Người dân Sơn Vĩ “khát điện” cạnh hai trạm biến áp (!)

08:22, 18/11/2014

HGĐT- Đã hơn một năm nay, gần 60 hộ đồng bào người Giấy, người Mông ở khu tái định cư thôn Tà Ngày và Mé Lầu của xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) mỏi mòn “chờ” được sử dụng điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù hai Trạm biến áp (TBA) đứng sừng sững ngay giữa 2 thôn, đường điện chạy qua nóc nhà, nhưng người dân chỉ biết “gãi đầu, gãi tai” chẳng hiểu vì sao ngần ấy thời gian vẫn chưa được đấu nối. Đến tận bây giờ, nhiều người còn hoài nghi về “lời hứa” từ phía chủ đầu tư.


Chủ đầu tư hứa gì?

Dòng sông Nho Quế được ví như “Dòng sông ánh sáng” khi Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 được khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động, đóng góp vào ngân sách địa phương vài chục tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, đằng sau câu chuyện ấy lại là những trăn trở của nhiều người dân khi đặt ra câu hỏi: Phải chăng phía nhà máy đã... “mang con bỏ chợ”?.


     

TBA thôn Mé Lầu mặc dù hoàn thành đã hơn một năm nay nhưng vẫn chưa được đấu nối.


Qua tìm hiểu, Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 do Tập đoàn Bitexco đầu tư bao gồm 2 tổ máy với công suất thiết kế 110 MW. Trong quá trình xây dựng, người dân trên địa bàn các xã đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư cũng như các đơn vị thi công đảm bảo kế hoạch. Có 297 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình. Trong đó, số gia đình phải bố trí di dân, tái định cư đi nơi khác là 56 hộ với 354 khẩu (trong đó có 27 hộ bố trí tái định cư tập trung, 29 hộ thuộc diện di vén, chủ yếu là người dân xã Sơn Vĩ). Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mèo Vạc: Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí bồi thường, chủ đầu tư đã phối hợp cùng với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện bố trí khu tái định cư phù hợp với quy hoạch của huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường lớp học, hệ thống nước, điện sinh hoạt... để ổn định đời sống cho các hộ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Nho Quế 3. Theo đó, riêng công trình điện có hai TBA được xây dựng ở hai thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.


Thế nhưng, theo người dân cho biết, sau khi về ở khu tái định cư, đời sống gặp vất vả hơn, nhất là suốt ngày cứ mong ngóng được sử dụng điện. Bên cạnh đó, mỗi khi mực nước lòng hồ dâng cao khiến cho việc đi lại, sản xuất gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, trước khi thực hiện dự án, phía chủ đầu tư đã đến các hộ vận động và “hứa” sẽ thực hiện xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình. Ông Hoàng A Pín, Bí thư Chi bộ thôn Mé Lầu cho biết: “Khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng nhà máy thủy điện, mặc dù mất một số diện tích hoa màu nhưng chúng tôi đều đồng ý. Được người bên phía nhà máy “hứa” chắc chắn nên chúng tôi cũng tin tưởng, vậy mà mong mỏi nhất là đóng điện cho người dân sử dụng thì vẫn không thấy nói gì. Bây giờ một số nhà kéo dây về rồi mà chờ mãi không có điện”. Đối với những người nông dân nơi đây, cây ngô là cây trồng chính. Một số gia đình có diện tích nương bên kia sông nhưng sau khi làm thủy điện đã khiến cho con đường bị ngập nước, không thể đi lại. Phía nhà máy đã hứa sẽ mở con đường khác nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Đồng chí Hoàng A Thống, Trưởng thôn Tà Ngày cho biết thêm: “Khi con đường đi làm nương bị ngập, người dân phải bám đá, trèo đá mà đi nhưng rất nguy hiểm, còn những ngày mưa thì không thể đi được. Người dân phải nuôi bò để cày vì không thể cuốc bằng tay, giờ không có đường thì chẳng biết làm gì, mà người không làm thì đói. Khổ lắm!”.


Lỗi thuộc về ai?

Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi tìm đến phía chủ đầu tư là Công ty Bitexco Nho Quế. Sau khi trao đổi, ông Nguyễn Phú Xuyên, Tổng giám đốc công ty cho rằng: “Khi bắt tay vào xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, phía công ty đã thực hiện việc đền bù và tiến hành xây dựng đầy đủ các hạng mục khu tái định cư. Vì vậy, công ty không thất hứa với dân. Còn việc chưa đóng điện cho người dân sử dụng là do Điện lực Mèo Vạc cho rằng đường điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa đó là do hạn hẹp về nguồn vốn nên công ty chưa thể chi trả tiền cho đơn vị thi công, vì vậy đơn vị thi công vẫn chưa hoàn trả cho phía điện lực. Còn về con đường đi lại của nhân dân, công ty đang tính toán phương án để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi làm nương”.


Theo tìm hiểu, năm 2013, công ty Cổ phần Bitexco Nho Quế đã giao công trình điện 0,4KV cấp điện khu tái định cư thôn Tà Ngày và Mé Lầu cho công ty Cổ phần Minh Quang thi công kéo điện. Tuy nhiên, đến khi bàn giao công trình, đơn vị thi công chưa hoàn thành khối lượng thi công theo đúng thiết kế. Điện lực Mèo Vạc và công ty Cổ phần Bitexco Nho Quế đã đề nghị đơn vị thi công khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành để tiến hành bàn giao. Ông Bùi Đức Thanh, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Mèo Vạc cho biết: “Trong quá trình nghiệm thu bàn giao, có một số yêu cầu kỹ thuật về đường điện không đảm bảo sau khi đấu nối như: cột điện làm bằng sắt, có nguy cơ dò điện, gây nguy hiểm cho người dân... Vì vậy, để đảm bảo an toàn, phía điện lực chưa thể đấu nối TBA”. Mới đây, để tránh việc “đổ lỗi” giữa hai bên, UBND huyện Mèo Vạc đã mời công ty Cổ phần Bitexco Nho Quế và Điện lực Mèo Vạc cùng một số đơn vị liên quan cùng tìm cách tháo gỡ. Giải pháp được đưa ra là phía chủ đầu tư sẽ chỉnh sửa hồ sơ thiết kế, phối hợp với Điện lực Mèo Vạc đẩy nhanh tiến độ khắc phục. “Nếu phía chủ đầu tư đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chúng tôi sẽ tiến hành đóng điện trong thời gian sớm nhất” – ông Thanh khẳng định.


Việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 đã góp phần thúc đẩy KT – XH của huyện Mèo Vạc nhưng hơn hết việc đảm bảo ổn định cuộc sống các gia đình bị ảnh hưởng là điều rất quan trọng. Vì vậy, rất mong các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục khó khăn để có thể đấu nối TBA theo nguyện vọng chính đáng của bà con, tránh để mất niềm tin trong nhân dân.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV
HGĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xây dựng chỉ tiêu trồng rừng mới trong cả nhiệm kỳ là 65.000 ha. Đến nay, sau gần 4 năm, toàn tỉnh mới chỉ thực hiện đạt 37% kế hoạch. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm 2015, các địa phương cần phải trồng mới diện tích lớn gấp đôi diện tích đã trồng của gần 4 năm cộng lại. Đây thực sự là “bài toán” khó nên muốn
18/11/2014
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
HGĐT- Sáng 16.11, Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Bắc Quang tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Dự có đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, huyện Bắc Quang, cùng hàng trăm cán bộ, CCVC, ĐVTN và các em học sinh trong huyện.
17/11/2014
Bắc Mê hình thành thói quen phòng, chống đói, rét cho gia súc
HGĐT- Những năm trước, người dân Bắc Mê còn thờ ơ trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc khi mùa Đông đến khiến gia súc, nhất là đại gia súc bị chết nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế thì hiện nay, khi mới chớm Đông, người dân Bắc Mê đã chủ động căng bạt chống rét và tích trữ thức ăn chống đói cho gia súc trong mùa Đông năm nay.
15/11/2014
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên
HGĐT- Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật... của người dân chưa cao, gây trở ngại cho công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Khắc phục hạn chế này, những năm qua, tuổi trẻ Hà Giang đã phát huy vai trò xung kích, nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đẩy lùicác tệ nạn xã
15/11/2014