Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều huyện, xã nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc học ở một số nơi chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học còn hạn chế, đội ngũ giáo viên còn thiếu… là những rào cản rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. |
LÀ tỉnh miền núi với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (học sinh dân tộc thiểu số ở Tuyên quang chiếm hơn 60%), nhiều học sinh sinh sống ở vùng khó khăn, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, có 2 huyện nghèo trong tổng số 7 huyện và thành phố. Khi công tác ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, mỗi thầy, cô giáo đều phải xác định tinh thần bám trường, bám bản để vận động học sinh đi học, duy trì tỷ lệ chuyên cần. |
Giáo viên huyện vùng cao Lâm Bình vượt suối đến trường dạy học. |
Đến nay, bàn chân cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Long (Hàm Yên) đã đi khắp các bản làng, xã xa xôi nhất của huyện Hàm Yên. Cô từng có nhiều năm gắn bó với mảnh đất vùng cao Yên Thuận nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cô Trang kể, giai đoạn trước đường vào bản cực khó. Khi ấy cô và các cô giáo trong trường phải trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động học sinh đi học, có khi vào nhà lại phải lên tận nương tìm các em, nói “gãy lưỡi” phụ huynh mới chịu nghe cho con đi học trở lại để các con có tương lai tươi sáng hơn. Thấy học sinh khó khăn các cô đã nhận đỡ đầu, trích tiền lương để mua thêm sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho học sinh. Đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ cùng chung tay để giúp học sinh vững bước đến trường… |
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên vận động học sinh đi học. |
Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Thượng Nông đến tận thôn, bản tuyên truyền vận động và đón học sinh đến trường. |
Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao khiến nhiều ngôi trường, điểm trường ở tỉnh Tuyên Quang bị chia cắt nhưng với trách nhiệm “bám lớp, bám trường”, các thầy cô đã không ngần ngại vượt lũ, băng rừng để đến với học sinh thân yêu. Cô giáo Lộc Thị Mừng, dạy học ở điểm trường thôn Roàng thuộc Trường Mầm Non Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, vào mùa mưa nước lũ dâng cao khiến việc đi lại vô cùng khó khăn, dòng lũ dữ đã cuốn băng đi những cây cầu mà chính quyền và nhân dân chung sức xây dựng. Muốn đến điểm trường không còn cách gì khác là lội suối. Mặc dù đối mặt với những nguy hiểm nhưng vì tình yêu đối với học trò, mưa tạnh giáo viên phải đến ngay lớp học để xem có bị thiệt hại gì không và chuẩn bị vệ sinh, dọn dẹp để đón học sinh đi học trở lại. Dù đường xa nhưng giáo viên phải đến thật sớm vì bà con cũng dậy sớm đem con gửi để đi làm đồng… |
Vào mùa mưa đường đến trường của cô giáo và học sinh vùng cao thường đi lại khó khăn, vất vả. |
Tuyên Quang là quê hương cách mạng, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và các bộ ngành và của tỉnh song cơ sở vật chất, trường lớp học vẫn còn nhiều thiếu thốn. Khi triển khai thực hiện các chương trình, đề án, đầu tư cơ sở vật chất ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình đồi núi, nhiều nơi bị cô lập, chia cắt vào mùa mưa, để xây dựng được điểm trường đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc. Đến nay, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 456 trường mầm non, phổ thông công lập. So với năm 2016 đã giảm được 29 điểm trường, giảm được hơn 500 điểm trường lẻ song số điểm trường lẻ vẫn còn nhiều với trên 600 điểm trường. Cùng với đó, tổng số phòng học hiện có của Tuyên Quang là hơn 7.500 phòng, trong đó phòng học bán kiên cố và phòng học tạm vẫn chiếm trên 33,6%; đối với nhà công vụ giáo viên, nhà bán kiên cố và nhà tạm chiếm đến hơn 80%... Những “ngăn sông cách trở” về địa hình cũng như những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất thực sự là những rào cản rất lớn để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. |
Giáo viên Trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình) chuẩn bị bữa trưa cho trẻ; Nhân viên bếp ăn Trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương) chở cơm trưa đến điểm trường lẻ. |
Đồng chí Chẩu Văn Giai
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình
THỰC hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngành Giáo dục Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng học sinh ở tất cả các cấp đều có sự gia tăng cơ học trong khi biên chế giáo viên thì không tăng. Cùng với đó do đặc thù của giáo dục vùng núi khi luôn có những điểm trường lẻ nên việc tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn. Như thường lệ, sau khi hoàn thành kế hoạch dạy học theo thời khóa biểu tại điểm trường chính - trường Tiểu học thị trấn Na Hang vào buổi sáng, cô giáo Đàm Thị Huệ lại chuẩn bị “hành trang” di chuyển đến điểm trường lẻ cách đó hơn 5km. Có hôm được phân công cô còn phải thực hiện di chuyển đến điểm trường xa hơn 10km để dạy học vào buổi chiều. |
Cô giáo Đàm Thị Huệ, trường Tiểu học thị trấn Na Hang dạy học sinh tại điểm trường Ngòi Nẻ. |
Cô Huệ cho biết, hiện nay nhà trường còn 3 điểm trường gồm trường chính và 2 điểm trường lẻ ở thôn Nà Mỏ và Ngòi Nẻ. Dù có kế hoạch dồn ghép, thế nhưng do điểm trường lẻ ở khá xa trường chính đường đi lại khó khăn nên chưa thể thực hiện ngay được. Để đảm bảo kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày nhà trường đã sắp xếp lịch dạy học, bố trí giáo viên cho phù hợp. Việc phân công giáo viên dạy học tại các điểm trường dù giáo viên vất vả hơn song đến nay, tất cả đều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với cô giáo Hoàng Thị Tươi, dạy môn Lịch sử, trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) thì việc “chạy sô” dạy học đã trở nên rất đỗi bình thường. Hết tiết dạy ở trường chính cô lại tranh thủ đi xe máy vào điểm trường Phong Lưu (cách trường chính gần 3 km). Dù dạy học ở điểm trường nào thì cô Tươi cũng cố gắng truyền “lửa” tình yêu môn học này tới học sinh, nhiều năm liền cô đều có học sinh đoạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. |
Cô giáo Hoàng Thị Tươi, dạy môn Lịch sử, trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) thì việc “chạy sô” dạy học đã trở nên rất đỗi bình thường trong tình hình trường thiếu giáo viên. |
Cô Tươi bảo, những lúc mệt mỏi chỉ cần nghĩ đến những học sinh đã trưởng thành, những khuôn mặt học sinh tươi cười rạng rỡ là mệt mỏi lại tan biến. Thế nên việc phải đi đi lại lại giữa các điểm trường để dạy học đối với cô Tươi không đáng ngại. Ở điểm trường lẻ, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên ngoài dạy học cô còn gần gũi, động viên các em. Nhất là trong mấy năm gần đây, cam sành mất giá, nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa nên khi vào thôn dạy học cô thường dành thời gian đến tận nhà học trò để tìm hiểu, động viên các em chăm chỉ đến trường...
|
Niềm vui của các em học sinh vùng cao khi được đến trường. |
Tình trạng thiếu giáo viên ở Tuyên Quang xảy ra triền miên từ năm học này qua năm học khác, điển hình như năm học 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang thiếu đến hơn 4.000 giáo viên. Theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, tỷ lệ giáo viên để dạy 2 buổi phải đạt 1,5 giáo viên/lớp trong khi cấp tiểu học tại Tuyên Quang có tỷ lệ giáo viên gần 1,3 giáo viên/lớp. Ở cấp THCS và THPT cũng diễn ra tình trạng tương tự khi tỷ lệ giáo viên tại cấp THCS tại Tuyên Quang là 1,69 giáo viên/lớp, trong khi định mức quy định là 1,9 giáo viên/lớp. Cấp THPT đạt 2,08 giáo viên/lớp, thấp hơn định mức quy định (2,25 giáo viên/lớp). Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm biên chế, sắp xếp bố trí lại đội ngũ song số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu theo định mức hiện nay của tỉnh Tuyên Quang là hơn 3.800 người. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quản lý, dạy học. |
Mặc dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các cô giáo vùng cao vẫn luôn bám trường, bám lớp. |
