Góp phần vào sự phát triển địa phương
HGĐT- Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Agribank Việt Nam, phóng viên (PV)Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank Hà Giang (Ảnh bên) về quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của đơn vị.
PV: Xây dựng, phát triển và trở thành ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong hoạt động đầu tư tín dụng của tỉnh, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Agribank Hà Giang 25 năm qua, đặc biệt vấn đề vốn đáp ứng cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải: Thành lập ngày 26.3.1988, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) luôn là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Cùng với sự trưởng thành của toàn hệ thống, từ khi tái lập tỉnh đến nay Agribank Hà Giang có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: nguồn vốn tăng 211 lần, dư nợ cho vay tăng 344 lần. Các dịch vụ, tiện ích ngân hàng từ chỗ chỉ có một vài sản phẩm truyền thống, đến nay đã phát triển thêm hàng trăm sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.v.v...
Với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank Hà Giang đã dành phần lớn nguồn vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Dư nợ cho vay NNNT đến nay đạt 1.815 tỷ đồng, chiếm trên 95% tổng số vốn cho vay của Ngân hàng; tập trung đầu tư vào các mục đích: Cho vay chi phí sản xuất, như: Phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi...; Cho vay đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Nguồn vốn của Agribank đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
PV: Được biết, Agribank Hà Giang luôn chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, vậy đồng chí cho biết vài nét về các dịch vụ hiện nay của Agribank và hiệu quả của sản phẩm trên địa bàn tỉnh ta?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải: Bên cạnh những sản phẩm dịch vụ truyền thống, Agribank Hà Giang luôn chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, hướng tới một ngân hàng hiện đại, cung ứng cho thị trường ngày càng phong phú, với nhiều tiện ích hiện đại, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Agribank Hà Giang đã, đang triển khai các nhóm sản phẩm dịch vụ như:
- Nhóm sản phẩm huy động vốn: Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như: Tiền gửi thanh toán của các tổ chức và cá nhân, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu; đã phát triển thêm nhiều sản phẩm: Tiền gửi tiết kiệm bậc thang, gửi góp, rút gốc linh hoạt, tiết kiệm học đường...
- Nhóm sản phẩm cấp tín dụng: Ngoài các loại cho vay ngắn, trung, dài hạn, cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay theo dự án... đã bổ sung thêm hình thức cho vay thấu chi tài khoản thanh toán thẻ.
- Nhóm dịch vụ thanh toán trong nước, gồm: Sản phẩm tiền gửi thanh toán, quản lý thanh khoản, dịch vụ thanh toán trong nước, trả lương tụ động, thanh toán hoá đơn, uỷ nhiệm thu tự động, thu ngân sách nhà nước...
- Nhóm sản phẩm dịch vụ thẻ: Agribank Hà Giang xác định đây là sản phẩm mới chủ đạo tạo tiền đề để phát triển những sản phẩm gia tăng khác. Đơn vị quan tâm chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc đẩy mạnh triển khai, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM/EDC, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng sử dụng thẻ; tích cực triển khai phát hành thẻ cho các đối tượng là cán bộ, viên chức hưởng lương NSNN, doanh nghiệp chuyển trả lương cho người lao động, đồng thời thực hiện chuyển lương qua tài khoản theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ... Đến 31.12.2012 đã có 510 đơn vị thực hiện chuyển lương qua tài khoản, chiếm 75% tổng số đơn vị khách hàng chuyển lương qua hệ thống ngân hàng tại Hà Giang.
- Nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử: Đây là những sản phẩm mới, ứng dụng các công nghệ ngân hàng theo hướng hiện đại, gồm: Mobilebanking, Internet Banking, kết nối thanh toán khách hàng CMS.
- Nhóm sản phẩm liên kết bán chéo (gồm những sản phẩm: Bancassurance, đại lý bán vé máy bay, đại lý bảo hiểm ABIC, đại lý chứng khoán Agriseco...) đã triển khai đầy đủ các sản phẩm dịch vụ liên kết bán chéo theo chỉ đạo của Agribank Việt
Ngoài ra còn Nhóm sản phảm ngân quỹ, Nhóm dịch vụ thanh toán và kinh doanh ngoại tệ..., đã và đang triển khai có hiệu quả.
PV: Vậy, yếu tố chính để Agribank luôn thành công và có những bước phát triển bền vững trên địa bàn Hà Giang?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải: Đó chính là: - Mối đoàn kết, tạo sự đồng thuận từ Ban lãnh đạo đến tập thể cán bộ, viên chức toàn chi nhánh. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, đổi mới phong cách giao dịch. Thực hiện tốt công tác khoán đến tập thể, cá nhân người lao động.
- Tích cực, chủ động phối hợp trong mối quan hệ với cấp ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, chính quyền, các đoàn thể của địa phương, để tranh thủ sự ủng hộ, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của Ngân hàng và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, tăng cường quảng bá thương hiệu Agribank. Chú trọng công tác an sinh xã hội.
- Chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong điều hành hoạt động kinh doanh. Thực hiện lãi suất huy động và cho vay đúng cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của Agribank.
- Thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến thị trường, triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động vốn; xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đối với khách hàng huy động vốn.
- Thực hiện các biện pháp tăng trưởng gắn với việc nâng cao chất lượng tín dụng. Luôn xác định và hướng đến loại hình khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, lấy NNNT và nông dân là địa bàn phục vụ chủ yếu; bám sát các chương trình phát triển kinh tê - xã hội tại địa phương...
- Chú trọng việc ứng dụng các công nghệ ngân hàng theo hướng hiện đại. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, khai thác, phát triển các sản phẩm dịch vụ, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm tranh thủ nguồn vốn và cung ứng các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc