Cải cách hành chính cần quyết liệt từ cơ sở

07:02, 11/09/2014

HGĐT- Chương trình cải cách tổng thể nền hành chính Nhà nước đang được tỉnh ta nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo sự thuận lợi, minh bạch, nhanh chóng trong giải quyết công việc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan Nhà nước thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình CCHC. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chủ yếu diễn ra ở cấp tỉnh, huyện, còn cấp cơ sở, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa... việc thực hiện CCHC vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.


Đợt kiểm tra thực hiện CCHC các huyện, xã trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, thì ở nhiều nơi vẫn mang nặng tính hình thức. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung các xã đã quan tâm đến công tác CCHC, thể hiện bằng việc bố trí được phòng làm việc riêng cho bộ phận “một cửa”. Hầu hết các thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết tại bộ phận “một cửa”, đúng thời gian quy định. Công tác cải cách TTHC, đặc biệt việc đơn giản hóa thủ tục được chú trọng, đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” trẻ, nhiệt tình, cơ bản chuẩn hóa về trình độ. Ngoài ra, việc thanh kiểm tra, tuyên truyền được quan tâm, giúp đội ngũ cán bộ, công chức hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với quá trình phát triển KT-XH địa phương, giúp người dân hiểu lợi ích từ CCHC mang lại.


Tìm hiểu tại cơ sở cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành được UBND huyện, thành phố quan tâm, ban hành kế hoạch CCHC, trên cơ sở đó các xã, phường, thị trấn triển khai phù hợp tình hình địa phương. Trong thực hiện CCHC, yếu tố con người luôn được ưu tiên và quyết định đến hiệu quả công việc, chính vì vậy việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức được các huyện, thành phố đặc biệt coi trọng, đồng thời có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận “một cửa” hoạt động. Nhìn chung, các xã, phường thực hiện tốt giờ giấc làm việc theo quy định, văn hóa công sở ngày càng được nâng cao, công chức đến công sở ăn mặc gọn gàng, lịch sự, giao tiếp với nhân dân cởi mở, chân tình, cơ bản các đơn vị triển khai nghiêm việc đeo thẻ công chức trong giờ hành chính.


Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc chỉ đạo CCHC ở một số huyện chưa thật sự quyết liệt, điều này dẫn đến nhiều xã, phường, thị trấn chưa xây dựng kế hoạch CCHC hàng năm. Công tác tuyên truyền CCHC chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, một số công chức chưa hiểu vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của CCHC, một số huyện như Quản Bạ, Mèo Vạc chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra CCHC nên bộ phận “một cửa” ở cơ sở chỉ tồn tại dưới dạng hình thức.


Đối với việc giải quyết TTHC, hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện đúng quy trình. Theo quy định, công chức văn phòng nhận TTHC của người đến giao dịch, chuyển cho cán bộ chuyên môn kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ đủ thì vào sổ theo dõi, viết giấy hẹn đối với hồ sơ không giải quyết trong ngày và yêu cầu công chức phụ trách chuyên môn xử lý. Khi có kết quả, công chức phụ trách chuyên môn chuyển lại cho công chức văn phòng để trả người đến giao dịch. Nhưng, ở hầu hết bộ phận “một cửa” các xã, phường, thị trấn, công chức chuyên môn trực tiếp nhận, trả kết quả của người đến giao dịch nên không có sổ theo dõi chung, chưa có giấy hẹn. Ngoài ra, việc niêm yết các TTHC đã được các xã, phường triển khai, tuy nhiên số lượng chưa đủ, chưa đúng theo quy định.


Kiểm tra tại các huyện, xã, đoàn công tác của tỉnh cũng nhận thấy, hầu hết các địa phương chưa thực hiện rà soát TTHC.Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế do thiếu máy vi tính, một số xã chưa kết nối Intenet, các phần mềm ứng dụng phần lớn không sử dụng được vì bị lỗi; việc giao dịch qua thư điện tử chưa triển khai thực hiện, chưa có công chức được đào tạo chuyên sâu về CNTT...


Từ thực tế đó, cán bộ công tác tại bộ phận “một cửa” các huyện, xã mong muốn được tham gia các lớp tập huấn chuyên đề về lĩnh vực văn thư lưu trữ; Lao động - TBXH; Tư pháp - Hộ tịch; Địa chính, Giao thông, Xây dựng, Môi trường; tập huấn quy trình giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”; ứng dụng CNTT, đặc biệt các phần mền trong quá trình giải quyết TTHC. Đoàn kiểm tra của tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố bố trí sắp xếp lại vị trí công tác của một số công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” theo đúng chuyên môn được đào tạo; tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn công chức xã thực hiện nhiệm vụ, niêm yết công khai, đúng, đủ các TTHC theo quy định.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tình nguyện ở xã đặc biệt khó khăn để xây dựng nông thôn mới
Nhiều trí thức trẻ là đội viên của Dự án 600 phó chủ tịch xã mong muốn được ở lại những xã đặc biệt khó khăn để giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
31/08/2014
Phường Minh Khai - 20 năm xây dựng và phát triển
HGĐT - Phường Minh Khai nằm ở phía Nam thành phố Hà Giang (TPHG), giáp các phường: Trần Phú, Nguyễn Trãi, xã Ngọc Đường, xã Phú Linh và xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Phường Minh Khai cùng với TPHG là vùng đất có lịch sử lâu đời.
29/08/2014
Đại hội Chi đoàn Báo Hà Giang nhiệm kỳ 2014 – 2017
HGĐT- Ngày 28.8, Chi đoàn Báo Hà Giang đã tổ chức Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2014 - 2017. Đến dự đại hội có các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Hà Giang; các đồng chí trong Ban biên tập, Trưởng, Phó các phòng nghiệp vụ và các đoàn thể; đại diện Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và Đồn Biên phòng Thanh Thủy.
29/08/2014
Đoàn công tác của Tổ chức JICA (Nhật Bản) làm việc với Nhóm công tác Dự án Phòng chống mua bán người tỉnh Hà Giang
HGĐT - Chiều 27.8, Đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Tổ chức JICA), đơn vị tài trợ cho tỉnh thực hiện Dự án “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người (PCMBN) tỉnh Hà Giang” đã có buổi làm việc với Nhóm công tác Dự án PCMBN tỉnh Hà Giang.
29/08/2014