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện còn trên 687 điểm trường lẻ, trong đó mầm non 434 điểm, tiểu học 250 điểm và THCS còn 3 điểm. Trong năm học 2023-2024 đã sắp xếp giảm được 48 điểm trường lẻ. Dù chủ trương dồn ghép, sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính đang được thực hiện theo lộ trình để tập trung cơ sở vật chất, giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục song có nhiều điểm trường lẻ ở xa trung tâm, đường đi lại vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất ở trường chính không đáp ứng được nên việc dồn ghép điểm trường lẻ về điểm trường chính chưa thực hiện được. Vì vậy tại các trường, việc phân công giáo viên dạy học giữa các điểm trường chính, điểm trường lẻ là sự linh hoạt để đáp ứng đủ giáo viên dạy học và đảm bảo kế hoạch dạy học của nhà trường, khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. |
Không giống như những ca sỹ hay những chuyên gia “chạy sô” chỗ này chỗ kia, “chạy sô” càng nhiều thì thu nhập càng cao, những giáo viên “chạy sô” đi lại vất vả mà lương không tăng thêm. Thế nhưng vì tình yêu học trò các thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. |
|
NHỮNG xuất phát điểm nhiều khó khăn đã khiến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ. Học sinh ở vùng cao Tuyên Quang chưa được gia đình quan tâm đầu tư nhiều về học tập ngoại ngữ; việc tiếp xúc, tiếp cận với internet cùng với những giáo trình, giáo án, bài dạy từ các chuyên gia giáo dục còn hạn chế. Chắc hẳn, mọi người đều nhớ đến giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên cả thế giới và nước ta, học sinh nhiều nơi, trong đó có Tuyên Quang phải tạm dừng đến trường. Nhưng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngay lập tức toàn ngành chuyển sang dạy học trực tuyến. Thế nhưng trái ngược với thành phố hoặc những khu vực trung tâm, việc học trực tuyến thuận lợi thì học sinh ở vùng cao Tuyên Quang cực kỳ khó khăn, sóng điện thoại chập chờn, mạng internet không có, nhiều học sinh phải ra bìa rừng lập lán trại để hứng sóng học online, giáo viên phải đến từng bản để giao bài tập về nhà cho các em… |
Học sinh ở vùng cao Tuyên Quang ra bìa rừng “hứng sóng” để học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19. |
Khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang tổ chức các cuộc thi cấp tỉnh như chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học, thi thí nghiệm thực hành… tạo cơ hội để học sinh được cọ xát, rèn luyện sự tự tin và bồi đắp kiến thức nhưng vẫn có những trường, học sinh vì điều kiện khó khăn mà không thể tham gia được. Chính vì thế, sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục các vùng là “bài toán” hóc búa đối với ngành Giáo dục tỉnh đòi hỏi ngành cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lựng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn trên địa bàn. |
|
Có một giai đoạn, khi tham gia những cuộc thi cấp khu vực, quốc gia Tuyên Quang mới chỉ "mon men" ở những giải thấp, không có học sinh đạt giải cao, số lượng và chất lượng học sinh đạt giải qua các năm học không ổn định. Ví dụ như năm học 2019-2020 Tuyên Quang chỉ có 19 học sinh đạt giải trên tổng số 58 thí sinh dự thi, suốt từ năm học 2022-2023 trở về trước Tuyên Quang không có học sinh giỏi được chọn tham dự vòng thi chọn đội tuyển đi thi quốc tế. Cùng với đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn đạt thấp như: tỷ lệ huy động trẻ đến trường dưới mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi trên ngày thấp, cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa phát triển, thiếu các trung tâm học tập ngoại ngữ, cơ sở vật chất, trường lớp học xuống cấp sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều điểm trường, lớp học bị sạt lở vào mùa mưa bão… |
Đường đi học của học sinh Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) bị chia cắt vào mùa mưa lũ (ảnh 1); Học sinh xã Kiến Thiết (Yên Sơn) đợi lũ rút để đến trường (ảnh 2); Đường đến trường của học sinh Bản Giáng, xã Trung Sơn (Yên Sơn) khi trời mưa (ảnh 3). |
Những khó khăn chồng chất nhưng với quyết tâm cao độ, tỉnh Tuyên Quang đã luôn đồng hành cùng với ngành Giáo dục tỉnh để triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, gỡ khó từng bước. Từ đó, rất nhiều các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch đối với giáo dục và đào tạo được triển khai, đã thổi vào “luồng gió mới” tạo động lực để giáo dục Tuyên Quang bứt phá và phát triển. |
Gửi phản hồi
In bài viết