Xã luận:
Quyết định đem đến diện mạo và sức sống mới cho Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT - Ngày 7.2.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá (CVĐCTCCNĐ) Đồng Văn, giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030; với ba mục tiêu lớn.
Thứ nhất: Bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các giá trị di sản trong vùng Cao nguyên đá (CNĐ) dưới dạng các Công viên chuyên đề (Công viên Địa văn hoá, Công viên Địa sinh học, Công viên Khoa học địa chất). Thứ hai: Khai thác các giá trị di sản trong CVĐCTCCNĐ Đồng Văn để phát triển theo hướng kinh tế du lịch. Qua đó, thu hút người dân địa phương trực tiếp tham gia xây dựng CNĐ trở thành khu du lịch Quốc gia; là đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ, từ đó phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh - quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững của toàn vùng Bắc Bộ. Thứ ba: Liên kết các giá trị di sản địa chất - văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học trong CVĐCTCCNĐ Đồng Văn, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và giữ gìn các giá trị di sản có ý nghĩa Quốc tế cũng như Quốc gia.
Ngay sau khi chính thức được công nhận thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (tháng 10.2010), tỉnh Hà Giang và bốn huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đã rất khẩn trương trong công việc để bảo tồn, phát triển các giá trị vùng CNĐ; thực hiện đúng yêu cầu, khuyến nghị và tiêu chí của chuyên gia Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, trong đó đặc biệt chú trọng các tiêu chí về bảo vệ tính nguyên bản kiến trúc truyền thống bản địa; bảo vệ cảnh quan di sản gắn nâng cao nhận thức cộng đồng, thể hiện qua việc làm và hành động cụ thể bảo tồn, phát triển giá trị di sản; lấy đó làm nền tảng xây dựng Chiến lược phát triển du lịch tổng thể cho mỗi huyện và cả vùng CNĐ.
Đồng thời với yêu cầu bảo tồn tính nguyên bản, Hà Giang xác định phải chủ động, sáng tạo, mạnh dạn trong cách làm du lịch, dịch vụ; lấy chính con người, nguồn lực, tiềm năng, sản phẩm vật chất và văn hoá vùng CNĐ vừa là chủ thể thực hiện, vừa làm mục tiêu cho cách nghĩ, cách làm; được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng bộ, biện pháp chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; với bốn nhiệm vụ cụ thể: Phát triển văn hoá, du lịch lịch sử; phát triển văn hoá, du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm; phát triển văn hoá, du lịch sinh thái và phát triển văn hoá, du lịch tâm linh, tín ngưỡng. Cùng đó là các giải pháp về lãnh, chỉ đạo; về tuyên truyền quảng bá; giải pháp về nguồn lực; về cơ chế, chính sách và giải pháp liên kết cũng như xã hội hóa phát triển du lịch, dịch vụ. Mới hơn hai năm, thời gian chưa nhiều, nhưng quyết tâm và cách làm của Hà Giang đã đem lại sự chuyển biến thực sự cho vùng CNĐ, được Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu ghi nhận.
Quyết định số 310/TTg, ngày 7.2.2013 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTCCNĐ Đồng Văn, giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030 chính là sự khẳng định kết quả đạt được, đồng thuận, nhất trí với mục tiêu, cách làm của tỉnh Hà Giang; thể hiện sự quan tâm, tạo cơ hội lớn của Đảng, Chính phủ dành cho tỉnh nhà và nhân dân bốn huyện vùng CNĐ.
Hà Giang cam kết thực hiện kiên quyết, nghiêm túc, đồng bộ Quyết định của Chính phủ; tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng, phù hợp cho các nhà đầu tư, các cá nhân và tổ chức trong nước, Quốc tế khi đến với tỉnh nhà, đến với CNĐ Đồng Văn. Chắc chắn trong tương lai gần, mục tiêu và các nội dung Chính phủ phê duyệt cho CVĐCTCCNĐ Đồng Văn sẽ từng bước được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; để cuộc sống người dân vùng CNĐ phát triển hài hoà giữa kinh tế, văn hoá, môi trường sống, trên nền các hoạt động du lịch, dịch vụ; đem lại sự đổi thay thực sự, diện mạo và sức sống mới cho vùng đất cực Bắc của Tổ quốc thân yêu.
HÀ GIANG
Ý kiến bạn đọc