Xử lý dứt điểm hoạt động của xe công nông, xe tự chế

- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Thế nhưng cho đến nay, việc cấm các loại xe này lưu hành vẫn chưa được thực hiện triệt để, nhất là ở khu vực nông thôn.

Đi trên tuyến QL3B từ huyện Hàm Yên  đến huyện Chiêm Hóa, trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông, máy tự chế “vô tư” chạy qua lại. Nhiều xe còn chở gỗ, hàng nông sản… chất ngất trên thùng. Có chiếc xe công nông còn được người ta dựng cọc gỗ để nhồi thêm hàng hóa, khiến cho những người tham gia giao thông phải dừng lại hoặc giảm tốc độ vì sợ va chạm; những phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao tai nạn giao thông. 

Xe công nông cơi nới thùng chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa).

Quy định của Chính phủ về cấm xe công nông lưu hành được triển khai cách đây hơn 16 năm. Báo chí phản ánh, các cấp, ngành chức năng cũng đã vào cuộc giải quyết, xử lý. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất của người dân nên hiện xe công nông vẫn là phương tiện khó thay thế ở khu vực miền núi.  Ông Lý Tiến Trường, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cho rằng: Việc cấm xe công nông lưu hành là cần thiết vì loại xe này không bảo đảm an toàn, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc trong thời gian qua. Tuy nhiên, với đặc thù sản xuất nông lâm nghiệp miền núi rất cần những loại xe vận tải cỡ nhỏ có nguồn gốc xuất xứ, có đăng ký, đăng kiểm để thay thế xe công nông. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên thị trường vẫn chưa có loại xe nào thay thế nên người dân vẫn sử dụng xe công nông để vận chuyển hàng hóa mặc dù biết là vi phạm.

Thiếu tá Trần Văn Ngọc,  Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Sơn thông tin: Xe công nông, xe tự chế tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, vì đa số những phương tiện này do các cơ sở sản xuất tự phát thiết kế, không bảo đảm các chỉ số an toàn, chắp vá từ nhiều vật liệu, thậm chí được lắp ghép từ phụ tùng của những xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng. Người điều khiển hầu như không được đào tạo, hướng dẫn điều khiển, đa số là lao động giản đơn ở nông thôn, không có giấy phép lái xe; phương tiện không qua đăng kiểm… Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết tạm giữ phương tiện xe công nông, xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý và tịch thu theo quy định. Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm, phạt tiền 69 triệu đồng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Ông Đỗ Văn Lai, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, để xử lý dứt điểm tình trạng xe công nông, xe tự chế hoạt động trên các tuyến giao thông, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông Vận tải  (cơ quan thường trực Ban ATGT tỉnh) đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xử lý vi phạm đối với xe công nông, xe tự chế, thùng tự chế do máy nông nghiệp kéo theo thuộc diện bị cấm lưu hành. Vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và đang sở hữu xe công nông, xe tự chế cam kết tự giác tháo dỡ, không đưa các loại xe này tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, kiểm soát chặt chẽ, cấm triệt để xe công nông, xe tự chế, thùng tự chế do máy nông nghiệp kéo theo lưu hành trên các tuyến đường giao thông thuộc địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bài, ảnh: Thanh Tùng

Tin cùng chuyên mục