Xác định đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhờ đó đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, mang đến những “luồng gió mới”, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục và đào tạo. |
TỈNH Tuyên Quang luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhiều nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được ban hành đã tạo “kim chỉ nam”, thổi “luồng gió mới” cho ngành giáo dục. Cụ thể, trong công tác huy động trẻ đi nhà trẻ; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ, khen thưởng tuyên dương giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, hội thi… Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 50% đến năm 2025, ngành giáo dục của tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập để vừa đạt mục tiêu đề ra, vừa giảm áp lực về biên chế và đầu tư công cho khối công lập. |
Từ Nghị quyết số 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, số trẻ đến trường tăng dần qua các năm. |
Ngày 01-8-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết quy định 3 chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gồm: Kinh phí hỗ trợ xây dựng phòng học; hỗ trợ mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu; hỗ trợ kinh phí chi trả một phần lương cho giáo viên. Nghị quyết đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với công tác phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Thực hiện Nghị quyết 73-NQ/TU ngày 10-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Các trường mầm non đã nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ trong độ tuổi đi học, góp phần hoàn thành mục tiêu nghị quyết đề ra. |
Việc huy động trẻ đến trường không chỉ thực hiện hiệu quả trên địa bàn thành phố mà cả ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa. |
Việc các địa phương, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sớm đưa trẻ đến trường giúp trẻ phát triển toàn diện đã thực sự làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Anh Sùng A Lu, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) nói: “Trẻ nhỏ ở thôn tôi trước kia chúng thường ở nhà tự chơi với nhau hoặc bố mẹ địu trên lưng đi nương thôi. Nhưng từ khi được thầy cô đến tuyên truyền, vận động, các gia đình trong thôn mới đưa con đến trường. Lúc đầu được vận động mọi người còn e ngại chưa tin tưởng nhưng sau khi được mời đưa con đến lớp thấy con vui vẻ chơi và được cô giáo dạy hát, dạy học, dạy phát âm chuẩn… khi về nhà nghe con kể những chuyện ở lớp rất vui, cả nhà yên tâm lắm”. |
Trẻ được quan tâm chăm sóc về mọi mặt khi đến trường. |
Nằm trong hệ thống các cơ sở mầm non tư thục, nhóm Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang) được đánh giá có chất lượng giáo dục cao, tỷ lệ gửi trẻ ở đây mỗi năm đều tăng. Hiện nay, nhóm Ban Mai Xanh có 6 cơ sở đang hoạt động. Chị Phùng Thị Hoa, Chủ nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục Ban Mai Xanh cho biết, hiện tại, trong 6 cơ sở của nhóm có trên 420 trẻ đang theo học tại các nhóm tuổi. Những năm qua, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ như hệ thống camera giám sát, điều hòa thiết bị giáo dục trong lớp học và vui chơi ngoài trời... Các nhóm luôn đổi mới giáo dục, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục an toàn giao thông, học ngoại ngữ, trải nghiệm nhằm tăng hứng thú, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho trẻ... |
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản, khang trang theo hướng của những nền giáo dục hiện đại. Học sinh đến trường không chỉ được giáo dục về kiến thức mà còn được giáo dục về tính kỷ luật và ứng xử văn hóa. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15-9-2024, toàn tỉnh huy động được 656 nhóm trẻ với 12.804/67.479 trẻ nhà trẻ, đạt tỉ lệ 48,1%. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh. |
Ngoài giờ lên lớp các cô giáo tự thiết kế đồ dùng giảng dạy cho trẻ. |
NGAY từ năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 và Kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Theo kế hoạch 119/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND tỉnh). |
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn huyện Hàm Yên. |
Việc thực hiện sắp xếp lại điểm trường, lớp học đã giúp học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đồng thời góp phần nâng chất lượng giáo dục của tỉnh. Cùng với đó, sắp xếp trường, lớp là để giảm chi phí giáo dục, nhưng phải nâng cao chất lượng. Do đó, khi sắp xếp, giảm điểm trường cần bảo đảm nguyên tắc phù hợp với tình hình thực tế như: Điều kiện đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị; diện tích nhà trường; điều kiện đi lại của học sinh, cự ly giữa các trường... |
Trẻ mầm non được tham gia các hoạt động tại trường. |
Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Bình, phụ trách dạy học tại điểm trường Bản Dần, trường Tiểu học Yên Lập (Chiêm Hoá) cho biết, năm học 2023-2024, điểm trường có ba lớp gồm lớp 1, lớp 2 và lớp 5 với 39 học sinh. Điểm trường ở thôn cho nên cha mẹ đưa con em đến lớp rất thuận tiện và gần hơn so với đến trường trung tâm. Tuy nhiên, điểm trường nằm ngay gần sông, học sinh đi lại rất bất tiện và do đang ở độ tuổi hiếu động, việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. Năm học này, điểm trường Bản Dần được dồn ghép về điểm trường Đầu Cầu, lớp học có đầy đủ chỗ ngồi để học sinh học tập, có đủ nước uống, nhà vệ sinh... để các em yên tâm học tập. |
Một giờ lên lớp của các thầy, cô giáo tại các điểm trường của xã Xuân Lập (Lâm Bình). |
Để tạo động lực giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, trong những năm qua tỉnh đã tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Nhiều ngôi trường ở Tuyên Quang được xây dựng từ nguồn hỗ trợ từ tổ chức phi chính phủ, từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Điển hình trong công tác xã hội hóa, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang đã được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Bao gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ, lớp học; nhà ở nội trú học sinh, nhà đa năng; nhà công vụ giáo viên; bếp ăn; trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác. UBND huyện đã chỉ đạo, vận động thu hồi gần 54.000 m2 đất để xây dựng dự án. Công trình được xây dựng với tổng số vốn gần 100 tỷ đồng, trong đó được Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 50 tỷ đồng. Hay như trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Quý Quân (Yên Sơn) được đầu tư xây từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng 2 công trình gồm: Nhà bán trú, nhà ăn và các phòng học bộ môn… tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. |
Học sinh trường Tiểu học Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương tham gia Hội đọc sách. |
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng được triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp ở từng địa phương và đơn vị giáo dục. Thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt, có những nơi nơi bà con tham gia hỗ trợ ngày công lao động, vật liệu, hiến đất xây trường. Từ đó, góp phần xây dựng nên những ngôi trường khang trang hơn, sạch đẹp hơn; đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. |
XÁC định muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, Tuyên Quang đặc biệt chú trọng đến phát triển đội ngũ cán bộ tâm huyết, yêu nghề. Tỉnh đã có cơ chế trong việc thu hút nhân tài về Tuyên Quang công tác tại các trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm đều viết thư ngỏ gửi đến những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường… Theo đó, những sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại các trường trọng điểm theo nhiều chế độ ưu đãi như được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển.
|
Lãnh đạo trường Đại học Tân Trào trao giải nhất cho nhóm sinh viên có đề tài “Nghiên cứu hoạt tính chống oxy hoá của cây sâm cau (Curculigo orchioides) tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang”. |
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo từ năm 2021 đến nay, ngành đã thu hút được 25 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người có trình độ cao về công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở giáo dục và Đào tạo, trong đó có 2 sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, loại giỏi và đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia về công tác tại trường THPT Chuyên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh. |
Trường THPT Chuyên Tuyên Quang hàng năm có nhiều học sinh đoạt các giải cao tại các kỳ thi. |
