Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

08:12, 18/11/2014

HGĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xây dựng chỉ tiêu trồng rừng mới trong cả nhiệm kỳ là 65.000 ha. Đến nay, sau gần 4 năm, toàn tỉnh mới chỉ thực hiện đạt 37% kế hoạch. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm 2015, các địa phương cần phải trồng mới diện tích lớn gấp đôi diện tích đã trồng của gần 4 năm cộng lại. Đây thực sự là “bài toán” khó nên muốn giải quyết được đòi hỏi tỉnh tập trung nguồn lực, ban hành chính sách phù hợp cùng với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các huyện, thành phố.


Đến tháng 10.2014, toàn tỉnh trồng mới được 24.200 ha rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng; rừng sản xuất; cây cảnh quan; rừng phân tán), đạt trên 37% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Dù diện tích trồng đạt thấp nhưng rừng trồng mới trong những năm qua đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều phương diện: Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2013 đạt 54,3%; phát huy chức năng phòng hộ đầu nguồn, duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống; thu hút trên 60.000 hộ tham gia, tạo việc làm cho trên 200.000 lao động. Đồng thời, trên 24.200 ha rừng trồng mới hứa hẹn tạo tài sản lớn cho các gia đình và xã hội.



Rừng phòng hộ tại xã Thắng Mố, Yên Minh được quan tâm, bảo vệ nên phát triển tốt.


Nguyên nhân việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng mới đạt thấp, trong đó có cả chủ quan lẫn khách quan. Do áp lực từ sự gia tăng dân số, nhiều diện tích đất trống quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng người dân sử dụng để canh tác. Việc huy động xã hội hóa trồng rừng gặp khó khăn, người dân, doanh nghiệp không muốn đầu tư trồng rừng vì lợi ích chủ yếu là cải thiện môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế thấp bởi chu kỳ kinh doanh dài, địa điểm thực hiện xa trung tâm, đường giao thông khó khăn. Về chủ quan, nguồn vốn huy động hỗ trợ trồng rừng đạt thấp, đến nay tổng vốn đã bố trí đạt gần 10% so với nhu cầu cho cả giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2012 và 2013 không có kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất mới. Trong giai đoạn này, ngân sách tỉnh không hỗ trợ cho công tác trồng rừng, nguồn vốn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến gỗ hiện nay phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không gắn kết với vùng nguyên liệu. Sản phẩm chủ yếu là bán gỗ thô, ván bóc, giá trị sản phẩm thấp. Thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu gỗ nguyên liệu cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng và xuất khẩu ván bóc sang Trung Quốc. Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở chế biến lâm sản đồng bộ, đáp ứng công tác thu mua và sản xuất sản phẩm có giá trị cao, chưa thực hiện được các chính sách phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Điều đó ảnh hưởng đến vấn đề kích cầu cho nhân dân trồng rừng sản xuất.


Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: “Nguyên nhân thực hiện chỉ tiêu trồng rừng mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đạt thấp là do trách nhiệm chung từ tỉnh, đến ngành chức năng, các huyện và xã chưa quyết liệt, sâu sát. Do đó, cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời, huy động mọi nguồn lực, giải pháp, tập trung lãnh, chỉ đạo để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành phương án thực hiện chỉ tiêu trồng rừng mới theo Nghị quyết với mục tiêu trọng tâm là phấn đấu hoàn thành 100% diện tích. Cùng với đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cơ bản cho các địa phương có thêm nguồn lực, điều kiện để thực hiện kế hoạch giao. Chuyển toàn bộ chỉ tiêu trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng cho các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần, Ban quản lý Tây Côn Lĩnh thực hiện trong năm 2015 là 400 ha. Tiến hành trồng mới rừng sản xuất theo phương thức trồng rừng lâm nghiệp xã hội (Nhà nước và nhân dân cùng làm) tại các huyện Bắc Mê, thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì trong năm 2015 với trên 40.000 ha. Đồng chí Phạm Tiến Tình, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Yên Minh cho biết: “Đối với các huyện vùng cao nói chung, Yên Minh nói riêng, việc trồng rừng sản xuất gặp rất nhiều khó khăn bởi điều kiện địa hình khó khăn. Do đó, việc tỉnh chuyển kế hoạch trồng rừng sản xuất sang trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và điều chỉnh giảm diện tích trồng rừng trong năm 2015 sẽ tạo điều kiện cho huyện hoàn thành kế hoạch đề ra”.


Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ cho công tác trồng rừng mới trong năm tới. Đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, thực hiện theo Quyết định 57 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho người dân và 8% chi phí quản lý cấp huyện; với rừng phòng hộ môi trường ven đường giao thông, thực hiện theo quy định tại kế hoạch số 87 của UBND tỉnh, hỗ trợ trồng, chăm sóc 1.800 cây trong 4 năm là 15 triệu đồng và 8% chi phí quản lý cấp huyện. Đối với diện tích trồng rừng sản xuất thực hiện theo hình thức lâm nghiệp xã hội, khoán gọn hỗ trợ cây giống cho các huyện với mức là 500 đồng/cây, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc là 200.000 đồng/ha (tổng hỗ trợ cho 1 ha rừng trồng mới 1,2 triệu đồng). Tỉnh cũng tạo cơ chế về giống cho nhân dân, nếu như trước đây bà con phải làm thủ tục mua giống ở các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất giống, có hóa đơn bán hàng mới được chấp nhận thì trong năm tới, các huyện chủ động hoàn toàn việc cung ứng giống cho nhân dân (cách làm là dân đăng ký trồng, huyện nghiệm thu hố trồng, nghiệm thu cây sống, nghiệm thu rừng rồi cấp tiền). Các huyện cũng được chủ động chọn giống cây phù hợp với điều kiện của địa phương nhưng phải đảm bảo là cây lâm nghiệp, không trồng cây phân tán... Tổng nguồn vốn thực hiện các chính sách trồng rừng mới năm tới ước tính trên 50 tỷ đồng từ Chương trình bảo vệ và phát triển rừng và vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh.


Với những chính sách hỗ trợ, cơ chế về giống theo phương án tỉnh mới ban hành cơ bản tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai trồng rừng mới trong năm tới. Cơ chế, hướng mở đã có những điều quan trọng là các địa phương phải quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt mới hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Nên chăng, các địa phương cần gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu trồng rừng mới với việc học tập và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang năm 1961: “Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng”.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
HGĐT- Sáng 16.11, Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Bắc Quang tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Dự có đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, huyện Bắc Quang, cùng hàng trăm cán bộ, CCVC, ĐVTN và các em học sinh trong huyện.
17/11/2014
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên
HGĐT- Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật... của người dân chưa cao, gây trở ngại cho công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Khắc phục hạn chế này, những năm qua, tuổi trẻ Hà Giang đã phát huy vai trò xung kích, nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đẩy lùicác tệ nạn xã
15/11/2014
Bắc Mê hình thành thói quen phòng, chống đói, rét cho gia súc
HGĐT- Những năm trước, người dân Bắc Mê còn thờ ơ trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc khi mùa Đông đến khiến gia súc, nhất là đại gia súc bị chết nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế thì hiện nay, khi mới chớm Đông, người dân Bắc Mê đã chủ động căng bạt chống rét và tích trữ thức ăn chống đói cho gia súc trong mùa Đông năm nay.
15/11/2014
Trao tặng 5 con bò giống cho các hộ nghèo xã Sơn Vĩ
HGĐT- Sáng 14.11, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức trao tặng 5 con bò giống (trị giá 65 triệu đồng) cho 5 hộ nghèo của xã Sơn Vĩ.
14/11/2014