Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và sau này là Đề án 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang chính là điểm tựa, tạo cơ hội để phụ nữ tự tin phấn đấu, học tập, rèn luyện. Ngay từ thôn bản, sự đánh giá, nhìn nhận của cấp ủy, sự tin tưởng, động viên của Nhân Dân đã giúp nhiều nữ lãnh đạo, quản lý dám nghĩ, dám làm, đưa cái hay cái mới vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ vùng cao.
|
TỪ năm 2020, bản Mông Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) có nữ trưởng thôn Lò Thị Phương là người dân tộc Thái. Ngày đầu Phương lo mình là phụ nữ, lại còn là người Thái ở tỉnh khác về, liệu nói mọi người có nghe không?. May mắn là ở Làng Un, người Mông, người Dao, người Tày đều nghe, hiểu được tiếng phổ thông, thành ra việc nói để dân hiểu không còn là gánh nặng. Nhưng nói để dân nghe, dân theo lại là một câu chuyện khác. Về Làng Un làm dâu, tự nhận mình là người “thiểu số hơn cả thiểu số” ở làng, Phương luôn nhỏ nhẹ, dịu dàng và ân cần. Nên lời nói ra cùng một ý nghĩa, nhưng qua miệng nữ trưởng bản lại mềm mại, dễ chịu hơn. Thành ra, nhiều việc với đàn ông là khó thì với Phương lại thuận lợi. |
Trưởng thôn Lò Thị Phương luôn theo sát cuộc sống của người dân trong thôn. |
Phương kể, ở thôn có anh người Mông bình thường khéo ăn khéo nói, nhưng hễ uống rượu về là… lôi vợ ra đánh. Trưởng ban công tác Mặt trận, Công an viên là người Mông đến vận động, khuyên bảo kiểu gì cũng không được. Lò Thị Phương chờ lúc anh này tỉnh rượu, thủ thỉ khuyên, đàn ông Mông ở Làng Un thì phải biết chí thú làm ăn, chăm chỉ với nương chuối, nương ngô thôi, đánh vợ thì xấu lắm. Vợ mình đẻ cho mình đứa con đẹp thế, nấu cho mình bữa cơm ngon thế, giặt cho mình bộ quần áo sạch… mình phải thương vợ mình chứ. Đánh vợ thế mai vợ sợ, vợ bỏ đi thì lấy ai chăm con, chăm mình nữa. Anh chàng người Mông cứ đỏ mặt, rồi trắng mặt, gật gù. Từ đấy, không thấy đánh vợ nữa, rượu cũng giảm hẳn đi. Làng Un chỉ có khoảng 3 ha đất ruộng, còn lại là đất đồi. Nhiều năm nay, người Làng Un đã trồng được 20 ha cam, gần chục ha bưởi, chuối tây mỗi nhà vài ha. Nhưng khổ nỗi, đường vào Làng Un khó đi. Thành ra cây hợp với đất, ra quả sai trĩu cành, nhưng chẳng ai biết đến Làng Un mà mua hàng. |
Cam và bưởi trồng ở Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) sai trĩu cành. |
Nữ Trưởng thôn người Thái Lò Thị Phương mày mò dùng điện thoại thông minh lên mạng rao bán các loại quả thu hoạch được. Nhờ vậy, ruộng dưa chuột ngày nào cũng được thu tiền, thay vì trước đây phải chờ đến phiên chợ Kiến Thiết. Không chỉ bán quả cho nhà mình, Phương rao bán cho cả thôn. Lò Thị Phương cười: Giờ thì thương lái đã biết đến Làng Un có nhiều nông sản rồi. Đến mùa thu hoạch, người Mông Làng Un chỉ việc đăng ảnh cây cam cay bưởi của nhà mình, kèm theo số điện thoại là hôm sau, thương lái tự đánh xe tải về tận vườn thu hoạch. |
Những công việc thôn được Trưởng thôn Lò Thị Phương thông báo trên nhóm zalo. |
Trước khi dùng để bán hàng hoá, chiếc điện thoại đã được Trưởng thôn Lò Thị Phương dùng để lập nhóm zalo “Nhân dân Làng Un”. Nhóm gồm các thành viên là người trong bản. Trưởng bản thường xuyên cập nhật thông tin, quán triệt văn bản cấp trên hay đôn đốc các gia đình tham gia việc làng. Các thành viên nhờ đó nắm được mọi tình hình, sáng ra nhiều điều. Cũng chính nhờ nhóm zalo này, trưởng bản Phương phổ biến đến mọi nhà cách livetream bán dưa, bán cam, bưởi; cách liên hệ với khách hàng, cách chuyển khoản…
|
|
Thì ra, từ việc “mách nước” của trưởng bản, người Làng Un đã và đang trở thành những công dân số tự lúc nào mà không cần ai kêu gọi hay tập huấn dài dòng. Cả Làng Un đều phấn khởi. Ai cũng tín nhiệm nữ trưởng thôn Lò Thị Phương. Với người Làng Un, uy tín là thứ không phải ngày một ngày hai mà gây dựng được. Khi bà con đã tin ai, thì sẽ tin mãi như mặt trời mỗi sáng đều phải mọc lên từ hướng Đông vậy. |
CHUYỆN ứng dụng công nghệ số vào đời sống không chỉ có ở Làng Un, mà còn tạo ra những bước ngoặt trong đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khác của Tuyên Quang, giúp bà con dân tộc thiểu số trở thành những công dân số, đưa sản phẩm một nắng hai sương của mình thành hàng hoá, vượt luỹ tre làng. Chị Ma Thị Hồng ở huyện Lâm Bình chính là người như thế, khi biết tận dụng sức mạnh không biên giới của công nghệ, vươn cánh tay mềm của mình đến tận các bản làng, cùng với người dân dệt nên những câu chuyện đẹp. |
Các thành viên HTX Thổ cẩm Lâm Bình lưu giữ, phát triển và đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống thành hàng hóa. |
|
Hồng hiểu mỗi vùng đất ở huyện vùng cao này đều có một nhóm dân tộc đặc trưng và thế mạnh riêng về thổ cẩm. Chị về Thượng Lâm, kéo chị em cùng sở thích thành lập nhóm dệt thổ cẩm; về Phúc Yên, Phúc Sơn thành lập nhóm thêu; về Khuôn Hà dạy chị em dệt khăn; về Minh Quang đặt hàng may, thiết kế sản phẩm. Chị hướng dẫn chị em thay đổi chất liệu thêu, dệt để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng hoa văn, hoạ tiết của các dân tộc được khuyến khích giữ nguyên bản. Chị cung cấp nguyên liệu làm thổ cẩm, ai chưa có khung cửi chị tặng luôn khung cửi. |
Chị Ma Thị Hồng hướng dẫn chị Nguyễn Thị Thủy là mẹ đơn thân bị câm, điếc bẩm sinh dệt thổ cẩm. |
Chị Hồng kể, hồi bắt đầu làm, chị đặt hàng thêu của chị em người Dao đỏ ở Xuân Lập. Theo lịch, chị sẽ lấy hàng vào cuối tuần. Nhưng mấy ngày trời mưa, cộng thêm công việc ở Trung tâm bận bịu, chị chưa đến lấy được. Chị em Xuân Lập lo lắm, nghĩ bị lừa liền ôm sản phẩm mang lên Chủ tịch xã … kiện. Chị phải nhờ Chủ tịch phụ nữ xã ứng trước tiền cho chị em, rồi vào lấy hàng sau. Hiện Hợp tác xã đã phát triển được 27 cơ sở thành viên tại địa bàn các xã, sản xuất trang phục và các sản phẩm thổ cẩm của 12 dân tộc trên địa bàn huyện. Sản phẩm từ các nhóm cùng sở thích ngày một nhiều, Hồng dùng mạng xã hội mở các phiên livestream bán hàng. HTX sau đó đoạt giải nhì Chương trình Khởi nghiệp toàn quốc năm 2022 (Starup Kite 2022). Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội biết tiếng sản phẩm đã đặt hàng riêng để trang trí. Riêng Hồng cũng mở được 2 đại lý giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và Đà Nẵng. |
Cơ sở may trang phục truyền thống của chị Lục Thị Hiếu, thôn Bình Minh, xã Minh Quang (Lâm Bình). |
