Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông trải dài đến những thôn, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói, toàn xã có 1.600 hộ với 7.100 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm 59% dân số trên toàn xã, sống tập trung ở các thôn như: Làng Sinh, Làng Thiện, Tân Phú, Cầu Xi, Thai Bạ, Xóm Đá, Văn Sòng, Thiện Tân. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền những năm qua người dân nơi đây đã có nhiều đổi mới, chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, kết hợp trồng đan xen một số giống cây trồng khác như: măng tây, ớt, dưa chuột... Đồng thời tích cực đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã đã khuyến khích người nông dân đưa những vật nuôi có chất lượng được người tiêu dùng ưa thích như: gà đồi, lợn rừng, dê núi và thương phẩm vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế hộ cho nhiều gia đình. Phong trào giúp nhau làm kinh tế, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, đến nay số hộ giàu của đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm đến 60%, thu nhập bình quân đạt từ 20-22 triệu đồng/người/năm. Đời sống được cải thiện, đồng bào nơi đây đón một cái Tết no ấm.
Ngày Tết đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Thiện Kế (Sơn Dương) cùng nhau chơi những trò chơi dân gian.
Sau một năm làm ăn vất vả, gia đình ông Trần Văn Năm và bà Lưu Thị Hai, thôn Văn Sòng cùng các con, cháu lại quây quần dưới mái nhà, tấp nập cùng nhau chuẩn bị đón năm mới. Bà Lưu Thị Hai phấn khởi bày tỏ, đối với người Sán Dìu, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết cả vì trong vòng quay một năm còn có nhiều cái Tết khác nhau, nó khác với người Kinh, vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó, họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng và bánh gio. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù. Còn bánh gio được ngâm gạo nếp với lá cây trên rừng. Những ngày sắp Tết Nguyên đán, chị em phụ nữ người dân tộc Sán Dìu phải làm rất nhiều việc để lo chuẩn bị cho một cái Tết no đủ, ấm cúng. Chính vì vậy, năm nào nhà bà Hai cũng chuẩn bị vào Tết sớm từ tháng Chạp, để mời anh em trong dòng họ đến dự. Để chuẩn bị cho Tết, phụ nữ như bà phải làm nhiều việc, lo làm đủ các loại bánh như: bánh chưng, bánh gio, món ăn thịt nướng lá ổi, thịt muối... để thắp hương tổ tiên. Các món ăn được dùng cúng tổ tiên vào năm mới với mong muốn tổ tiên ban cho những điều tốt lành, bình an cho cả năm.
Theo thường lệ, người chủ gia đình dân tộc Sán Dìu từ ngày 30 Tết sẽ mua những tờ giấy đỏ về cắt nhỏ rồi đem dán lên các gốc cây, ở các nơi như cổng, cửa, bàn thờ tổ tiên, các cột cái trong nhà hay các dụng cụ lao động... Làm như vậy vì họ tin rằng, màu đỏ thể hiện sự may mắn, tốt đẹp và xua đuổi tà ma. Trong 3 ngày Tết, ngày mùng hai được coi là ngày Tết chính. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Gia đình nào có con gái lấy chồng xa thì vào ngày mùng hai vẫn lặn lội về nhà để chúc Tết, mừng lì xì cho ông, bà, bố mẹ.
Gia đình ông Trần Văn Năm và bà Lưu Thị Hai, thôn Văn Sòng, xã Thiện Kế (Sơn Dương) cùng nhau gói bánh chưng gù chuẩn bị ngày Tết.
Điều đặc biệt hơn trong những ngày Tết của người dân nơi đây không thể thiếu món ăn tinh thần đó là những câu hát Soọng cô. Chị Chu Thị Nga, thôn Cầu Xi, phấn khởi nói, ngày xuân những chàng trai, cô gái như chị tung tăng trong những bộ váy áo mới, tình tứ trao nhau câu hát Soọng cô. Từng làn điệu Soọng cô khi cất lên đều mang theo hơi thở của mùa xuân, của tình yêu thương con người, cuộc sống và phảng phất âm hưởng núi rừng, làm nên nét đẹp, sự trong sáng trong văn hóa hát Soọng cô của người Sán Dìu. Ngoài ra, bà con tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động thể thao như đá cầu, đánh xèng, đánh đáo. Đây là những trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, lễ hội và được lưu truyền từ nhiều đời này, qua đời khác.
Chia tay bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Thiện Kế khi chiều đã buông, đâu đó những câu hát Soọng cô vẫn còn vang lên xen lẫn niềm vui, hạnh phúc của người dân nơi đây, để rồi họ cùng nhau nỗ lực phấn đấu hơn tiếp tục chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết