Giải pháp xoá nghèo bền vững ở Nàn Xỉn
HGĐT- Mùa đông, trời Xín Mần khô khốc. Thế nhưng đường đến với xã biên giới Nàn Xỉn vẫn hết sức khó khăn. Phải mất gần 2 giờ vật lộn trên xe mới thấy Nàn Xỉn hiện ra trước mắt. Lác đác mái nhà, lắt lẻo những con đường vắt ngang qua núi và mây mù bao trùm khắp các thôn bản.
Vườn ươm cây Thảo quả, Tống quá sủ tại Nàn Xỉn chuẩn bị cho vụ Xuân 2013.
Được biết, mùa đông nơi đây thường diễn ra từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 4 năm sau, có lúc nhiệt độ xuống dưới 0oC, gây rất nhiều trở ngại cho sản xuất, đời sồng của đồng bào vùng biên ải này. Trước khi đến Nàn Xỉn, anh Dương Minh Hoà, Bí thư Huyện uỷ Xín Mần, nói với tôi: Huyện phải đưa ra giải pháp riêng về cách thức xoá nghèo tại Nàn Xỉn và rất cần được kiểm chứng thực tế.
Hiện tại, trời đã rét cắt thịt bao trùm lên vùng “phên dậu” Tổ quốc. Nàn Xỉn như nằm lọt thỏm dưới bốn bề mây mù ướt át đến rợn người. Đồng bào trong vùng cho hay, mùa này trước kia lắm bệnh tật, làm ăn gian khổ đến vô chừng. Rất nhiều năm qua, mặc dù đã có sự đầu tư của Nhà nước trên nhiều mặt của đời sống văn hoá, xã hội, ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Gần như dân bản quanh quẩn với cái đói, rét, với cơm áo tưởng không thể vượt qua. Ấy thế mà nay đã khác, khác lắm đấy. Chỉ tôi vườn ươm cây Tống quá sủ hàng vạn cây, cây Thảo quả hàng trăm ngàn cây, mấy lão làng bảo đó là kết quả của Tổ xoá nghèo Nàn Xỉn năm qua để lại cho dân bản. Giãi bày rằng: Cây Thảo quả, Tống quá sủ vốn dĩ có mặt hàng đời nơi này, cây thì chẳng ai lạ nữa, chỉ có làm ra cây có giá trị thì cả dân bản đều... lạ! Lạ vì cây thì cũ, mà làm ra tiền mua ngô gạo, quần áo thì lại... rất mới. Vì rằng, hàng vạn cây giống kia đưa đến trồng tại các vườn đồi các hộ gia đình trong xã chẳng bao lâu sẽ cho các vườn thảo quả trĩu quả. Còn cây Tống quá sủ lấy gỗ làm nhà, làm trường rất tốt. Ngay trước mắt, các hộ ươm cây bán cho các gia đình trồng theo giá 500 – 1.000đ/cây cũng đã mang về tiền triệu chi tiêu trước mắt thay cho việc ngồi chơi, hay đi làm thuê khắp nơi. Như thể lấy thực tiễn thay vì nói lời theo gió, tôi theo chân Tổ khuyến nông xã lên “mục sở thị” vườn cây được trồng trước đó gần một năm. Tất cả lúc đầu chỉ có trên 3 ha mô hình Thảo quả, Tống quá sủ được hướng dẫn trồng theo tiến bộ khoa học của Tổ khuyến nông. Đến nay, sau gần năm trời, cây đã cao bình quân 70 - 80cm và phát triển rất tốt trên đồi dốc. Anh Hưng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, Tổ trưởng Tổ xoá nghèo xã cho biết: Nhiệm vụ được giao chuyên cho Tổ là nghiên cứu, soạn thảo, tìm giải pháp phát triển kinh tế, hỗ trợ đồng bào làm ăn xoá đói, giảm nghèo bền vững trên nền tảng hiện có tại địa phương. Trên cơ sở đó, Tổ đã chọn các giống cây, con, bổ sung giải pháp làm ăn, áp dụng tiến bộ KHKT vào thực tế theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” tận nơi, tận chốn. Tiếp theo đó là tham mưu trực tiếp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở cùng vào cuộc với dân trong mọi công việc... Sau một năm triển khai thực thi công việc, kết quả rất đáng mừng: Nàn Xỉn hoàn toàn trồng cấy được 2 vụ/năm. Cụ thể vụ xuân vừa qua đã trồng 4 mô hình lúa lai tại 4 thôn bản khó khăn bằng các giống VN20 ở thôn Xả Trải; trồng ngô lai LVN 146; LVN 066, LVN 092 và ngô lai LVN 885, trồng đậu tương DT 84và DVN 10 tại thôn Thắng Lợi, Đông Chè; trồng được 13 ha cỏ, gắn chăn nuôi của 93 hộ trên diện rộng ở 8 thôn bản... Năng suất lúa đạt trên 65 tạ/ha/2 vụ; năng suất ngô bình quân trên 72 tạ/ha và năng suất đậu tương trên 13 tạ/ha. Nếu tính tổng diện tích lúa trong năm qua trồng tại Nàn Xỉn là 226 ha, ngô 270 ha, đậu tương 208 ha với trên 80% diện tích trồng áp dụng giống lai sẽ là kết quả rất lớn của Đề án “Nàn Xỉn và giải pháp xóa nghèo bền vững” mà Tổ khuyến nông mang lại. Theo con số thống kê, năng suất lúa bình quân năm 2012 đạt trên 50 tạ/ha, tăng trên 16 tạ/ha/ so với các năm trước đó. Chưa thu hoạch xong đồng bào đã tìm gặp Tổ khuyến nông xã để xin đăng ký giống mới cho vụ trồng cấy tiếp theo. Năm 2012, còn là năm đánh dấu bước tiến quan trọng của công tác chăn nuôi địa phương, năm đầu tiên không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc nhờ công tác tiêm phòng, phòng dịch từ xa; con số tiêm phòng đạt 2.811 liều vac xin/năm mà trước kia chưa từng thực hiện được. Hiện nay, các mô hình trồng Thảo quả, Tống quá sủ, trồng cỏ chăn nuôi và áp dụng giải pháp thâm canh đã cơ bản đi vào đời sống cộng đồng. Kết quả trên còn nằm trong các biện pháp đồng bộ từ chỉ đạo đến việc làm cụ thể của từng thôn, của từng cán bộ xã, cán bộ thôn và các Tổ, Hội ở cơ sở. Trước mùa trồng cấy tiến hành tu sửa 79 đầu điểm công trình thuỷ lợi lấy nước tưới chủ động; các hộ đăng ký giống và được tư vấn đủ cách làm ăn; nuôi con gì, cần vac xin gì, tiêm thời điểm nào... đều được Tổ khuyến nông tư vấn, chỉ bảo tận tình. Bao nhọc nhằn sau một năm và kết quả trên là điều rất đáng ghi nhận trong công tác hỗ trợ xoá nghèo bền vững tại Nàn Xỉn năm qua. Các anh lãnh đạo xã vui mừng cho hay: Tổ khuyến nông đã mang lại cho cán bộ, đồng bào xã Nàn Xỉn một phương pháp làm ăn, phương pháp chỉ đạo thực hiện rất thực tế đó là: Đến từng nhà, vào từng ngõ, gõ từng cán bộ cơ sở trong mọi công việc làm ăn, cấy trồng, chăn nuôi... Làm thay đổi tư duy cũ trồng cấy buông thả, sang áp dụng KHKT vào từng việc cụ thể để tạo ra năng suất, chất lượng trong sản xuất. Bên cạnh đó còn góp phần to lớn vào sự thay đổi lối sống, sinh hoạt thường ngày nề nếp trong dân.
Có được điều nhận xét trên, cho đấy là thành công bước đầu của Đề án, rất cần sự quan tâm chỉ đạo tiếp theo của các cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là Thường trực 3 bên của huyện Xín Mần để Đề án phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Hy vọng ngày gặp lại Nàn Xỉn đã hoàn toàn đổi thay theo đúng mục tiêu của Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững được Đảng bộ Xín Mần quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Ý kiến bạn đọc