Cùng với đó, tỉnh quan tâm tuyển dụng viên chức giáo dục, xét tuyển đối với những giáo viên hợp đồng đã có nhiều năm cống hiến. Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 4-4-2024 về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2024 và Quyết định số 406/QQĐ-UBND ngày 20-4-2024 về việc điều chỉnh Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2024. Theo đó đã có hàng chục giáo viên từ hợp đồng được xét tuyển viên chức, giúp cho các thầy, cô giáo yên tâm gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh. |
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) trong một hoạt động trải nghiệm. |
Cô giáo Bùi Thu Huyền, giáo viên trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) vui mừng khi trúng tuyển và tiếp tục được giảng dạy tại trường chia sẻ: “Chế độ lương của giáo viên mầm non hợp đồng khá eo hẹp trong khi đó áp lực công việc lại lớn. Mặc dù vậy nhưng hơn 10 năm qua tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. Trong mọi hoàn cảnh, tôi và các đồng nghiệp trong trường vẫn động viên nhau khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Được tuyển dụng vào biên chế là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Những mong mỏi, khát khao của tôi cũng như các giáo viên hợp đồng khác đã thành hiện thực. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục trẻ…”. |
VỚI tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, đội ngũ cán bộ giáo viên tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh bằng tình thương, trách nhiệm. Những tấm gương thầy cô tận tụy, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn dùng tiền lương để nuôi học sinh vượt khó, tự làm những “chiếc cầu” qua suối để học sinh của mình vững tin đến lớp… đều là những câu chuyện gây xúc động và còn đọng lại mãi trong mỗi người. |
Học sinh dân tộc thiếu số luôn được quan tâm và tạo điều kiện trong môi trường học tập. |
Không thể kể hết những thầy cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với học sinh vùng cao, đem cái chữ “thắp sáng” những bản làng, vùng quê hẻo lánh. Cô giáo Ma Thị Chà, dân tộc Tày, trường Mầm non Yên Thuận (Hàm Yên) là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương, khen thưởng.
Đến nay, cô Chà đã có gần 20 năm dạy học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Yên Thuận và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tất cả các thôn xa của xã Yên Thuận như: Hao Bó, Cao Đường, Khau Làng… cô đều đặt chân đến, cô không chỉ nuôi dạy trẻ em đồng bào dân tộc mà còn tuyên truyền, vận động người dân quan tâm đến việc học của con em mình, nhờ đó duy trì tỷ lệ chuyên cần cao.
Cô Ma Thị Chà đã có gần 20 năm dạy học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Yên Thuận. |
Nhiều học sinh nhà ở xa, bố mẹ không đến đón con trong ngày, không có điều kiện cho trẻ ăn bán trú, cô Chà về nhà lấy gạo của gia đình, dành số tiền lương ít ỏi mua thức ăn để nấu cơm cho trẻ ăn trưa tại lớp. Cô Chà tâm sự, nhìn trẻ em vùng cao cuộc sống thiếu thốn thì thương lắm. Dẫu hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khấm khá gì nhưng giúp các trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến đâu cô rất sẵn lòng. Với các thầy, cô giáo ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Xuân Lập (Lâm Bình), cảm giác băng rừng, lội suối để mang cái chữ đến cho các em học sinh tại các điểm trường đã không còn xa lạ. Bởi ai cũng đã từng trải qua. Như cô Long Thị Thu từng vượt đèo với những hốc đá lởm chởm trong mưa bão để đến với các em học sinh tại các điểm trường. Cô còn có tấm lòng nhân hậu, năm học nào cô cũng nhận đỡ đầu học sinh khó khăn. Vất vả là vậy nhưng trong quá trình công tác, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô luôn đổi mới, sáng tạo trong dạy học, ngoài những đồ dùng được Nhà nước, nhà trường trang cấp cô còn tự mày mò làm thêm những đồ dùng, đồ chơi để những giờ dạy học thêm sinh động, hấp dẫn trẻ. Trời mưa to trẻ không qua được suối để đến trường cô cùng các thầy cô đã làm mảng rồi mua những chiếc áo phao để đưa các em đến trường. |
Ngoài thời gian học tập trên lớp, học sinh còn tham khảo tài liệu học tập tại thư viện và tham gia chăm sóc rau để phục vụ cho bữa ăn bán trú. |
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đã có rất nhiều tấm gương giáo viên vượt qua khó khăn để bám lớp, bám trường, có cô giáo dù đang mắc bệnh hiểm nghèo song vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học được các cấp, các ngành ghi nhận. Những nỗ lực của các thầy, cô giáo thật đáng trân trọng, các thầy cô xứng đáng là những “đóa hoa thơm” tô thắm, vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” của tỉnh ngày càng phát triển. |
Gửi phản hồi
In bài viết