề xuất với UBND tỉnh cũng như Công ty các giải pháp khắc phục nhằm giải quyết tình trạng trên triệt để hơn. Tiếp tục thực hiện nạo vét dòng sông Ma cũng như tiếp tục phối hợp với UBND xã Tùng Bá tiến hành rà soát, kiểm đếm toàn bộ các diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng để đền bù thỏa đáng cho dân. Hiện nay, các phương án xử lý chất thải rắn đề ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt của mỏ sắt Tùng Bá không còn phù hợp với thực tế. Dự án khai thác, chế biến quặng của Công ty có quy mô lớn, có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường do đó yêu cầu Công ty xây dựng phương án xử lý chất thải tổng thể của mỏ sắt Tùng Bá báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định làm căn cứ thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt, cần có kế hoạch xây dựng phương án khai thác phù hợp hơn, có thể chuyển từ khai thác lộ thiên như hiện nay sang khai thác hầm lò để hạn chế chất thải... Cùng với đó, phía Công ty cũng phải thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng và tưới nước thường xuyên, hạn chế bụi trên các tuyến đường vận chuyển quặng từ khu vực khai thác đến Nhà máy tuyển và đưa quặng đi tiêu thụ đảm bảo hạn chế bụi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống và việc đi lại của nhân dân. Ông Vũ Thế Hùng, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên, cho biết: “Để bảo đảm hiệu quả trong đầu tư, khai thác, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, từ tháng 11 năm nay, Công ty tạm ngừng hoạt động tại mỏ sắt Tùng Bá để xử lý các vấn đề tồn đọng như: Lập kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khu vực, xây hệ thống đập, bờ kè của các khai trường; gia cố, nâng cấp các công trình xử lý môi trường...”.
Hy vọng, với kiến nghị của ngành chức năng cũng như cam kết của Công ty, tình trạng ô nhiễm dòng sông Ma sẽ dần được khắc phục trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc