Về Thượng Tân mùa nước nổi
HGĐT- Hò hẹn mãi rồi cũng có dịp về, Thượng Tân (Bắc Mê) mùa này “nước nổi”, con đò ngang mỗi ngày chở khách qua sông không ngơi nghỉ với hàng chục người dân đang nhọc nhằn mưu sinh trên sông nước. Bài toán kinh tế với người dân Thượng Tân từ ngày nhà máy thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) đóng đập thật lắm gian nan...
Thuyền cập bến, nhưng hôm nay, anh Hoàng Văn Đương chỉ đánh bắt được ít, không có tôm, cá để bán cho thương lái.
Khi con tôm, con cá thành... kế mưu sinh:
Ngày xưa, Sông Gâm hiền hòa chảy qua địa phận xã Thượng Tân đã cung cấp cho người dân nơi đây nguồn thủy sản quý hiếm, đó là thứ cá tiến Vua: Dầm Xanh, Anh Vũ, hay loài cá đặc sản Nheo, Sứt Mũi, tôm... Bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp, người dân đánh bắt cá để có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, cái nghiệp sông nước đếm được mấy người, họ chỉ đánh bắt thủy sản sông Gâm khi mùa vụ đã xong. Nhưng từ ngày nhà máy thủy điện Na Hang chính thức đóng đập dâng nước (tháng 5/2006), hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân Thượng Tân bị ngập, có thêm khoản tiền đền bù nhưng hết đất sản xuất, biết làm gì để đảm bảo cuộc sống? Câu hỏi ấy nhanh chóng có lời đáp khi hàng trăm người dân bỗng chốc chuyển nghề thành “ngư dân”. Nước dâng, xã Thượng Tân có đến gần 500 ha diện tích mặt nước và một nguồn lợi thủy sản lớn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho bà con nơi đây. Và con tôm, con cá bỗng trở thành kế mưu sinh cho hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng của mực mước lòng hồ thủy điện Na Hang.
Chúng tôi cập bến cá Thượng Tân khi mặt trời đã lên cao, đây cũng là lúc nhiều ngư dân lòng hồ vừa kết thúc một chuyến mưu sinh từ tờ mờ sáng. Lái buôn từ nhiều nơi đổ về mua tôm, cá tận thuyền, đường giao thông ở Thượng Tân vừa xa, lại vừa cách trở đò ngang nên điều này đã giúp người dân giảm bớt chi phí vì không phải ra chợ bán. Người Phụ nữ có tên Nông Thị Quý (thôn Tả Luồng) nở một nụ cười chào khách khi vừa bán xong mẻ tôm sáng nay, nhưng tôi nhận ra trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần ấy vẫn hằn rõ vẻ mệt mỏi, dãi dầu sương gió. Chia sẻ vội vàng với chúng tôi trước khi chiếc thuyền con của chị bơi về phía lòng hồ: “Mỗi ngày, tôi dậy từ 4 giờ sáng để chèo thuyền đi đặt đó tôm, sau đó về lo cho các con đi học, sáng rõ thì quay lại để thu về, chọn lọc các loại tôm theo kích cỡ để bán với giá khác nhau”. Tôi ước mẻ tôm chị vừa bán xong cũng chỉ được hơn vài kg, với giá bán 50 ngàn đồng/kg loại tôm bé, 80 ngàn đồng/kg loại tôm lớn thì thành quả lao động ngày hôm này của chị cũng chỉ hơn kém được trăm ngàn. Chị bảo: “Người dân ở đây ngày thường cũng bắt được 3 – 4kg tôm, ngày trời động thì chỉ được vài cân thế thôi...”. Không có đất sản xuất nông nghiệp, mấy năm nay, cuộc sống mưu sinh của chị Quý và hàng trăm hộ dân ở Thượng Tân cứ gắn bó với con nước và một vòng quay thời gian nhất định như thế! Thời gian đầu, khi nguồn thủy sản đang dồi dào, việc đánh bắt cũng trở nên dễ dàng thì thu nhập mỗi ngày của người dân khoảng từ 300 – 500 ngàn đồng, nhờ nguồn thu nhập này, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá trong phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm; Đảng bộ và chính quyền huyện Bắc Mê đã có thêm nhiều kế hoạch nuôi trồng thủy sản giúp người dân xã Thượng Tân phát huy tốt lợi thế diện tích lòng hồ. Tuy nhiên, mùa nước nổi phụ thuộc vào lịch đóng mở của nhà máy thủy điện Na Hang nên chuyện con tôm, con cá dù đã thành kế mưu sinh của người dân Thượng Tân thì cũng chỉ được kể theo... mùa.
Cuộc sống “dập dềnh” cùng sóng nước:
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi mà mùa nước nổi chỉ kéo dài được khoảng thời gian 5 – 6 tháng trong năm (từ khoảng tháng 7 – 8 đến tháng 2 năm sau), khi nhà máy thủy điện Na Hang xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu, lòng hồ rút nước, sông Gâm lại thành dòng chảy, đó cũng là lúc cuộc mưu sinh của người dân bằng đánh bắt thủy sản trên lòng hồ tạm dừng. Hơn 1 nửa thời gian còn lại trong năm, họ tận dụng diện tích đất nông nghiệp bán ngập để tiếp tục trồng lúa, ngô, rau đậu với hy vọng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống. Vụ mùa năm 2011, bà con Thượng Tân “được mùa” vì nước lòng hồ lên muộn, đủ thời gian để thu hoạch hoa màu, nhưng năm nay, mùa nước nổi về sớm cả tháng trời, khi những ruộng lúa, ngô trĩu hạt đang vào kỳ ngậm sữa, thì nước sông Gâm dâng cao, mọi công sức của người dân ngập dần theo lòng hồ. Tiếc công, tiếc của nhưng biết làm sao được. Đến hẹn lại lên, hết mùa lúa lại quay về mùa tôm, cá, cuộc sống mưu sinh của người dân Thượng Tân hoàn toàn chịu bị động theo sự lên xuống của mực nước sông Gâm. Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Long Thanh Sơn tỏ rõ niềm trăn trở khi nghĩ cách giúp người dân ổn định cuộc sống: “Diện tích đất nông nghiệp giờ đây chỉ còn được hơn 50 ha, chủ yếu là đất đồi xấu, cây trồng khó phát triển. Diện tích mặt nước mênh mông nhưng chỉ được thời gian ngắn, không thể nuôi trồng thủy sản mà bà con chỉ có thể đánh bắt vào mùa nước lên, muốn thâm canh, đầu tư lâu dài cho phát triển nông nghiệp đều không được vì thời gian nước lên xuống không cố định...”. Gặp ngư dân Hoàng Văn Đương, thôn Tả Luồng khi anh vừa kết thúc một chuyến mưu sinh trên lòng hồ. Những gì chúng tôi nhìn thấy trong giỏ cá của anh là một con cá Nheo, vài con Trắm bé và một ít tôm. Thành quả lao động hôm nay chỉ đủ cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Tâm sự về cái nghề sông nước, anh chia sẻ rằng: “Bây giờ chúng tôi rất ít khi bắt được các loài cá quý hiếm của sông Gâm như trước đây. Từ ngày nước lòng hồ dâng lên, người đánh bắt cá ngày càng nhiều, nguồn thủy sản không được tái sinh nên đang cạn kiệt dần, chỉ đánh bắt được chút thôi; tranh thủ mùa nước xuống để trồng hoa màu thì năm nay cũng mất trắng. Khó lắm, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao...?”. Mang điều trăn trở này trao đổi với lãnh đạo xã, đồng chí Nguyễn Văn Soi, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Tân cho biết: “Đảng ủy xã Thượng Tân đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế nhằm khuyến khích người dân tích cực trồng cỏ vùng đồi núi để phát triển chăn nuôi; trồng rừng, trồng ngô đồi và rau đậu các loại theo hướng hàng hóa; tuy nhiên do phong tục tập quán thả rông gia súc và sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp đã có từ lâu nên đến nay nghị quyết vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống... Cần thêm nhiều sự hỗ trợ để người dân Thượng Tân ổn định cuộc sống, tập trung đầu tư phát triển kinh tế...”.
Con đò chiều lại đưa khách qua sông, trời bắt đầu phủ lớp sương mờ ảo trên mặt lòng hồ, những con thuyền bé nhỏ trở về sau một ngày mưu sinh vất vả. Hôm nay được không? Vẫn thế, chỉ được mấy con bé thôi. Thời tiết này chắc ngày mai mưa. Mưa thì làm ăn thế nào được... Tiếng ai đó hỏi thăm nhau rồi lẫn vào cùng mây gió...
Ý kiến bạn đọc