Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong kỷ nguyên số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại vừa là yêu cầu đặt ra, vừa là mục tiêu phấn đấu của lĩnh vực báo chí, truyền thông, được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Báo chí phỏng vấn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong Ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016_Ảnh: TTXVN

Một số vấn đề lý luận chung

Báo chí là một phương tiện thiết yếu trong đời sống xã hội của con người, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giám sát, phản biện xã hội và định hướng dư luận. Theo Điều 4 Luật Báo chí Việt Nam 2016, “báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”(1). Điều 3 giải thích rõ, “báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử(2). Như vậy, báo chí là hoạt động cung cấp cho mọi người những thông tin thời sự, những việc mới xảy ra hoặc những vấn đề có tính cấp thiết trong xã hội với mục đích cho nhiều người biết, hiểu, thay đổi thái độ, thay đổi hành vi.

Để thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng, các cơ quan báo chí đã, đang chuyển đổi từ các kênh báo chí truyền thống sang nền báo chí gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số, bao gồm báo chí, sách, truyền hình, đài phát thanh, podcast (là tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên mạng internet và người dùng có thể tải về để nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng)…, ứng dụng phát trực tuyến, YouTube… Như vậy, các cơ quan báo chí không chỉ dừng lại ở việc sản xuất các sản phẩm thông tin về sự kiện, vấn đề xã hội bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh mà còn sản xuất các sản phẩm báo chí số. Có thể hiểu, báo chí số là loại hình báo chí “sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số”(3). Với sự phát triển của mạng internet, các cá nhân thường xuyên sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để công bố thông tin được xây dựng dựa trên hoạt động của cá nhân họ. Dựa trên mức độ, tần suất và sự đánh giá của cộng đồng mạng, nhiều cá nhân trở thành người “hướng dẫn dư luận”, “người có tầm ảnh hưởng” trên các kênh truyền thông xã hội với số lượng người theo dõi đông đảo.

Sự hình thành và phát triển của nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo nên nhiều thay đổi đa chiều trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh đến văn hóa - xã hội, trong đó có ảnh hưởng sâu sắc tới lĩnh vực báo chí cũng như tác động trực tiếp đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Nhiều nhà báo, phóng viên đã chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phục vụ đắc lực cho công việc làm báo, cập nhật tin tức, nhu cầu của độc giả để làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, tích cực. Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một phần của kết cấu hạ tầng công nghệ của các nhà báo do có sự theo dõi, dẫn lại các nguồn tin. Ở chiều ngược lại, do nguồn tin giống nhau được sử dụng lại, phát lại trên nhiều kênh truyền thông khác nhau nên các thông tin đó tự nhân rộng hơn, trở nên phong phú hơn trong hệ sinh thái tin tức mới.

Nếu như trước đây, doanh thu của các cơ quan báo in, tạp chí in chủ yếu dựa vào hai nguồn chính là bán báo và quảng cáo, thì nay công nghệ thông tin và nền tảng số đã làm thay đổi mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí. Nội dung số phát hành trên các nền tảng số tạo ra nguồn thu với những hình thức khác nhau, từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo lập trình, quảng cáo dạng native; quảng cáo cá nhân hóa với các gói, định dạng khác nhau bằng cách sử dụng dữ liệu người dùng trực tuyến để nhắm mục tiêu người dùng với nội dung quảng cáo có liên quan hơn. Các cơ quan báo chí đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như “cánh tay nối dài” trong việc sản xuất và phân phối, chuyển tải thông tin. Những thay đổi trong hệ sinh thái truyền thông đã ảnh hưởng đến toàn bộ mô hình kinh doanh của báo chí, trong đó bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và thông tin, kể cả các tác nhân kinh doanh và chủ thể khác nhau. Thực tế những năm qua cho thấy, số lượng phát hành báo in có xu hướng ngày càng giảm, báo điện tử ngày càng phát triển với xu hướng các cơ quan báo chí “điện tử hóa” các ấn phẩm của mình. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện với nhiều loại hình báo chí, cung cấp nội dung trên đa nền tảng, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Sự hội tụ công nghệ và dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số dẫn đến sự hội tụ hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình với hạ tầng mạng viễn thông, xu hướng các đài tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình, trong khi đó, phần truyền dẫn, phát sóng sử dụng chung với hạ tầng mạng viễn thông.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày báo chí tại Hội Báo toàn quốc năm 2024_Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình hình thành, phát triển. Tại Việt Nam, sau gần 100 năm kể từ khi tờ Báo Thanh niên ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Trải qua quá trình phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, nỗ lực vượt bậc, linh hoạt thích ứng và tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đóng góp trực tiếp, quan trọng vào việc quán triệt, tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, tổ chức triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và những kết quả cơ bản, toàn diện trên các lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống báo chí, truyền thông của nước ta đã phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật - công nghệ, đội ngũ, trình độ; ngày càng khẳng định tầm quan trọng, sự ảnh hưởng sâu, rộng đối với đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong kỷ nguyên số

Để bảo đảm mục tiêu và yêu cầu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cần chú ý một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giám sát và phản biện xã hội cũng như giáo dục, định hướng dư luận xã hội. Trước sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông nhằm “sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội”. Trước sự phát triển của công nghệ truyền thông, “một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí”(4). Do đó, cần tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, có điều chỉnh một cách phù hợp nhằm tạo điều kiện để các cơ quan báo chí có mô hình tối ưu, phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí, của cá nhân người có trách nhiệm. Xử phạt, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, xuất bản ấn phẩm của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cần chú ý tăng cường quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp, các phương tiện truyền thông xã hội nhằm phát huy tác dụng tích cực của loại hình thông tin này trong công tác tuyên truyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.  

Hai là, tập trung phát triển kỹ thuật, kết cấu hạ tầng hiện đại phục vụ công tác báo chí, truyền thông

Kỷ nguyên truyền thông số đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện và năng lực để xây các cơ quan báo chí, truyền thông số, trong đó chuyển dần sang in ấn và phát hành báo chí số, đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả. Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6-4-2023, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp kỹ thuật nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí trong cả nước mở ra các hình thức truyền thông mới, đa nền tảng, bao gồm truyền hình, radio, báo chí trực tuyến, podcast và các nền tảng truyền thông xã hội. Trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí phù hợp với từng loại hình báo chí, góp phần đổi mới phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả.

Ba là, nâng cao năng lực nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại số

Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, từ phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng và các phương tiện truyền thông mới đòi hỏi người làm báo ngày càng nâng cao kỹ năng, năng lực, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm báo chí mới trên nền tảng truyền thông hiện đại nhằm tiếp cận mọi đối tượng độc giả, đáp ứng các nhu cầu thông tin hết sức đa dạng của công chúng hiện đại. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Đặc biệt, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần có kiến thức, trình độ chuyên môn sâu về các lĩnh vực được giao phụ trách. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 xác định, phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế. Do vậy, việc đào tạo chuyên sâu cho các nhà báo và những người làm công tác báo chí để nâng cao năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ và chuẩn mực đạo đức báo chí là rất quan trọng. Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ sư công nghệ thông tin – truyền thông lành nghề, chất lượng cao, biết ứng dụng và sử dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ hiện đại trong tổ chức và vận hành tòa soạn, bảo đảm an ninh mạng. Song song đó, sự chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, các nhà báo là rất cần thiết. Tuy vậy, thông tin số đang đặt ra vấn đề đạo đức và pháp lý, như tình trạng vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, quảng cáo trá hình… Việc bảo vệ quyền riêng tư và an toàn trên không gian mạng là đòi hỏi cần thiết đối với cả người sản xuất và người tiêu thụ thông tin, không chỉ là vấn đề riêng ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia trên toàn thế giới.

Phóng viên ảnh tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh, mọi địa hình để ghi lại những hình ảnh giá trị nhất_ Ảnh: TTXVN

Bốn là, chú trọng tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin báo chí, truyền thông

Thông tin báo chí, truyền thông là dạng thông tin xã hội đặc thù, mang tính thời sự, phổ cập hoặc chuyên sâu và rất quan trọng về phương diện chính trị - xã hội, trở thành “cầu nối” giữa báo chí và công chúng. Hiệu quả của thông tin báo chí khi được phát huy sẽ trở thành sức mạnh to lớn, góp phần hình thành dư luận xã hội, xây dựng hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội, biến nhận thức thành hành động theo chiều hướng tích cực để góp phần cải tạo và xây dựng một xã hội tốt đẹp. Do đó, thông tin báo chí phải bảo đảm tính chân thật, tính giáo dục, tính nhân dân, tính chiến đấu, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phải góp phần quan trọng trong việc cung cấp tri thức, nâng cao dân trí, hình thành và định hướng dư luận xã hội lành mạnh; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng chính trị và tinh thần trong nhân dân. Trước yêu cầu của bối cảnh mới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới. Bên cạnh đó cần tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ cùng với sự xuất hiện của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, thông tin báo chí, truyền thông phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Năm là, báo chí và người làm báo cần nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, phát huy vai trò là phương tiện, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ xã hội và đặc thù nghề nghiệp của mình, nhà báo cần phải giữ gìn đạo đức, vững vàng quan điểm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và tham gia thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí cần có quy định chặt chẽ, có biện pháp chế tài nghiêm khắc, mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những đối tượng, hành vi vi phạm quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo cần không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh với người có hành vi sai trái, thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có như vậy, báo chí cách mạng Việt Nam mới có thể hội nhập và phát huy hiệu quả vai trò là “chiến sĩ trên mặt trận thông tin”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm. Các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí, truyền thông cần xây dựng, ban hành bộ quy tắc, quy định ứng xử và tương tác trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bảo đảm việc phản ánh thông tin một cách chính xác, trung thực, khách quan, cân bằng và nhân văn. Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là phương tiện, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả./.

PGS. TS ĐINH THỊ THÚY HẰNG

Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam

----------------

(1) Luật số 103/2016/QH13 của Quốc hội: Luật Báo chí
(2) Luật số 103/2016/QH13 của Quốc hội: Luật Báo chí
(3) Xem: Đỗ Thị Thu Hằng: “Báo chí số: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, ngày 17-7-2023, https://hoinhabao.vn/Bao-chi-so-Mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien_bv-5381
(4) Báo Điện tử Chính phủ: “Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 phù hợp thực tiễn là cần thiết”, https://baochinhphu.vn/sua-doi-bo-sung-luat-bao-chi-2016-phu-hop-thuc-tien-la-can-thiet-102230610174444973.htm

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục