>>> Bài cuối: Để nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Đột phá trong sản xuất nông nghiệp
Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) được các ngành chức năng đánh giá triển vọng mới trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Mô hình có diện tích trên 3.000 m2 ban đầu trồng dưa baby, sau đó là trồng dưa lưới. Anh Lục Văn Thùy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình cho biết, mỗi năm HTX trồng 4 lứa dưa các loại, thu về từ 200 đến 300 triệu đồng tiền bán quả. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở mảnh đất cách mạng Kim Bình. Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã.
Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với việc triển khai các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm dần các loại cây kém hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ngành Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa đã gặt hái nhiều thành quả, nhất là lĩnh vực trồng trọt. Huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thông minh trồng trọt và chăn nuôi. Huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung cây lạc, cây lúa, ngô sinh khối, cây rau an toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.
Nhiều năm nay, HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019 gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX có 13 thành viên và hơn 40 hộ liên kết trồng cà gai leo. Với liên kết này, người dân bỏ đất, bỏ sức lao động và phân bón, HTX cấp giống, hướng dẫn sát sao kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu theo giá hợp đồng. Hiện cây cà gai leo được trồng ở 5 xã Đông Thọ, Quyết Thắng, Sơn Nam, Hợp Hòa, Thiện Kế với hơn 15 ha, trung bình mỗi ha cho doanh thu đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Không chỉ các HTX mà các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng “bắt tay” với người nông dân để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 100 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang triển khai, thực hiện. Các sản phẩm tham gia liên kết bao gồm mía, dưa chuột, ớt, ngô, chè, sachi, cà gai leo, cây gai xanh, gia súc, gia cầm... Từ những liên kết này, đã tiêu thụ được trên 16.000 tấn sản phẩm nông sản cho nông dân.
Hướng tới tăng trưởng bền vững
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã lựa chọn khâu đột phá là: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, làm căn cứ để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào những sản phẩm đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở quy hoạch vùng để thúc đẩy sản xuất phát triển và phát huy tối đa lợi thế của địa phương.
Nhờ đó đến nay, nền nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích và thu nhập cho nông dân.
Hiện toàn tỉnh có 8.653 ha cam, trong đó 687 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ, 8.468 ha chè, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững là 729 ha; tiêu chuẩn VietGAP 93 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 24 ha; 4.568 ha lạc; 5.190 ha bưởi; 2.900 ha mía; 140.000 ha rừng, trong đó trên 35.000 ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Riêng Cam sành Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam... Năm 2024, tỉnh có 7 sản phẩm nông sản gồm trà túi lọc đậu đen xanh lòng; trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong; chuối sấy dẻo; bưởi Soi Hà; siro chanh, siro tắc được chọn xuất khẩu vào thị trường Anh quốc.
Sản xuất nông nghiệp phát triển đúng hướng, khối lượng sản phẩm tạo ra hàng năm rất lớn. Sản lượng nông sản lớn đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư hàng chục dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng số vốn cam kết hàng chục tỷ đồng. Hiện có gần 100 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động/năm.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, đảm bảo về an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong ổn định chính trị - xã hội. Những năm qua, mặc dù ngành Nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh cũng như là giá cả vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, song sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn trụ vững, vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trước hết bảo đảm an ninh lương thực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 4%/năm đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung kinh tế của tỉnh. Điều này cho thấy nông nghiệp là một ngành kinh tế bao trùm, một cấu trúc kinh tế - xã hội hoàn toàn không phải một ngành kinh tế đơn lẻ, bởi nó đem lại cuộc sống và lợi ích của hàng trăm nghìn con người.
Có thể thấy, sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông nghiệp tỉnh đã có những bước chuyển tích cực. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Bài, ảnh: Lý Thu
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết