Thực hiện âm mưu chiến lược phá hoại mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Campuchia - Việt Nam - Lào nói chung và giữa hai nước Việt Nam Campuchia nói riêng; tháng 4/1975, sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của Nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Kể từ năm 1975 đến 1978, tập đoàn Pôn Pốt đã tiến hành nhiều cuộc tiến công xâm lấn, đánh chiếm các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta với quy mô ngày càng lớn. Cuối năm 1978, chúng huy động 10 sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước.
Trước tình hình đó, đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23/12/1978, bằng các đòn phản công, tiến công quyết liệt, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp đó, đáp lại đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và trên tinh thần quốc tế trong sáng, “giúp bạn là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979).
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 23/12/1978 đến 17/01/1979), Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt, diệt 12 nghìn tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44 nghìn tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pôn Pốt; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở.
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng có ý nghĩa lớn lao không chỉ với Việt Nam và Campuchia mà với cả khu vực cũng như thế giới.
Đối với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã một lần nữa khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung,lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.
Đối với Campuchia, chiến thắng ngày 7/01/1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn, đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia; cứu Nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp.
Đối với quốc tế, thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Với thắng lợi ngày 7/01/1979, quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Gửi phản hồi
In bài viết