>>> Bài 1: Hướng tới nông nghiệp hiện đại
>>> Bài cuối: Để nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch
Tự phát và phá rào quy hoạch là hai vấn đề lớn đặt ra đối với lĩnh vực trồng trọt hiện nay. Thực tế cho thấy, hầu hết việc sản xuất tự phát hay “vượt rào quy hoạch” trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đem lại những “trái đắng”, hậu quả, không ai khác là những người nông dân gánh chịu.
Trước năm 2020 giá quả chanh tươi lên cao kỷ lục, khoảng 20 - 25 nghìn đồng, thậm chí là 30 nghìn đồng/kg. Đó là chanh gia vị, riêng đối với chanh đào được cho là có tác dụng làm gia vị và làm thuốc giá lên đến 50 nghìn đồng/kg. Giá chanh lên cao kéo theo cơn sốt trồng chanh khắp các địa phương trong tỉnh.
Tại một số xã Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Phú (Hàm Yên); Thái Long, Đội Cấn, Nông Tiến, Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); Tứ Quận (Yên Sơn) người dân không ngần ngại phá bỏ, xen cây chanh vào diện tích cây trồng khác, thậm chí ở một số hộ dân còn đưa cây chanh xuống đất lúa. Tuy nhiên thời vàng son của cây chanh không được bao lâu, giá chanh giảm thảm khốc.
Dù là vùng lõi nguyên liệu mía song bình quân diện tích đất nông nghiệp của xã Hào Phú (Sơn Dương) chỉ đạt 0,5 ha/hộ.
Ông Trần Việt Trung, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, ông đầu tư trồng 3 ha chanh, tuy nhiên đến khi chanh được thu hoạch giá không còn ở đỉnh cao 25-30 nghìn đồng/kg, mà đã giảm xuống 5-7 nghìn đồng/kg, tiền bán chanh không đủ để trả nhân công cắt.
Giá chanh quá thấp dẫn đến thu không bù chi, nhiều nhà vườn trồng chanh đã bỏ hoang, thậm chí là chặt chuyển đổi sang cây trồng khác. Không lâu sau đó, giá chanh lại leo lên đến đỉnh, với giá 25 - 30 nghìn đồng/kg, lại kéo theo cơn sốt trồng chanh. Cơn sóng khủng hoảng thừa quả chanh tươi lại tiếp tục diễn ra, có thời điểm xuống còn có 5-7 nghìn đồng/kg chanh loại A, loại B chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg.
Anh Trương Quốc Việt, thôn 5 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) người có kinh nghiệm trồng chanh nhiều năm chia sẻ, cây chanh là cây gia vị, do đó lượng sử dụng không nhiều. Nếu phát triển ồ ạt sẽ gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây ra những hệ lụy xấu. Theo anh Việt, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây anh đã chứng kiến 2 - 3 lần sự thăng trầm của cây chanh, cứ khi chanh lên giá, người dân ở khắp các địa phương đầu tư trồng, giá thấp người dân lại chặt bỏ, rồi lại trồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8, toàn tỉnh có 1.497,8 ha chanh, trong đó huyện Hàm Yên nhiều nhất, với 1.231,1 ha, tăng hơn 100 ha so với năm 2023. Vấn đề đặt ra hiện nay là người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn đang có xu hướng phế bỏ diện tích cam, bưởi, chè già cỗi thay thế trồng chanh, nguy cơ giá quả chanh tươi lại chạm đáy là khó tránh khỏi.
Không tự phát như cây chanh, cây cam, cây bưởi dù đã được tỉnh quy hoạch nhưng tại nhiều địa phương chuyện phá rào, vượt quy hoạch. Một số xã còn xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp sang trồng cam, trồng bưởi. Và sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, tình trạng “cung vượt quá cầu” đã xảy ra, giá thu mua cam, bưởi giảm sâu, khó tiêu thụ và những cuộc giải cứu cam, bưởi tiếp diễn.
Anh Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cho biết, từ năm 2021 đến nay giá bưởi liên tục sụt giảm, nếu trước đây bưởi diễn loại A bán tại vườn là 20 - 22 nghìn đồng, thậm chí lên đến 25 nghìn đồng/quả, vụ bưởi 2023 vừa qua giá bưởi xuống còn 5 - 6 nghìn đồng, có thời điểm xuống còn 2 - 3 nghìn đồng. Giá bưởi xuống thấp trong khi mức đầu tư quá cao đã khiến người trồng bưởi bỏ mặc, thờ ơ không chăm sóc khiến những diện tích bưởi phát triển kém, chất lượng quả không đảm bảo, giảm giá trị.
Người dân sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch, thiếu liên kết, đặc biệt không tính đến yếu tố thị trường đã tác động rất xấu đến tính bền vững của các sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.
Thách thức bủa vây
Theo các chuyên gia nông nghiệp về cơ bản sản xuất nông nghiệp của tỉnh quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Sản xuất ấy được thể hiện qua các đặc trưng: thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa thấp, sức cạnh tranh thấp. Sản xuất chưa gắn kết với chế biến thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mặc dù đã có những doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển sản xuất vẫn chưa như kỳ vọng.
Hiện mới chỉ có các sản phẩm như gỗ rừng trồng, chè có sự liên kết, thúc đẩy sản xuất bền vững, còn lại vẫn chỉ là sản xuất đứt đoạn. Dù đã có một số mô hình liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với các doanh nghiệp đã được hình thành. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu do xung đột lợi ích giữa các bên. Nhiều hộ sản xuất chưa nhận thức sâu sắc về lợi ích của mối liên kết, phân vân khi giá thu mua của doanh nghiệp thấp hơn trên thị trường. Cùng đó, các bên liên quan cũng chưa đánh giá sát mức độ biến động của thị trường, khiến nhiều lúc hàng hóa nông sản ứ đọng, dẫn đến “phá kèo” mối liên kết.
Thêm vào đó là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn thấp do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, kích cỡ, màu sắc không đồng đều, nhận diện nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm vẫn chưa rõ nét. Mới đây, Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) - doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có tiếng đã làm việc với 7 chủ thể OCOP để đưa sản phẩm OCOP được gắn sao xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Tuy vậy, Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) bà Nguyễn Thanh Hương vẫn lăn tăn về sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo bà Hương vấn đề công ty quan tâm hiện nay việc quy trình chế biến thô sơ, công nghệ lạc hậu kéo theo vấn đề bảo quản sản phẩm, thêm nữa là bao bì mẫu mã sản phẩm vẫn đơn điệu, chưa bắt mắt khiến cho việc nhận diện nhãn hiệu, thương hiệu chưa thực sự đạt hiệu quả.
Thiếu tính liên kết, quy mô sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ đã và đang tác động trực tiếp đến việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác lợi thế theo quy mô, cũng như việc triển khai ứng dụng các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Sản xuất quy mô nhỏ thể hiện qua diện tích canh tác bình quân hộ nông dân ở mức rất thấp.
Tại xã Hào Phú (Sơn Dương) xã thuần nông và lõi của vùng nguyên liệu mía nhưng bình quân mỗi hộ dân chỉ khoảng 0,5 ha. Anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông huyện Sơn Dương, phụ trách xã Hào Phú chia sẻ, bình quân diện tích đất canh tác thấp dẫn đến việc ứng dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Anh Khoa dẫn chứng, vào mùa thu hoạch mía, mỗi hộ có vài nghìn m2 nên việc bố trí đốn chặt, bốc xếp vận chuyển là cả một vấn đề.
Phân tích của các chuyên gia, mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam, trong đó tỉnh Tuyên Quang còn hạn chế, dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế. Vì vậy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng chưa phát triển, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và logistics. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Một số chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả, chưa kể đến tác động khách quan từ yếu tố thị trường, rủi ro thiên tai... Đây là thách thức không nhỏ mà ngành nông nghiệp của tỉnh muốn “cất cánh” phải đối mặt.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
(Còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết