Đào tạo nghề lưu động ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Trung tuần tháng 12, trong cái không khí bộn bề của những ngày cuối năm, cùng cái “rét ngọt” đang lan toả trên khắp nẻo đường miền Tây, các cán bộ Trung tâm Dạy nghề Hoàng Su Phì lại tất bật chuẩn bị thực hiện kế hoạch tiến về nông thôn dạy nghề cho người lao động. Trước ngày lên đường, những chiếc máy khâu lại được mang ra bảo dưỡng, kiểm tra kỹ quy trình vận hành, độ chính xác của các chi tiết để vận chuyển về xã cho học viên thực hành.
Bảo dưỡng thiết bị tại Trung tâm Dạy nghề Hoàng Su Phì trước khi vận chuyển về xã mở lớp.
Triển khai công tác đào tạo nghề lưu động, giáo viên cùng thiết bị thực hành về tận địa phương mở lớp, tuy đi lại, sinh hoạt vất vả, nhưng bù lại là thu hút được đông đảo học viên tham gia, chất lượng học nghề được nâng lên.
Đến thời điểm hiện tại, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Năm 2012, chỉ tiêu đào tạo nghề được huyện phê duyệt, giao Trung tâm dạy nghề thực hiện là 1.150 học viên. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức dạy và tổng kết được 17 lớp với 535 học viên, 26 lớp với 778 học viên đang chờ tổng kết. Các nghề đào tạo gồm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây lương thực, kỹ thuật trồng rừng, tin học văn phòng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may. Để công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, các cán bộ, giáo viên của Trung tâm đã về khảo sát thực tế tại các địa phương nhằm nắm bắt số lượng, nhu cầu học nghề của người dân, sau đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch giao hàng năm, Trung tâm chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể như Hội nông dân, phòng NN-PTNT, Huyện đoàn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, xây dựng kế hoạch tuyển sinh gửi các xã tiếp nhận danh sách đề nghị mở lớp, chuẩn bị giáo viên tiến hành công tác khai giảng.
“Chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Qua khảo sát cho thấy, đối với các nghề phi nông nghiệp số học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm trên 40%, 100% học viên học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kiến thức vào thực tế sản xuất của gia đình. Mức thu nhập bình quân của lao động sau đào tạo nghề đạt 2-4 triệu đồng/người/tháng...” đồng chí Phạm Bá Tuấn, Tổ trưởng Tổ kế hoạch đào tạo - Trung tâm Dạy nghề Hoàng Su Phì khẳng định như vậy. Trung tâm Dạy nghề Hoàng Su Phì hiện có 16 giáo viên, đa phần là người địa phương được huyện cử đi đào tạo. Đây là yếu tố rất thuận lợi trong công tác đào tạo, vì giáo viên người địa phương, khi trực tiếp đứng lớp họ có sự đồng điệu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán nên việc truyền thụ kiến thức đạt hiệu quả cao, thu hút nhiều học viên tham gia.
Trong số nhóm ngành nghề đào tạo thời gian gần đây, nghề XDNTM thu hút được nhiều học viên ở các địa phương tham gia. Kết thúc lớp học, học viên đã tự xây dựng được các công trình của gia đình thuộc phần việc XDNTM mới như 3 công trình vệ sinh, làm hàng rào, cổng và các công trình phụ trợ. Không chỉ vậy, các học viên còn tạo được nhiều việc làm thông qua hình thức nhận khoán phần việc XDNTM cho các hộ dân trong xã. Một nghề cũng tạo được việc làm ổn định cho học viên sau tốt nghiệp đó là nghề xây dựng. Các học viên có chứng chỉ đào tạo nghề, khi vào làm việc tại các doanh nghiệp đang thi công công trình trên địa bàn huyện thường được hưởng mức lương cao hơn, ổn định hơn lao động chưa qua đào tạo, mức bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.
Tuy đạt được một số thành quả nhất định, nhưng công tác đào tạo nghề lưu động của Trung tâm Dạy nghề Hoàng Su Phì cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn của giáo viên từ việc xây dựng giáo án sao cho phù hợp với trình độ nhận thức của học viên, đến khắc phục sự thiếu đồng bộ về thiết bị thực hành. Bởi lẽ, khi dạy nghề ở địa phương sẽ khó khăn hơn trong công tác quản lý học viên, đặc biệt phương tiện vận chuyển thiết bị từ Trung tâm đến địa phương mở lớp do quá trình di chuyển thường xảy ra tình trạng trục trặc của thiết bị thực hành.
Ý kiến bạn đọc