Nhờ mạng xã hội, HTX nhận được nhiều đơn hàng lên đến hàng trăm sản phẩm với dòng chữ thêu tay riêng. Khách lẻ ngày nào cũng có. Đơn hàng lớn cũng liên tục lựa chọn Thổ cẩm Lâm Bình để làm quà tặng khách quý hay theo chân lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài. 27 thành viên của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình, không có tháng nào nguồn thu nhập dưới 12 triệu đồng – một con số mà trước đây, họ chưa bao giờ nghĩ đến. Ma Thị Hồng bảo: Thành công này, nếu không có sự tiếp sức của Internet, của mạng xã hội, thì có lẽ phải mất gấp đôi gấp ba thời gian nữa mới tìm được chỗ đứng trên thị trường. Điều ý nghĩa hơn, Hợp tác xã Thổ cẩm của Hồng đã làm sống lại nghề trồng bông “vang bóng một thời” ở Lâm Bình. |
Các sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình. |
Chị Lục Thị Huế
Thôn Bình Minh, xã Minh Quang (Lâm Bình)
NÓI đến những “nữ tướng”, người ta hay nghĩ phải là những phụ nữ đứng tuổi, có thâm niên làm việc trong lĩnh vực mình phụ trách, nhưng thực tế ở Tuyên Quang lại có những 9X rất có nhiều kinh nghiệm cũng như giỏi trong việc vận động. Sinh năm 1990, Lý Thị Hà, dân tộc Dao Thanh Y ở thôn 16 xã Tân Long, huyện Yên Sơn được bầu làm Trưởng thôn năm chị vừa tròn 25 tuổi. Hà cũng là một trong những cán bộ thôn trẻ nhất ở Tuyên Quang cho đến thời điểm này. Trong cái lý của người Dao ngày trước, con gái không cần học nhiều, không cần làm to, chỉ cần biết làm vui cái bụng của người đàn ông, biết nuôi cho đứa con khỏe mạnh là được. |
|
Nhưng với mong muốn thay đổi suy nghĩ của đồng bào mình, thêm sự động viên của gia đình, Hà tự tin nhận trọng trách. Giữa năm 2022, Lý Thị Hà được đảng viên trong chi bộ nhất trí bầu làm Bí thư Chi bộ. Công việc mới, nhiệm vụ mới, Hà càng nỗ lực để hoàn thành. Thôn 16 là thôn xa nhất, khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhưng đã làm được gần 4 km đường bê tông, gồm cả đường trục chính và đường nhánh. Thời điểm làm đường năm 2022, việc vận động dân hiến đất vườn, đất rừng không khó, nhưng vận động dân hiến đất làm đường nội đồng thì nan giải vô cùng. Vì người dân cho rằng mất ruộng là mất hết, mất ruộng thì không có gì mà ăn. Hộ có 8 - 9 nhân khẩu cũng chỉ trông chờ vào 2 - 3 sào ruộng... Thế nên, chưa cần biết cán bộ thôn ra ruộng làm gì, đã bị người dân xua như xua tà. |
Bí thư chi bộ Lý Thị Hà thăm các mô hình kinh tế của bà con thôn 16, xã Tân Long (Yên Sơn). |
Đứng trước khó khăn này, thôn phải tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp, mỗi cuộc họp kéo dài vài tiếng đồng hồ, để tuyên truyền vận động nhóm 9 hộ gia đình ở Đèo Trâu đồng thuận. Bí thư Chi bộ Lý Thị Hà phải đứng ra cam kết, hộ nào hiến đất làm đường, khi có các chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ cây con giống sẽ được ưu tiên đầu tiên. Rồi phải “vẽ” tương lai cho bà con thấy, có đường mở rộng, sau này chuyện bán hạt thóc, hạt ngô cũng sẽ được giá hơn... Mưa dầm thấm đất, vận động mãi rồi cũng thành công. Cuối cùng 9 hộ dân sẵn sàng đồng thuận hiến hơn 100 mét vuông đất ruộng để làm đường. Câu chuyện sau này được Hà đem đi thi Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi cấp tỉnh, phần thi Kỹ năng xử lý tình huống. Chung cuộc, Lý Thị Hà được trao giải Nhất toàn hội thi.
|
Lý Thị Hà nhận giải Nhất tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh. |
Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cùng với Đề án 02, Đề án số 03-ĐA/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đã đặt mục tiêu trẻ hoá, thu hút nữ tham gia việc Đảng, việc thôn. Chính sự trẻ hóa này ở cơ sở đã mang lại sức sống mới cho chi bộ, nhất là ở chi bộ nông thôn.
|
TẠI xã Sơn Phú, thuộc huyện vùng cao Na Hang, tỷ lệ cán bộ nữ đang “áp đảo”, nhiều vị trí lãnh đạo đều là cán bộ nữ dân tộc thiểu số như Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch Hội Phụ nữ và Bí thư Đoàn xã. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Phú Ma Thị Lạc chia sẻ, nếu những cán bộ MTTQ cao tuổi có uy tín, sự dạn dày kinh nghiệm, thì cán bộ trẻ có sự năng động và dám nghĩ dám làm. Trước khi được bầu là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã vào tháng 4-2024, Ma Thị Lạc đã có 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân. Khi ấy chị mới 29 tuổi. Trẻ tuổi, bố mẹ cũng là nông dân, Ma Thị Lạc tâm niệm: Không đến với nông dân bằng những thứ quá cao xa, mà đem đến nông dân những thứ họ thực sự cần. Thế nên Ma Thị Lạc đã thành công trong các dự án Vay bò trả bê do Hội Nông dân triển khai. Từ 39 con đầu dự án, đến khi kết thúc đã tăng lên 72 con. Năm 2020, Ma Thị Lạc kết nối tổ chức Phi chính phủ Tầm nhìn nhận 20 con bò cái tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo. Đến giờ, đàn bò đã có 33 con. Ma Thị Lạc chỉ là 1 trong hơn 600 cán bộ nữ tham gia cấp uỷ cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Trên thực tế, nhiều chị em được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khi mới ngoài 30, như: Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hoà Phú (Chiêm Hoá) Lý Thị Hậu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Hoà Phú (Chiêm Hoá), Hoàng Ngọc Ánh hay chị Quan Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Đại Phú (Sơn Dương)… |
Sơn Phú là xã có tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy chiếm ưu thế. |
Họ đã chứng minh rằng tuổi tác chỉ là con số. Và giới tính không làm họ kém cỏi hơn những cán bộ lãnh đạo khác là nam giới. Sự nhẫn nại mà can đảm, sự mềm mỏng mà vô cùng cương quyết của các chị đã làm nên sức mạnh mềm, tạo nên uy tín tốt giúp các chị gánh vác việc Đảng, việc Dân.
Đồng chí Bàn Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên cho biết: Đến tháng 7 - 2024, tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chiếm trên 37%. Trong đó, cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành là 57 đồng chí, tham gia Ban Thường vụ là 10 đồng chí, là Bí thư, Phó bí thư là 10 đồng chí. Theo đồng chí Bàn Xuân Thủy, đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đến thời điểm này cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều đồng chí phát huy thế mạnh, hoàn thành nhiều phần việc khó ở địa phương, nhất là công tác vận động bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân phát triển kinh tế... Chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp, Ban Tổ chức các huyện, thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy ban hành văn bản để các xã tiếp tục rà soát, bổ sung cán bộ chủ chốt trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Đề án số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo đúng cơ cấu, độ tuổi, giới tính và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng. |
Trận lụt lịch sử do bão Yagi khiến cả quả đồi ở Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) nứt rộng như miệng con hổ đói. Người dân trong bản vẫn im lìm, ai ở nhà nấy. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Phú Ma Thị Lạc – cũng là người ở Bản Lằn – báo cáo sự việc với Đảng ủy, rồi cùng anh em cán bộ đi vận động từng nhà di chuyển lên tránh trú tạm ở nhà văn hóa. “Không đi đâu. Không sao đâu. Cả đời mình ở đây mãi, có thấy đất lở bao giờ đâu...” Lạc với gia đình gương mẫu chuyển nhà lên sân nhà văn hóa, căng bạt dựng chiếc lều tạm ở trước. Mưa lũ ngày càng nhiều. Thảm họa Làng Nủ như một tiếng chuông đánh vào tuyến phòng thủ yếu ớt của mọi người. 13 nhà, rồi 23 nhà trong diện ảnh hưởng – không cần thêm một lời vận động – di chuyển lên ở nhà văn hóa. Cuộc sống sơ tán khiến ai nấy đều mong mỏi nhanh chóng được di chuyển đến nơi ở mới. Đến nỗi, khi chính quyền đang tìm kiếm địa điểm bố trí tái định cư, dân đã lên mạng xã hội kêu cứu. Ma Thị Lạc ngày lên xã làm việc, đêm về lại rủ rỉ chia sẻ với bà con: Khó khăn bố trí tái định cư là khó khăn chung của cả tỉnh, của nhiều tỉnh, chứ không riêng gì Sơn Phú, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, trong khi số hộ cần tái định cư lại đông. Bà con cần bình tĩnh hơn. |
Quả đồi khu vực Bản Lằn, xã Sơn Phú nứt vỡ gây mất an toàn cho người dân trong khu vực và điểm sơ tán của 33 hộ dân thôn Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) tại Nhà văn hóa thôn. |
Rồi Lạc cho bà con biết khu vực xã sẽ bố trí tái định cư cho người dân. Mọi việc của Dân đều có Đảng, Nhà nước lo rồi. Bà con cứ đưa lên mạng xã hội, có khi không được giúp đỡ, lại bị người khác lợi dụng thì vừa thiệt cho mình, vừa ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người miền núi quê mình chứ. Nghe lời rủ rỉ của cán bộ Lạc, bà con xóa bài đăng kêu cứu. Ông Nông Xuân Tịnh cùng bản bảo: Cái bụng dân mình nó hẹp, lúc khổ chỉ nghĩ lên mạng kêu để nhiều người động viên, an ủi mình thôi, chứ không nghĩ hậu quả xấu. Giờ được cán bộ giải thích, bà con hiểu rồi. Chỉ chờ nhanh được bố trí đất ở, cho bà con yên tâm sản xuất, sinh sống thôi... Cứ thế, sự dịu dàng, gương mẫu và dám nghĩ dám làm vì dân của những nữ tướng ở vùng cao Tuyên Quang đã làm được những việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Chính các chị đã và đang có mặt cùng dân trong mọi việc, cùng cả hệ thống chính trị ở cơ sở đảm nhận tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với Nhân Dân. Nỗ lực vượt qua các rào cản, luôn nghĩ mới, đi đầu, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân; các cán bộ nữ lãnh đạo quản lý ở cơ sở đã và đang tự chiến thắng chính mình để làm việc bằng thứ quyền lực mềm riêng có. Nhờ vậy, họ hoàn thành tốt vai trò làm điểm tựa để lòng dân tin Đảng, để mối quan hệ giữa Đảng với Nhân Dân luôn là máu thịt. |
Gửi phản hồi
In bài viết