Cải cách hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả CCHC nhằm hướng tới phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. CCHC được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp tỉnh tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 1: Nhiệm vụ trọng tâm

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định CCHC là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự quyết tâm cao, xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

>>> Bài 2: Hóa giải “điểm nghẽn”

>>> Bài cuối: Khi người dân, doanh nghiệp là khách hàng

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ

Để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành hàng trăm văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện công tác CCHC bám sát nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ.

Cán bộ và đoàn viên thanh niên phường Tân Hà hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

UBND tỉnh ban hành Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước thuộc UBND tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” giai đoạn 2022 - 2030. Việc chấm điểm Chỉ số CCHC giúp các cơ quan, đơn vị xác định rõ từng tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm, chưa đạt điểm tối đa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có giải pháp khắc phục.

Tỉnh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác CCHC, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ kiểm tra thực hiện kiểm tra các sở, ban, ngành, các đơn vị cấp huyện và đơn vị cấp xã trong việc chủ động triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu theo kế hoạch CCHC đề ra; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác CCHC.

Trong công tác CCHC được ghi nhận với nhiều sáng kiến, cách làm mới hiệu quả như xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang; xây dựng Phần mềm số hóa kết quả giải quyết TTHC, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa kết quả giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang; tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố bằng hình thức trực tuyến; xây dựng triển khai thực hiện thư viện số tỉnh Tuyên Quang...

Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC

Toàn tỉnh đã rà soát, cắt giảm yêu cầu, điều kiện, thành phần hồ sơ và giảm thời gian giải quyết của 419 TTHC thuộc 19 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 22%; 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhận hồ sơ trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thực hiện nghiêm việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Sở Tư pháp là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ trong CCHC. Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hiện, Sở đang quản lý sử dụng 15 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác Tư pháp, khai thác tối đa lợi thế của mạng xã hội Facebook, Zalo để trao đổi công việc, điều hành. Hiện tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính của Sở trước và đúng hạn đạt trên 99,99%.

Năm 2024, UBND thành phố Tuyên Quang đã xác định 40 việc cụ thể về CCHC. Đồng chí Nông Thị Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang: UBND thành phố xác định phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức; thường xuyên công tác kiểm tra công vụ định kỳ, đột xuất đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và xã, phường. UBND thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có sáng kiến mới trong CCHC.

Từ năm 2023 đến nay thành phố đã công nhận 11 sáng kiến, giải pháp thuộc lĩnh vực CCHC được triển khai áp dụng tại các cơ quan, đơn vị, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết hồ sơ. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các xã, phường được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức. Thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) trong giao dịch.

Bằng cách làm cụ thể, đến nay, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 99,99%. Thứ hạng về CCHC của thành phố nhờ thế có bước tăng đáng kể. Năm 2022, thành phố đứng vị trí thứ 6/7 huyện, thành phố, đến năm 2023 vươn lên đứng đầu khối các huyện, thành phố về Chỉ số CCHC, đồng thời giữ vững vị trí dẫn đầu về chuyển đổi số.

Ngay tại cấp xã, kết quả giải quyết TTHC trước hạn, đúng hạn tỷ lệ đạt 99%, đối với các hồ sơ quá hạn đều có thư xin lỗi của cơ quan tới người dân, tổ chức theo đúng quy định.

Xã Minh Khương là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hàm Yên, số lượng hồ sơ TTHC khá lớn, nhưng tỷ lệ giải quyết luôn đạt 100% đúng hẹn. Không những vậy từ đầu năm đến nay 100% hồ sơ TTHC của người dân trong xã đã nộp trực tuyến. Theo đồng chí Triệu Ngọc Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Minh Khương, quan trọng nhất vẫn là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo mục tiêu 100% hồ sơ trực tuyến. Phải từng bước thực hiện, đối với những thanh niên, giáo viên, cán bộ thì đề nghị phải tự thực hiện mà không cần hướng dẫn, hỗ trợ. Đối với người dân vẫn phải tiếp tục kiên trì hướng dẫn, mặc dù việc này khiến cán bộ phải mất khá nhiều thời gian nhưng luôn phải coi đây là nhiệm vụ của mình để phục vụ người dân.

Trong tháng 6 và 7/2024, tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Năm 2023, Tuyên Quang đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số CCHC. Đây là kết quả trong nỗ lực của tỉnh, khi đặt cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp tỉnh tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục