Bài 1: Tiếp xúc cử tri trên diện rộng, có chiều sâu
Bài 2: Giải quyết dứt điểm, thấu đáo kiến nghị của cử tri
Trong quá trình tiếp xúc cử tri, có nhiều kiến nghị của cử tri về một nội dung, một vấn đề cần phải được giải quyết một cách toàn diện. Xuất phát từ đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết đi vào lòng Dân, được cử tri và Nhân dân đón nhận, đồng thuận cao.
Nghị quyết số 55/NQ-HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 là một chủ trương đi vào lòng dân, từng bước gỡ “nút thắt” cho giao thông nông thôn, tạo liên kết vùng, tác động tích cực các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà con nhân dân thôn Trung Thành xã Thành Long (Hàm Yên) trong niềm vui có cây cầu mới.
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được, kinh phí thuê máy trộn bê tông và kinh phí cho công tác quản lý; Nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công. Đến nay đã có hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất ở, đất nông nghiệp để thi công xây dựng trên 700km đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng, xây dựng mới 116 cầu trên đường giao thông nông thôn theo Đề án.
Những cây cầu từ Nghị quyết 55 HĐND tỉnh.
Cây cầu Ô Rô, bắc qua con suối Ô Rô, thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Văn Khuynh, người hiến 740 m2 đất xây cầu, phấn khởi bảo: "Bao năm nay, người dân mong có cây cầu qua suối, giờ đã thành hiện thực rồi. Tôi cũng thấy vui vì đã góp sức làm cầu. Từ nay, tôi và người dân không phải lội suối nữa, mỗi khi mưa gió to không nơm nớp lo sợ khi người nhà còn ở bên kia suối chưa về. Cảm ơn tỉnh lắm vì đã nghe lòng dân".
Chính vì sự thiết yếu của cây cầu, 3 hộ dân trong thôn đã không tiếc đất đai, sẵn sàng hiến 1.500 m2 đất, tạo điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành cây cầu.
Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 55 HĐND tỉnh.
Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là sự kế thừa, tích hợp từ nhiều nghị quyết được ban hành trước đây, đồng thời phát huy kết quả, tháo gỡ được những bất cập trong thực tiễn, hỗ trợ người dân hiệu quả, thiết thực hơn, tạo ra một luồng gió mới, tạo đà mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn của Tuyên Quang bứt phá. Việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết này được nhân dân đồng thuận cao đã cho thấy, trong quá trình thực hiện trách nhiệm cơ quan dân cử ở địa phương, HĐND tỉnh không ngừng hoàn thiện các chính sách, nghị quyết theo phương châm “Việc gì có lợi cho Nhân dân thì hết sức làm”.
Khách du lịch tìm hiểu sản phẩm OCOP của huyện Na Hang.
Nắm bắt cơ hội từ Nghị quyết 03, ông Hà Hữu Mao, thôn Ngõa, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) đã được hỗ trợ lãi suất vay 100 triệu đồng để mua 3 con trâu sinh sản. Có vốn, ông vận động người thân trong gia đình xây dựng chuồng trại, tận dụng diện tích đất đồi tập trung trồng cỏ voi để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn hàng ngày, đồng thời bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh bột để bổ trợ cho đàn trâu. Do được chăm sóc tốt, trâu mẹ đã sinh sản được thêm 3 nghé con, nâng tổng đàn lên 6 con. Nhờ chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình gia đình ông Mao đã thoát nghèo.
Nghị quyết đã giúp người dân tháo gỡ được những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, cây chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Na Hang chỉ là loài cây mọc phân tán trên rừng, nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh thì nay cây chè Shan tuyết đã trở thành hàng hóa giá trị lớn, đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào vùng cao.
Chè Shan tuyết Na Hang đem lại giá trị hàng hóa cao từ Nghị quyết 03 HĐND tỉnh.
Là một trong những HTX được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Na Hang) cho biết, từ nguồn hỗ trợ ban đầu của tỉnh, HTX Sơn Trà đã mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. HTX đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy sao công nghệ Đài Loan, máy vò, máy sàng, máy đóng gói hút chân không. Sản phẩm chè của HTX đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước Châu Âu (EU).
Đồi chè xã Tân Trào.
Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể.
Từ thực tiễn ở cơ sở, mức phụ cấp thực hiện đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố là thấp. Qua các kỳ tiếp xúc cử tri đã có 61 ý kiến cử tri đề nghị tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách, mức hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Từ đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 quy định về người hoạt động không chuyên trách; người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Cán bộ thôn Thác Nóng xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương kiểm tra bảo vệ môi trường.
Mức phụ cấp đối với các chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận của tỉnh Tuyên Quang cao hơn mức phụ cấp các chức danh này tại một số tỉnh lân cận. Việc Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết trên nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với hoạt động của ở cấp cơ sở. Việc ban hành nghị quyết tăng mức phụ cấp và mức khoán kinh phí phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của địa phương, nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, tăng thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.…
Để chia sẻ với những gia đình có người bệnh đang phải chạy thận nhân tạo và truyền máu điều trị bệnh Thalassaemia, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND về Quy định chính sách hỗ trợ người mắc bệnh suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassaemia) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, người được cơ sở y tế đủ điều kiện chẩn đoán xác định mắc bệnh, có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị ngoài phạm vi được hưởng của Quỹ BHYT, chi phí đi lại, tiền ăn, tiền lưu trú...
Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 25 HĐND tỉnh.
Bà Hoàng Thị Vân, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị (Na Hang) thường xuyên phải ở lại “Xóm chạy thận” có tới 40 bệnh nhân trong bệnh viên để duy trì sự sống. bà Vân chia sẻ: “Hơn 6 năm nay tôi cứ vất vả đi tìm sự sống ở bệnh viện như thế này, không còn làm ăn gì được, lại còn là gánh nặng của gia đình. Nhờ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh mà tôi cùng hàng trăm bệnh nhân suy thận khác đang phải điều trị đã phần nào giảm bớt khó khăn về chi phí điều trị, đây là động lực để tôi tiếp tục điều trị bệnh”.
Toàn tỉnh hiện có gần 600 bệnh nhân đang điều trị chạy thận nhân tạo và tan máu bẩm sinh (bệnh Thalassaemia). Hao tổn về sức khỏe, gánh nặng về chi phí đã khiến nhiều gia đình có người bệnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nghị quyết số 25/2022 của HĐND tỉnh như một liều “thuốc quý” cho các bệnh nhân. Đây là chính sách riêng của tỉnh đã kịp thời động viên tinh thần, tiếp thêm động lực, mang lại niềm vui cho những bệnh nhân đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Qua đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với người bệnh, để "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Một góc nông thôn mới ở Tân Trào huyện Sơn Dương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 288 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, xuất phát từ những kiến nghị của cử tri. Những nghị quyết của HĐND tỉnh đánh giá đúng tình hình, yêu cầu của đời sống đối với nội dung của nghị quyết; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp đề ra phải sát với thực tiễn, có tính khoa học, đáp ứng được kỳ vọng của người dân địa phương.
Những cánh rừng được phủ xanh ở thôn Làng Phan, xã Hùng Đức (Hàm Yên).
Nội dung được HĐND lựa chọn đáp ứng được nguyện vọng của đa số Nhân dân; nhằm thể chế hóa các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng; đảm bảo tính cần thiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Các nghị quyết của HĐND sau mỗi kỳ họp được UBND các cấp, các ngành, các địa phương tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đạt hiệu quả cao nhất, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội trong triển khai thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết