Xử lý thực bì khoa học để phòng cháy rừng

- Thời gian này, nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến độ phấn đấu về đích trồng rừng. Việc xử lý thực bì đúng cách trước khi trồng rừng trong thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo gió Lào là vấn đề cần lưu tâm lúc này. Để phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả với phương châm “lấy phòng là chính”, các ngành chức năng, địa phương đang hướng dẫn người dân, chủ rừng xử lý thực bì đúng cách...

Phòng là chính

Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương hiện đang quản lý hơn 3.982,32 ha rừng trồng chủ yếu keo. Vào mùa khô, nắng nóng thảm thực bì khô, rất dễ bắt lửa gây ra cháy rừng, cùng đó do rừng của đơn vị tiếp giáp với nhiều khu vực dân cư và diện tích rừng cây lâm nghiệp của người dân, vào mùa khô người dân thường hay đốt thực bì để làm nương, trồng rừng nên nguy cơ cháy lan sang rừng của công ty là rất cao. Trước những nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chữa cháy rừng. Ông Lý Văn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật công ty cho biết, đơn vị lấy phòng, chống cháy làm chính. Do vậy, công ty đã tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cho người dân sống gần rừng và các hộ hợp đồng trồng rừng với công ty; hướng dẫn người dân xử lý thực bì một cách an toàn, đúng cách. Bên cạnh đó, tổ chức phát dọn đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ phát sinh nguồn cháy, rà soát các khu vực có nguy cơ cháy cao để cử lực lượng túc trực xử lý. Đơn vị cũng đã thành lập 10 tổ phòng chống cháy rừng để kịp thời xử lý thông tin và các vụ việc liên quan đến cháy rừng.

 

Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương xử lý thực bì chuẩn bị trồng rừng.

Huyện Chiêm Hóa hiện có 62.680,7 ha rừng tự nhiên, trong đó, rừng tự nhiên đặc dụng 8.842,9 ha, rừng tự nhiên phòng hộ 23.830,48 ha, rừng tự nhiên sản xuất 30.007,3 ha. Đất có rừng trồng 36.557,3 ha, trong đó rừng trồng đặc dụng 292,8 ha; rừng trồng phòng hộ 1.892,4 ha; rừng trồng sản xuất 34.372 ha. Chiêm Hóa hiện có 6.480,7 ha rừng được Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC) công nhận và cấp chứng chỉ FSC. Theo ông Ma Công Chu, trưởng nhóm FSC, thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ, trong trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn Quốc tế, khâu xử lý thực bì được chuyên gia đánh giá đặc biệt quan tâm bởi khác với cách xử lý thực bì thông thường, rừng theo tiêu chuẩn FSC có thể xử lý thực bì theo 2 cách là xử lý thực bì không đốt và xử lý thực bì đốt có kiểm soát. Trong đó, xử lý thực bì không đốt là thu dọn toàn bộ thực bì sau thu hoạch ra khỏi diện tích rừng trước khi trồng rừng hoặc quén dọn thực bì theo băng rồi trồng cây trên những khoảng đất trống. Tuy nhiên, cách xử lý thực bì này tốn công, chỉ áp dụng với các lô, khoảnh rừng gần nhà thuận đường di chuyển. Đối với cách xử lý thực bì đốt có kiểm soát tại các lô, khoảnh rừng, khi thực bì đã khô người dân vun thành đống giữ khoảng cách an toàn với khoảnh rừng bên cạnh; không đốt thực bì vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc lặng gió vào trước 9 giờ và sau 16 giờ.

Cảnh giác với giặc lửa

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra những vụ cháy rừng lớn nhưng một số vụ cháy rừng nhỏ lẻ vẫn xảy ra ở một số địa phương, gây thiệt hại khoảng 0,6 ha rừng, trong đó đa số các vụ cháy rừng này đều do việc xử lý thực bì không đúng cách. Cụ thể, ngày 23-5-2021, gia đình anh Hoàng Văn An, thôn Lũng Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) thực hiện dọn dẹp, đốt thực bì tại diện tích rừng trồng cây lâm nghiệp vừa được thu hoạch của gia đình. Trong quá trình đốt thực bì xuất hiện gió lớn, tàn lửa bay vào mái lá của nhà ông Hoàng Văn Thách, cách đó khoảng 50 m, tàn lửa bắt vào mái lá đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà sàn cùng tài sản của gia đình ông Thách. Hay vụ việc đau lòng xảy ra vào năm 2020 tại tổ dân phố Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), do xử lý thực bì không đúng cách, lửa cháy lan sang lô rừng bên cạnh, vụ việc đã làm một người dân tại xã Hợp Thành tử vong. Đó là những vụ việc điển hình do việc xử lý thực bì không đúng cách.

Người dân thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) xử lý thực bì.

Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả, kịp thời, ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Từ đó, các đơn vị chủ rừng, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy và xây dựng, tu sửa các công trình phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 trong những ngày nắng nóng kéo dài; hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân; chủ động ứng phó cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ, kịp thời xử lý các vụ cháy rừng khi mới phát sinh. Trong đó, ngành kiểm lâm tỉnh đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, khi có thông tin về điểm cháy, lực lượng kiểm lâm đều được cảnh báo sớm và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Theo kết quả quan trắc của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 36 xã nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Trong đó, nhiều nhất là huyện Sơn Dương với 8 xã; Hàm Yên, Chiêm Hóa mỗi huyện 6 xã; Yên Sơn và Na Hang mỗi huyện 5 xã; huyện Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang mỗi đơn vị 3 xã. Đối với các xã nằm trong vùng này, Chi cục Kiểm lâm đề nghị kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa, đề phòng cháy rừng.     

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục