Cải cách hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - Bài cuối: Khi người dân, doanh nghiệp là khách hàng

- Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của cải cách hành chính” (CCHC), các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Tuyên Quang đã có những giải pháp đẩy mạnh CCHC thông qua cắt giảm TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số vào tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho người dân.

>>> Bài 1: Nhiệm vụ trọng tâm

>>> Bài 2: Hóa giải “điểm nghẽn”

Tạo thuận lợi cho người dân

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang được vận hành hiệu quả, là đầu mối tổ chức thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết 1.423 TTHC. Trong đó, có 448 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ một phần và 975 DVC trực tuyến mức độ toàn trình. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức đi làm TTHC, Trung tâm còn duy trì làm việc cả ngày thứ bảy hằng tuần đối với một số cơ quan, đơn vị có tần suất thực hiện TTHC lớn như: Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường...

Đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chị Nông Thị Lệ Xuân, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) thấy bất ngờ về quy mô, sự hiện đại, tiện ích ở đây. Chị Xuân bày tỏ, ngày thứ bảy chị tranh thủ đi làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe. Tại đây, chị được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện trên môi trường điện tử. Tuy đông người, nhưng ai cũng thoải mái chờ đợi đến lượt mình, không có cảnh chen ngang. Chị thấy hài lòng, có cảm giác mình là người được phục vụ chứ không còn cảm giác khó khăn, nặng nề mỗi khi đi giải quyết TTHC như trước đây.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ TTHC trên cổng DVC trực tuyến.

Cùng với đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được quan tâm đầu tư hệ thống máy tính, máy scan tài liệu, máy đọc thông tin thẻ căn cước, cài đặt ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, kết nối hệ thống thông tin điện tử với các ngành về giải quyết TTHC. Các TTHC, quy trình, hướng dẫn, số điện thoại cán bộ, lãnh đạo được công khai ngay chỗ dễ nhìn để nhân dân liên hệ, phản ánh khi cần.

Đồng chí Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (Hàm Yên) khẳng định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC xã thường xuyên bố trí 3 công chức đủ năng lực thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, tư pháp, địa chính - xây dựng tiếp nhận giải quyết TTHC cho nhân dân. Yếu tố về con người, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các nhóm zalo ở các thôn và của xã cũng phát huy hiệu quả khi thường xuyên cập nhập thông tin về chuyển đổi số, TTHC, cũng như tiếp nhận phản ánh của người dân, giúp nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử của cán bộ giải quyết TTHC.

6 tháng đầu năm 2024, tổng số hồ sơ TTHC toàn tỉnh đã tiếp nhận 100.637 hồ sơ và đã giải quyết 94.575 hồ sơ, số còn lại đang giải quyết. Trong đó, số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn chiếm 99,2%, số hồ sơ quá hạn chỉ chiếm 0,8%. Các hồ sơ quá hạn đều có thư xin lỗi tới người dân, tổ chức theo đúng quy định.

Cần quyết tâm cao, nỗ lực hơn nữa

Những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá, kiến nghị đơn giản hóa đối với 44 quy định, TTHC thuộc 12 cơ quan, đơn vị về các lĩnh vực: Người có công, bảo trợ xã hội, chứng chỉ, đầu tư,... góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.

Với vai trò là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả về hồ sơ đăng ký thành lập, hoạt động của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong trong công tác chuyển đổi số tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân, doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được thực hiện thông qua Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Sở đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ 3 ngày xuống 2 ngày làm việc. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 8- 2024, toàn tỉnh có thêm 558 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký trên 7.877 tỷ đồng. Lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện trên 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 35.772 tỷ đồng (trong đó có 18 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài).

Chị Hà Thúy Bộ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trang Quân, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chưa bao giờ thủ tục thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện dễ dàng như hiện nay, đó là tín hiệu vui nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển. Việc đăng ký thành lập qua mạng điện tử đã giúp doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ mà không cần trực tiếp đến cơ quan Nhà nước vừa giúp giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Tuyên Quang phấn đấu, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh (Sipas) tăng tối thiểu từ 2 bậc trở lên trong năm 2024 và năm 2025. Điều đó thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh, cũng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương trong việc nâng cao chỉ số thành phần “hài lòng” về tiếp cận dịch vụ, TTHC, đối với công chức,  kết quả giải quyết, cũng như tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị.

Những kết quả tích cực trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã để lại những bài học, kinh nghiệm đó là sự quyết liệt trong công tác lãnh chỉ đạo, ban hành chỉ thị, Đề án, kế hoạch phân định rõ trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã và lộ trình cụ thể. Tỉnh thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong năm 2024, tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 870 cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy là tỉnh miền núi nhưng Tuyên Quang đã ưu tiên nguồn lực đầu tư đưa vào sử dụng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tuyên Quang (IOC) phục vụ công tác điều hành, xử lý các tình huống khẩn cấp trên địa bàn toàn tỉnh nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Đồng thời, cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp chung và chi tiết về lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả cao, phục vụ tốt hơn đối với người dân và doanh nghiệp.

 Các đơn vị tổ chức tự chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí của Bộ Nội vụ định kỳ hằng tháng, giúp xác định rõ từng tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm, chưa đạt điểm tối đa trên cơ sở đó, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có giải pháp khắc phục. Tỉnh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác CCHC thực hiện kiểm tra các sở, ban, ngành, các đơn vị cấp huyện và đơn vị cấp xã trong thực hiện CCHC nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.

Mới đây phát biểu kết luận hội nghị do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang tổ chức hồi tháng 6, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, tỉnh xác định CCHC là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt và quyết tâm hơn nữa thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số Papi của tỉnh... Đồng thời, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục