Có không ít tình huống khiến cán bộ lãnh đạo, quản lý là nam giới gặp lúng túng trong giải quyết công việc thì lãnh đạo, quản lý là nữ giới lại có sự nhạy bén, mềm dẻo và linh hoạt. Họ có khả năng lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc cuộc sống, từ tâm tư của đồng nghiệp, cấp dưới và người dân để đưa ra giải pháp một cách hiệu quả. Những kỹ năng và phẩm chất này giúp các chị hoá giải nhiều việc khó và tạo dựng những giá trị tích cực, làm cầu nối gắn bó máu thịt Dân với Đảng. Đó cũng chính là cách Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang hoá giải những rào cản trong công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng từ nhiều nhiệm kỳ qua và chuẩn bị tốt cho nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp sắp tới.
|
Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tuyên Quang, vai trò vị thế của nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng được khẳng định và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Đó là nhờ cán bộ đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn nêu gương trong từng việc, tạo ra sự đoàn kết thống nhất cao, lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Trong đó, các nữ lãnh đạo có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi sự mềm dẻo mà cương quyết, tận tụy mà gần gũi với Nhân dân. Người miền núi luôn bảo nhau phải giữ nước đầu nguồn luôn trong thì cuối nguồn mới có nước sạch để dùng. Cũng như vậy, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thì bà con mới tin và làm theo.
|
Bí thư chi bộ Giàng Thị Chía năm nay đã hơn 70 tuổi. |
Bà Giàng Thị Chía đã có hơn 17 năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn người Mông Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Dù nay đã ngoài 70 tuổi, cái lưng đã mỏi, cái chân không còn thoăn thoắt trèo đèo lội suối như mấy năm trước, nhưng bà vẫn nhiệt huyết với việc chi bộ, việc thôn.
|
Người Mông thôn Ngòi Khù và có lẽ cả xã Đạo Viện đều biết chuyện bà Chía đi xác minh lý lịch đảng viên tận huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ngồi xe máy đến 8 tiếng liền, khi tới nơi còn gặp chuyện không thuận lợi, bà vẫn kiên trì không nản. Đợt ấy, bà phải bán chỉ vàng lấy hơn 1 triệu đồng để có kinh phí, cốt để chi bộ thêm người, thêm mạnh.
Ngày vận động người dân làm công trình vệ sinh, bể nước sạch, gia đình bà tiên phong làm trước, bà con thấy “chắc ăn” thì làm theo. Với uy tín của mình, bà từng được cán bộ huyện mời tham gia đoàn vận động bà con người Mông ở xã Hùng Lợi từng theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhờ hiểu người Mông và tài vận động của mình, người Mông ở Hùng Lợi đã tháo dỡ nhà đòn, nghe theo Đảng, tích cực đi bầu cử và không làm mất an ninh trật tự ở địa phương.
|
Bà Giàng Thị Chía được người dân trong thôn tôn vinh là người có uy tín . |
Nay tuổi cao, muốn tìm người kế cận mình, nhưng bà Chía vẫn thận trọng: “Có người được lòng dân nhưng lại chưa vừa ý Đảng, nên phải tìm kỹ”. Bà cũng thường xuyên nói với thanh niên trong thôn rằng, đã làm gì thì cũng phải là tấm gương tốt cho bà con và phải tin tưởng vào người lãnh đạo thôn để phát triển kinh tế.
|
Toàn cảnh thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn. |
Chỉ cách xã Hùng Lợi khoảng hơn chục cây số, chị Lý Thị Thu Hằng, sinh năm 1982, người dân tộc Dao Ô Gang đã qua các lĩnh vực và chức vụ công tác như: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Thường trực và hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Minh. Ở cương vị nào, chị cũng tâm niệm và đặt ra phương châm cho bản thân là học theo gương Bác làm tấm gương cho mọi người noi theo và phải làm những gì có lợi cho dân.
|
Chủ tịch UBND xã Lý Thị Thu Hằng thường xuyên xuống thôn với bà con nên được tin tưởng, quý mến. |
Trung Minh là xã vùng sâu thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, chủ yếu là đồng bào Mông, trong đó có hai nhóm chính là Mông Trắng và Mông Hoa. Là người Dao, lãnh đạo một thôn chủ yếu người Mông, chị Hằng không khỏi lo lắng, nghĩ nát óc làm thế nào cho bà con tin.
|
Hằng nhớ người Mông ở thôn Khuổi Bốc trước đây sống cục bộ, không giao lưu, không quan hệ với người người ngoài, không tham gia các cuộc họp của xã, bị một số tà đạo xâm nhập lôi kéo. Người Mông thôn Vàng On không chịu canh tác, sản xuất mà hay phá rừng, đốt nương gây cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, ruộng bị bỏ hoang. Chị chỉ đạo thành lập tổ tuyên truyền nòng cốt là thành viên các tổ chức đoàn thể thường xuyên xuống thôn để nói chuyện, tạo sự gần gũi với nhân dân. Hằng bảo, là nữ nhưng đôi khi cũng phải phải ngồi ở thôn mà uống rượu để hòa mình vào với cuộc sống của bà con người Mông.
|
Hoàng Thị Sỹ, thôn Vàng On
(Chủ tịch UBND xã Lý Thị Thu Hằng thường xuyên sâu sát đời sống người dân, vận động và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế)
Bên cạnh ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cải thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện sinh hoạt, chị còn ấp ủ thành lập các Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Dao. Đến nay, sau hơn 1 năm làm Chủ tịch UBND xã, các câu lạc bộ đã được hình thành ở các thôn với các hoạt động khôi phục văn hóa truyền thống như truyền dạy các điệu múa, hát giao duyên, viết chữ, thêu thùa… nhằm hướng người dân đến điều thiện, tăng cường giao lưu gắn bó giữa các dân tộc, để các tà đạo, luận điệu xấu không có cơ hội xâm nhập vào cuộc sống. Nhờ đó mà người dân đã từ bỏ được những thói cũ lạc hậu, hòa nhập hơn. Đặc biệt, đồng bào Mông thôn Khuổi Bốc đã cởi mở hơn, giao lưu với các dân tộc khác. Người dân không còn phá rừng, cây rau màu vụ đông được trồng nhiều hơn.
|
Thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. |
Chu Thị Thanh Nga
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương
(Nỗ lực tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhân dân trong thôn xóa nhà tạm, nhà dột nát)
|
Tiên phong liên doanh trồng rừng, “mẻ” đầu tiên gia đình Nga lãi hơn 60 triệu đồng, khiến bà con trong thôn cùng nhận rừng trồng. Gia đình Nga còn chăn nuôi hàng chục con trâu, con dê, hàng trăm con bồ câu, xây nhà khang trang. Thấy Nga nói được, vận động được và hơn hết, nhìn cơ ngơi của trưởng thôn, bà con trong thôn luôn tin tưởng và nỗ lực phát triển kinh tế theo nữ Bí thư chi bộ, trưởng thôn trẻ trung, năng động. Có lẽ chuyện thời sự nhất là việc Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Phú Ma Thị Lạc đã tuyên truyền vận động để yên dân khi phải đối phó với nguy cơ sạt lở đất sau cơn bão số 3. Sau bài học “Làng Nủ”, đứng trước những lo lắng, Lạc cũng thể hiện được sự điềm tĩnh, bản lĩnh để có những cách giải quyết giúp cấp ủy, chính quyền hành động hiệu quả hơn. Việc nêu gương của các nữ cán bộ, lãnh đạo ở cơ sở có nhiều ưu điểm và khác biệt hơn so với nam giới. Thiên bẩm của phụ nữ là đức kiên nhẫn, bền bỉ và khả năng chịu đựng và vượt qua khó khăn. Có thể thấy những việc làm, sự nêu gương từ phái yếu sẽ tạo ra nguồn cảm hứng mạnh mẽ và dễ trở thành hình mẫu hơn cho cộng đồng so với nam giới. Người miền núi luôn bảo nhau giữ nước đầu nguồn phải trong thì cuối nguồn mới sạch. Cũng như vậy cán bộ cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thì bà con mới tin và làm theo. |
Điểm đầu của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tiếp giáp với nút giao Nhữ Khê trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. |
Việc khó nhất tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên quý 4 năm 2023 là gấp rút giải phóng mặt bằng để thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Cao tốc qua địa bàn xã hơn 5 km với 16 hộ thuộc diện phải di dời. Trong đó có 16 ngôi mộ, nhiều ngôi mới được chôn cất.
|
Lãnh đạo huyện Hàm Yên thăm hỏi, động viên các gia đình phải di chuyển mồ mả. |
Biết phong tục người Cao Lan thường đào sâu chôn chặt, không di chuyển mộ bao giờ, hai "nữ tướng" Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã không dùng cách vận động “cứng”, phải vừa tỉ tê giải thích cái được của đường cao tốc, vừa nhờ đội ngũ người có uy tín tại các thôn nói giúp. Nhờ kiên trì, kiên quyết, nên việc giải phóng mặt bằng của xã đã hoàn thành đúng tiến độ dự án.
|
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Tám thường xuyên gặp gỡ vận động người có uy tín trong thôn và gia đình trong diện phải giải tỏa mặt bằng, di dời mồ mả thực hiện chủ trương làm cao tốc. |
Việc Thành Long hoàn thành tiến độ của hai dự án có công rất lớn của hai "nữ tướng" là Bí thư và Chủ tịch xã. Chị Tám chia sẻ: “Mình phải hiểu bà con, phải đặt mình vào địa vị của bà con, hiểu sâu xa phong tục tập quán, đặc thù và lối sống của bà con thì mới tạo được niềm tin với bà con”.
|
Việc khó của xã Yên Phú, huyện Hàm Yên năm 2021 là vừa lo chống dịch Covid 19, vừa lo phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý tà đạo Dương Văn Mình. Đúng lúc nước sôi lửa bỏng, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Thị Thu Hiền lại bị Covid. Phải cách ly mà đầu Hiền như lửa đốt, vừa xoay xở với covid, vừa chỉ đạo từ xa các nhiệm vụ cách ly, truy vết… Khi hết thời hạn cách ly, chị lập tức lên phân công đồng chí Chủ tịch UBND xã phụ trách công tác phòng chống Covid, còn mình lao vào việc khó. Yên Phú là địa bàn rộng, trong đó xóm Gò Đá, thôn Thống Nhất có 30 hộ Mông. Người Mông ở đây không tin Đảng, nhà nước mà tin vào tương lai mù mịt do tà đạo Dương Văn Mình vẽ ra. Có những câu chuyện giờ nghĩ lại, chị thấy rùng mình và sở gai ốc. Đó là có thời điểm mà đồng bào Mông ở Gò Đá nghe theo Dương Văn Mình làm nhà đòn, lưu truyền các biểu tượng kỳ quái, không thờ tổ tiên, cho rằng ốm không cần chữa bệnh, chỉ cần cầu nguyện là khỏi, không làm mà vẫn có ăn, chỉ cần có đức tin vào Dương Văn Mình là cuộc đời tươi sáng… Để hóa giải việc này, chị phải bắt đầu với những câu chuyện đời thường như hỏi han gia đình, chăm sóc sức khỏe, thậm chí cùng lao động để gần gũi hơn với đồng bào. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền các chủ trương và các chính sách hỗ trợ bà con làm kinh tế. Tuy nhiên không phải lần nào cũng thành công, có những trường hợp người dân nhất quyết không nhận chính sách hỗ trợ vì họ chưa tin và cho rằng lấy thì sẽ phải nghe theo. Chị áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thua keo này, bày keo khác, kiên trì và phải “đúng bài”, lúc cương, lúc nhu, đôi khi phải đấu tranh tay đôi và trực diện. |
Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú Đỗ Thị Thu Hiền như người bạn của nhân dân xóm Gò Đá. |
Đợt bão số 3 vừa qua, nhiều khu vực của Yên Phú bị cô lập bởi nước lũ. Có những nơi nếu để dân tự do đi lại sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Bí thư Hiền táo bạo đi tắt, “vượt rào” chỉ đạo các lực lượng trong xã cắm biển báo, căng dây cấm người dân đi qua các tràn và đường ngập nguy hiểm trước khi có chỉ đạo của cấp trên. Chị bảo “Lúc đó tình hình cấp bách, mình chỉ nghĩ được là quan trọng nhất là tính mạng của người dân. Khi mọi việc an toàn sẽ báo cáo cấp trên sau”. Khi lũ ngập sâu, Hiền chỉ đạo huy động ngay nhu yếu phẩm, tiền mặt theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời hỗ trợ cho những hộ dân bị cô lập. Có lúc kinh phí chi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng cơn bão chưa kịp về địa phương, chị dùng luôn tiền cá nhân để chi trước cho dân. |
Trụ sở xã Hồng Sơn (Sơn Dương). |
Theo Nghị quyết số 1106/NQ-UBTBQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, thành lập xã Hồng Sơn, huyện Sơn Dương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn từ ngày 1-9-2024. Sau khi sáp nhập, xã Hồng Sơn có diện tích tự nhiên là 19,35 km2; có 2.274 hộ với hơn 9.700 khẩu. So với các xã lân cận, quy mô về diện tích và dân số cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh trước đây là Chủ tịch UBND xã Vân Sơn. Được cấp trên tín nhiệm điều động về làm Chủ tịch UBND xã mới, chị cũng chỉ biết trước đó khoảng 10 ngày. Ban đầu chị cũng hơi băn khoăn và bối rối vì nghĩ vị trí này phải là nam giới mới đảm đương công việc đầy rẫy những khó khăn. |
|
Sau 5 ngày chị nhận quyết định làm Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, chị vừa tổ chức họp được các bộ phận để chuẩn bị triển khai công việc thì lụt bão ập đến. Chị Hạnh bồi hồi nhớ lại, ngay đêm nghe tin tuyến đê xã Quyết Thắng phía trên bị vỡ, chị đã nghĩ ngay đến việc xã mình phải giữ đê và huy động hơn 1.000 người ngay trong đêm đắp các con trạch chắn nước và gia cố đê. Nhờ đó mà cả thôn thoát nạn. Chị cười: “Mấy hôm đầu chân ướt chân ráo, chưa quen hết nhau, ấy vậy mà nhờ bão lụt được “ăn nằm” với nhau thành ra như gắn bó lâu lắm rồi”. Đó là việc khó đầu tiên mà nữ Chủ tịch xã đến nhận nhiệm vụ tại địa bàn mới.
|
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, huyện Sơn Dương kiểm tra tuyến đê, thăm mô hình nuôi chim bồ câu và vận động nhân dân trồng ngô vụ đông. |
Từ trước khi nghe tin sáp nhập, bà con trong xã, nhất là xã Vân Sơn không khỏi tâm tư. Liệu các chế độ chính sách có được như cũ, liệu có theo kịp cuộc sống với xã mới, các thủ tục liên quan đến đời sống, rồi xa trung tâm xã?… Chị đã nghiên cứu về những thuận lợi, khó khăn, điểm thuận lợi, hạn chế của cơ sở, thông tin trước với các cán bộ hai bên để định hướng kế hoạch, quy chế làm việc… Đặc biệt là chị chỉ đạo thành lập ngay bộ phận tiếp dân để giải quyết ngay những vấn đề cấp thiết; chỉ đạo các cán bộ tích cực tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích khi sáp nhập, chia sẻ những hình ảnh thực tế, sau khi sáp nhập sẽ phấn đấu trở thành xã nông thôn mới và đang trên đà trở thành đô thị loại V. Đến nay, tình hình tư tưởng bà con nhân dân trong xã đã ổn định để tiếp tục lao động sản xuất phát triển kinh tế. Việc sáp nhập xã Hồng Sơn đã khẳng định, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành còn có vai trò quan trọng của nữ Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hạnh. Một vai mềm của người đứng đầu UBND xã mới đã “gánh” cả hai xã cũ, chưa kể vẫn “gánh” việc nhà theo thiên chức trong gia đình. Trong bộn bề việc khó, việc cán bộ gần dân, hiểu dân, kiên trì, mềm mỏng đã trở thành động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Những nữ lãnh đạo như Chủ tịch Tám, Bí thư Hiền hay Chủ tịch Hạnh đã giải quyết được những công việc khó mà sẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng nữ sẽ khó thực hiện. Nhưng thực tế, nhờ kỹ năng giao tiếp mềm mại, khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác, đặc biệt là sự đồng cảm, họ nhìn nhận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ công việc đến cảm xúc. Chính vì vậy mà các nữ lãnh đạo thường đưa ra các giải pháp toàn diện hơn khi phải đối mặt với xung đột. |
NHỜ kiên nhẫn trong giải quyết các vấn đề phức tạp, dễ dàng tiếp cận và thuyết phục người khác. Đây là những yếu tố rất quan trọng trong công tác dân vận. Điều này càng đúng với phong cách mềm mại của Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa) Phan Thị Nguyệt.
|
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa Phan Thị Nguyệt luôn quan tâm đến cuộc sống người dân, đặc biệt là sau cơn bão số 3 vừa qua. |
Việc phát triển đảng viên mới là một trong những thách thức đối với các tổ chức cơ sở đảng vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa. Kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 30 đảng viên mới trở lên. Nhưng nguồn kết nạp ít, phần lớn thanh niên địa phương đều đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, có không ít quần chúng nhận thức về Đảng còn hạn chế, chưa mặn mà với tổ chức Đảng.
Đảng viên xã Linh Phú tích cực tuyên truyền chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phan Thị Nguyệt chia sẻ, để khắc phục những khó khăn này, Đảng ủy xã đã lãnh đạo tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân để có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên, nữ và người dân tộc thiểu số. Đảng bộ lãnh đạo các chi bộ đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên vào chương trình trọng tâm hàng năm, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt. Đảng ủy, các chi bộ thôn phân công cấp ủy và đảng viên sâu sát cơ sở, địa bàn, nắm bắt từng trường hợp, gặp gỡ, động viên, trao đổi để quần chúng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân khi được vào Đảng. Việc tuyên truyền vận động được thấm sâu vào từng đối tượng, mỗi quần chúng ưu tú được kết nạp là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Hàng tháng Đảng ủy xã họp và kiểm lại trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách lãnh đạo công tác phát triển đảng. Nhờ đó đến nay Đảng bộ xã đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên cả nhiệm kỳ. Trong đó riêng hết tháng 9-2024 đã kết nạp 9/7 đảng viên.
|
Sau những nỗ lực vận động, người dân trong thôn đã xây được ngôi nhà sàn kiên cố. |
Nếu như xã Linh Phú gặp khó khăn trong phát triển đảng viên thì ở thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, việc xóa nhà tạm, vận động nhân dân làm nhà mới kiên cố cũng rất gian nan. Những căn nhà sàn lụp xụp tồn tại hàng chục năm ở thôn khiến cho nữ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Chu Thị Thanh Nga phải suy nghĩ rất nhiều. Khi có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, chị nghĩ ngay đến phải thay đổi diện mạo cho thôn.
Tuy nhiên, việc vận động các hộ dân rất vất vả, có lúc tưởng như không thể giải quyết. Lý do là các hộ lo không có tiền đối ứng, có nhiều hộ lấy cớ không được tuổi để “né” làm nhà. Chị phải phân tích cho người dân hiểu rằng cơ chế chính sách của Nhà nước không đợi được, nếu không tranh thủ sẽ tuột mất thời cơ.
Các gia đình không làm nhà to thì làm nhà nhỏ vừa phải để ở, không được tuổi thì mượn tuổi anh em họ hàng, khó khăn quá thì vay mượn để làm trước rồi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp tiết kiệm trả nợ dần. Mưa dầm thấm lâu, người dân cũng nghe theo. Kế hoạch giao cho thôn làm 9 ngôi nhà trong năm 2024, đến hết tháng 9 đã hoàn thành.
Giờ đây, người dân Ngòi Trườn nhìn những ngôi nhà của hộ nghèo mới dựng đều nghĩ ngay đến Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nga. Không có cô ấy, không bao giờ họ đủ quyết tâm có nhà.
GỠ rối việc chung, các nữ lãnh đạo ở cơ sở còn giỏi gỡ rối việc tranh chấp giữa các gia đình. Chị Chu Thị Vui, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương đã phải nhiều lần làm việc này. Thôn có 2 nhà cãi nhau vì chuyện be bờ thửa ruộng sát sạt. “Hòn bấc ném đi, hòn chì quăng lại”, họ quyết định livestream cho người dùng mạng xã hội phân xử. Người trên mạng chưa cần biết đầu cua tai nheo, mỗi lần chạm tay vào màn hình điện thoại, lại “ném” vào một câu bình luận, người trong cuộc càng hăng say với lý lẽ của mình. Thế là đang từ cuộc cãi vã nội bộ, trở thành cuộc cãi cọ online. Chị Vui kéo cả hai nhà vào Nhà văn hóa thôn, phân tích, giảng giải hơn thiệt. Té ra cái thiệt lại nhiều, hai nhà nọ lẳng lặng xóa video vừa hung hăng livestream, bắt tay nhau, ai về nhà nấy. |
Chu Thị Vui
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cả, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương
(Việc lập nhóm zalo để heo dõi, tuyên truyền vận động nhân dân)
Lại có nhà thả dê làm hỏng hết cây keo vừa mới trồng của người hàng xóm. Nhắc nhở nhiều lần, nhưng vẫn tái diễn. Mạng xã hội lại bùng nổ một cuộc cãi cọ online. Chị Vui lại đứng ra chủ trì, tổ chức mấy cuộc hoà giải mà chưa bên nào chịu. Với sự mềm mỏng, nhẹ nhàng vốn có, Bí thư Vui trao đổi, phân tích những cái được, cái sai của mỗi bên. Ngoài ra còn phải nhờ đến người uy tín trong dòng họ để tham gia hòa giải. Cuối cùng, nhà nuôi dê mua cây, bỏ ngày công trồng lại cây cho nhà bị thiệt hại, trước sự giám sát của nhà mất cây. Cả 2 nhất trí cam kết, từ giờ không phải việc gì cũng đưa lên mạng xã hội, vừa ồn ào làm trò cười cho thiên hạ, vừa khiến tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng. Từ cuối năm 2023 đến nay thôn Cả của chị Vui đã có 4 vụ xích mích được giải quyết, vụ nào cũng bắt đầu từ ùm xèo khắp cõi mạng và kết thúc trong tình đoàn kết. |
Nguyễn Ngọc Sản (Vai trò và hiệu quả hoạt động của các nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn trong lãnh đạo nhân dân) |
Gỡ những rắc rối có thể nhìn thấy bằng mắt thường đã khó, gỡ rối trong tư tưởng, suy nghĩ còn khó hơn vạn lần. Thời gian qua, Đảng ta quyết liệt với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thông tin kỷ luật nhiều lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở được công khai khiến người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu biết, có những bình luận mang tính quy chụp, có tính chia rẽ, gây mất lòng tin trong nhân dân. Trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chu Thị Vui lấy ví dụ về những trường hợp bị xử phạt vì chia sẻ, bình luận, đưa thông tin thất thiệt, từ đó hướng dẫn người dân cách tiếp cận những thông tin đúng từ các trang chính thống. Chị Vui phân tích, thôn Cả nói riêng, xã Minh Thanh nói chung là mảnh đất khởi nguồn cách mạng, có cuộc khởi nghĩa Thanh La giành được chính quyền từ ngày 10/3/1945, sớm nhất cả nước. Đây cũng là nơi nhiều cơ quan, bộ ngành Trung ương từng đặt trụ sở làm việc. Người thôn Cả hơn ai hết, phải tỉnh táo và có niềm tin vào Đảng, Chính phủ, đừng vì thiếu hiểu biết mà phải trả giá đắt. |
Không chỉ mềm mỏng, các nữ lãnh đạo ở cơ sở đều có bản lĩnh dám làm và dám đương đầu với rủi ro. Khi phải đương đầu với cái “nóng” ở xóm Gò Đá, thôn Thống Nhất, có lúc nội bất xuất ngoại bất nhập, người thôn không tiếp cán bộ. Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phú Đỗ Thị Thu Hiền lúc ấy là nhân viên khuyến nông một mình lân la đến từng hộ, vừa hướng dẫn bà con cách chăm sóc đàn trâu, vừa nắm tình hình hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Lãnh đạo xã ở bên ngoài lo Hiền gặp bất trắc, phải đề nghị cấp trên cho người giả làm người bán kem vào “giải cứu”, đưa Hiền ra ngoài.
|
Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phú Đỗ Thị Thu Hiền thăm vườn cây ăn quả của người dân xóm Gò Đá. |
Đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung dự Hội thảo Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Bắc (ảnh 1). Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và các đại biểu tại Hội nghị ký giao ước thi đua cụm các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc Tuyên Quang tháng 4/2021 (ảnh 2,3). |
THEO đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ma Thế Hồng, Tuyên Quang đã triển khai gắn kết và liên thông giữa quy hoạch của tỉnh và quy hoạch cấp huyện, quy hoạch các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động tạo nguồn cán bộ từ xa để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Kiên quyết không phê duyệt quy hoạch cán bộ đối với các huyện ủy, thành ủy quy hoạch cán bộ chưa bảo đảm tỷ lệ về cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và những nơi đưa cán bộ nữ vào quy hoạch chỉ là hình thức, không có tính khả thi. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát hiện những nhân tố mới có triển vọng bổ sung vào quy hoạch, đồng thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không có khả năng phát triển. Chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp, Ban Tổ chức các huyện ủy, thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy ban hành văn bản để các xã tiếp tục rà soát, bổ sung cán bộ chủ chốt trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Đề án số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo đúng cơ cấu, độ tuổi, giới tính và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng. |
|
Bằng sức mạnh mềm của mình, các nữ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở của Tuyên Quang đã nỗ lực hoá giải những việc khó từ cơ sở, góp phần đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Họ không chỉ mang lại những giải pháp sáng tạo trong quản lý và điều hành, mà còn thể hiện khả năng lãnh đạo và kết nối cộng đồng.
Sự nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu của người dân, cùng với tinh thần trách nhiệm cao, đã giúp các “nữ tướng” triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng. Họ chính là minh chứng sinh động về công tác cán bộ nữ của Tuyên Quang, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
|
Có thể nói, nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ của những thử thách chưa từng có tiền lệ như dịch Covid 19, bão Yagi và hàng loạt cán bộ, đảng viên giữ trọng trách bị kỷ luật… khiến lòng dân không ít lúc ngả nghiêng. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức; chính trong những thử thách ấy, những cán bộ nữ ở cơ sở đã vượt qua các rào cản, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trui rèn bản lĩnh và ý chí, trở thành những điểm tựa cho lòng dân thêm vững tin vào Đảng, vào các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin vào tương lai tương sáng của quê hương. Những điểm tựa lòng dân ấy là minh chứng cho hiệu quả công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng cho công tác nhân sự của Đảng - nhất là khi đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 đang đến gần. |
Gửi phản hồi
In bài viết