Quản lý lao động sang Trung Quốc và xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc
HGĐT - Tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị về quản lý lao động sang Trung Quốc làm việc và xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc. Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Dự hội nghị có các đồng chí: Bàn Đức Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lý Thị Hơn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đại diện Cục Lao động việc làm, lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - TBXH và gần 300 đại biểu đại diện các thôn bản, xã, huyện biên giới 4 huyện vùng cao phía Bắc.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có chiều dài đường biên 277,5km với 7/11 huyện, thành phố có đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Đó vừa là điều kiện thuận lợi cũng là thử thách không nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề quản lý công dân không vượt biên trái phép đã và đang là một thách thức đối với các cấp, ngành của tỉnh. Theo đánh giá chung, tình hình lao động tỉnh ta sang Trung Quốc làm thuê diễn ra ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2012, toàn tỉnh có gần 12.000 lượt người lao động vượt biên làm thuê trái phép, trong đó số lượng lao động thuộc 4 huyện vùng cao chiếm gần 80%; nhiều gia đình đưa cả vợ, chồng, con cái rời khỏi địa phương từ 3 tháng đến 1 năm; nhiều đảng viên, dân quân, công an viên tại các thôn biên giới cũng vượt biên trái phép đi làm thuê; một số lao động sau thời gian dài làm thuê bị các chủ lao động quỵt tiền lương, thậm chí đánh đập...
Các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân, ưu điểm, hạn chế của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn của tỉnh và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục.
Kết luận hội nghị, đồng chí Sèn Chỉn Ly yêu cầu, thời gian tới các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, đề án và các nguồn vốn phát triển KT-XH gắn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động; quan tâm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thu nhập ổn định đối với hộ gia đình, nhất là các hộ có ít đất sản xuất, hộ giáp biên; hoàn thành quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển sản xuất gắn xây dựng Nông thôn mới, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn giải quyết việc làm tại chỗ; đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm - dạy nghề; tăng cường, mở rộng liên kết thị trường lao động tại các tỉnh trong nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền... UBND các huyện, xã, thị trấn biên giới có trách nhiệm theo dõi, quản lý và bảo vệ quyền lợi người lao động tự do sang Trung Quốc làm việc...
Ý kiến bạn đọc