Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên - Bài 1: Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

- Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thấu hiểu sâu sắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó lấy “cái đức làm gốc”. Báo Tuyên Quang có loạt bài “Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên”, đánh giá lại công tác cán bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để độc giả thấy rõ thêm công cuộc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh; khẳng định đội ngũ cán bộ của tỉnh sẵn sàng cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định: Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Tuyên Quang cùng cả nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, vận hội lớn, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức, chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa.

Xác định mục tiêu cụ thể

Việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ đã được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Triển khai thực hiện các khâu trong công tác cán bộ  theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định. Công tác tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động tạo nguồn, bố trí cán bộ, đã khắc phục trình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định.

Cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham quan mô hình kinh tế tại huyện Chiêm Hóa.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh phải thật sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực, uy tín. Có từ 15% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, phấn đấu có khoảng 25% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cấp huyện có từ 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi. Cấp xã 100% cán bộ chuyên trách có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Triển khai đồng bộ các mặt công tác cán bộ

Để thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả về công tác cán bộ. BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 10/9/2021 về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021 - 2025; Đề án số 15-ĐA/TU ngày 30/3/2023 về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn  2022 - 2030; Quy định số 20-QĐ/TU ngày 01/7/2023 quy định tạm thời về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...

BCH Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo triển khai nghiêm túc các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua từng năm và toàn khóa. Trong giai đoạn 2021 - 2025, riêng năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo thực hiện.

Để đào tạo, rèn luyện, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ được thử thách, khẳng định, tỉnh đã chú trọng luân chuyển cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU ngày 30/3/2023 về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2023 - 2025. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện luân chuyển, điều động 195 người.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao việc đột phá, đổi mới với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao 219 việc đối với 78 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện các nhiệm vụ đột phá đã tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Đây là giải pháp nhằm rèn luyện cán bộ được triển khai hiệu quả các cấp thời gian qua.

Tỉnh đã đạt được những kết quả vượt bậc về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ trẻ tuổi trong các cấp lãnh đạo. Cụ thể, tỷ lệ nữ trong cấp ủy tỉnh chiếm hơn 29%, cán bộ DTTS chiếm hơn 41%, và cán bộ trẻ chiếm 4,17% ở cấp tỉnh. Tại các cấp xã và huyện, các tỷ lệ này cũng đạt và vượt các yêu cầu của Trung ương.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực hiện “tự soi”, “tự sửa”, qua đó giúp cấp ủy, chi bộ nắm được tình hình cán bộ, đảng viên, có giải pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên kịp thời sửa chữa, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.260 chi bộ với 49.418/50.200 đảng viên thực hiện “tự soi”, “tự sửa”.

Với những giải pháp đồng bộ về công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành, nghề, lĩnh vực công tác có sự điều chỉnh hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các độ tuổi, các thế hệ. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch và dân chủ hơn.

(còn nữa)

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục