Bạo lực đáng bị lên án
Tháng 4-2024, một video lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh H.D.K. (21 tuổi) ở thành phố Tuyên Quang đang ngủ bị vợ gọi dậy dỗ con, bỗng dưng nổi khùng, bật dậy, túm tóc, dùng tay đánh tới tấp vào đầu, vào mặt vợ là C.A.T. (19 tuổi). Vừa đánh, K. vừa buông lời chửi vợ, khiến đứa trẻ sơ sinh khóc không ngừng. Video khiến dư luận xã hội bức xúc và chỉ trích gay gắt hành động bạo lực của người đàn ông với vợ, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
C.A.T. thông tin với cơ quan báo chí rằng, chị đã bị chồng bạo hành từ khi mang thai. Sau nhiều lần bị đánh chửi, tha thứ, nhưng K. không thay đổi. T. đã mất niềm tin, thất vọng và vô cùng phẫn uất nên đã chủ ý lắp camera. Sự việc sau đó chị trình báo tới cơ quan công an và anh H.D.K. bị phạt hành chính và chị T. muốn ly hôn.
Hay như vụ việc cháu N. sinh năm 2007, ở xã Trung Sơn (Yên Sơn) bị M.Đ.Q. là hàng xóm sát vách (sinh năm 1966) “giở trò đồi bại” vào năm 2022. Được biết, N. là học sinh có học lực khá, giỏi nhưng kể từ khi bị hãm hiếp, N. bị ảnh hưởng tâm lý, lầm lì, việc học sa sút. Cho đến giờ, sự việc xảy ra vẫn là một “nốt lặng” đối với tâm lý của gia đình N.
Một tiểu phẩm tham gia Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái bị tố cáo, được phát hiện, phơi bày. Theo báo cáo của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện, ghi nhận và thụ lý, giải quyết 14 vụ án, vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, có 15 trẻ em bị xâm hại (giảm 1 vụ/2 trẻ em so với cùng kỳ năm 2023). Còn tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra hằng năm. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh có 32 vụ bạo lực gia đình, trong đó có đến 19 nạn nhân bị bạo lực là nữ; người gây bạo lực đều là nam giới...
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc... Tuy nhiên, các vụ bạo lực chỉ được biết đến khi các vụ việc xảy ra do người dân, chính quyền trình báo chứ rất ít vụ việc người phụ nữ, trẻ em gái chủ động tố giác bởi tâm lý e ngại, lo lắng và xấu hổ nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ.
Các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người... Chính vì vậy, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái là hành vi đáng bị lên án và cần được sớm đẩy lùi trong xã hội hiện đại.
Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án, hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Cùng với việc đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trong đó, từ khi triển khai đến nay, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã thành lập được 396 tổ truyền thông cộng đồng, 72 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của 41 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”... Trong năm 2024, các cấp Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và duy trì được 376 Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 3 Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”, 8 Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”... Các hoạt động thiết thực của các mô hình này đã góp phần tuyên truyền, vận động mọi người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; tiếp nhận, trợ giúp các phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình; cung cấp những kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ...
Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN huyện, thành phố tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nổi bật là Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Báo Tuyên Quang online tổ chức thành công trực tiếp Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em cấp tỉnh...
Cùng với Hội LHPN tỉnh, các sở, ngành liên quan cũng đã xây dựng kế hoạch để triển khai hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024. Các hoạt động tập trung thực hiện từ ngày 15/11/2024 đến ngày 15/12/2024. Qua đó, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới; phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Gửi phản hồi
In bài viết