Bài cuối: Thông điệp về hòa bình, hợp tác quốc tế
Tư tưởng ngoại giao về đoàn kết, hợp tác quốc tế, yêu chuộng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Trong đó mối quan hệ Việt - Mỹ được Người đặt nền móng từ năm 1945, tại chính mảnh đất Tân Trào lịch sử - nơi chứng kiến khởi nguồn của mối quan hệ Việt - Mỹ.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mãi mãi là một trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc cách mạng vĩ đại này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mà đông đảo công chúng ít được biết tới, trong đó có câu chuyện về mối quan hệ Việt - Mỹ trong thời kỳ 1945 tại mảnh đất Tân Trào lịch sử mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nỗ lực để xây dựng, phát triển mối quan hệ này.
Bữa tiệc giữa rừng Nà Nưa
Ngày 9-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính Pháp, kéo theo đó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam. Nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cuộc gặp, trao đổi và hợp tác với lực lượng đồng minh để chống phát xít Nhật. Trên cơ sở thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và lực lượng đồng minh, giữa tháng 7/1945, Người đồng ý để một toán quân Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào, với danh nghĩa huấn luyện cho Việt Minh về chiến thuật quân sự và cách sử dụng các loại vũ khí. Việc xây dựng một sân bay đảm bảo cho sự liên lạc giữa hai bên Việt - Mỹ cũng được đặt ra.
Người dân thôn Cò, xã Minh Thanh (Sơn Dương) tham quan nơi trưng bày chiếc Máy bay AD-5 (loại máy bay đã dùng để đưa đón quân đồng minh, vận chuyển vũ khí, thuốc men từ Côn Minh sang Tân Trào)
trưng bày tại di tích lịch sử Nha Công an Trung ương.
Trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào hôm nay, địa điểm lán Đồng Minh đã được phục dựng lại. Đây là nơi ở và làm việc của nhóm tình báo đặc biệt Mỹ có mật danh là “Con Nai” do Thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống chiến khu Tân Trào vào ngày 16/7/1945. Biệt đội Con Nai (The Deer Team) là tên một toán đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS (The Office of Strategic Services), tiền thân của CIA sau này. Biệt đội được hình thành vào giữa năm 1945, với nhiệm vụ là nhảy dù xuống Tân Trào - Tuyên Quang, chuẩn bị cơ sở cho Việt Minh tiếp nhận vũ khí và người Mỹ huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh.
Bữa tiệc mà Bác Hồ giao cho cộng sự chuẩn bị để đón tiếp biệt đội Con Nai, sau này đã được bà Trần Thị Minh Châu một cán bộ làm việc bên cạnh Bác khi đó ghi lại trong hồi ký. Tìm hiểu sự kiện này, chúng tôi được ông Đào Thế Đức, cháu nội của học giả Đào Duy Anh, người có mối quan hệ họ hàng với bà Trần Thị Minh Châu, cho biết: Khi ông còn là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Xưa và Nay ông đã đọc cuốn hồi ký của bà Minh Châu, câu chuyện đã được ông biên tập đăng trên tạp chí. Đó là một bữa tiệc trong rừng. Trong điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh rất thiếu thốn, không có thực phẩm, bát đĩa, mọi người đều thấy rất khó để làm được một bữa tiệc theo kiểu phương tây. Nhưng Bác đã gợi ý để những người cộng sự của mình mua một con bê đem thui, để nguyên cả con, sắp dao và nĩa để mọi người tự ăn uống. Bữa tiệc được tổ chức dân dã nhưng vẫn khiến những vị khách Mỹ rất hài lòng.
Sự kiện biệt đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào cũng rất đặc biệt. Nhà báo Kiều Mai Sơn, người đã trực tiếp phỏng vấn bà Minh Châu ghi lại trong bài báo của mình: Phi công Mỹ có lẽ chưa quen nhảy dù theo kiểu du kích nên chính Thiếu tá Allison K. Thomas, phụ trách nhóm OSS đã bị mắc dù trên cây đa Tân Trào và phải mất chừng nửa giờ mới đưa được ông xuống đất. Ngay khi tiếp đất cả đội đều rất ngạc nhiên vì sự đón tiếp trọng thị của phái đoàn ta, mọi người đều có mặt và còn treo cả băng rôn với dòng khẩu hiệu: “Chào đón những người bạn Mỹ của chúng ta” bằng Tiếng Anh, khiến họ rất xúc động.
Trong thời gian huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh, những người lính Mỹ còn được Bác Hồ đặt tên và họ theo người dân địa phương. Với tài ngoại giao và bằng tình cảm chân tình, sự tiếp đón chu đáo của Bác, cùng những tình cảm ấm áp của người dân địa phương đã cảm phục được những người lính Mỹ. Sau đó lực lượng OSS đã giúp đỡ Việt Minh rất nhiều trong huấn luyện quân sự. Chính những người lính Mỹ cũng đã coi mình là người dân bản địa. Đó cũng là lý do sau này khi Việt Nam và Mỹ thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao, những người lính Mỹ năm xưa cũng như thân nhân của những người lính Mỹ trong biệt đội Con Nai đã trở lại Tân Trào.
Lũng Cò - sân bay quốc tế đầu tiên
Để phối hợp hiệu quả hơn với quân đồng minh, sân bay dã chiến Lũng Cò đã được gấp rút xây dựng. 35 chiến sĩ giải phóng quân, cùng dân quân du kích và người dân địa phương đã cùng nhau phát quang, san gạt nền đất, làm xong đường cất hạ cánh dài 400 m, rộng 20 m chỉ trong vòng 2 ngày.
Sân bay Lũng Cò, thuộc thôn Cò và Đồng Đon, xã Thanh La (nay thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương). Đây là một thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi, trong thung lũng có những cánh đồng rộng, nông dân cấy lúa. Từ tháng 6/1945 đến tháng 8/1945, nhiều chuyến bay của quân đồng minh đã được thực hiện với nhiệm vụ đưa đón quân đồng minh và vận chuyển thuốc men, vũ khí đạn dược từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào (Sơn Dương) viện trợ cho Việt Nam.
Tại đây, khi tiến công đồn Nhật tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chúng ta đã giải phóng cho những người Pháp bị Nhật giam ở đây và đưa họ trở về sống tập trung tại một làng thuộc Tân Trào. Đến ngày 30-7-1945, những người Pháp bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã lên máy bay L5 từ Lũng Cò để trở về nước.
Chuyến bay cuối cùng tại sân bay Lũng Cò đã chở Trung úy Keent - một sỹ quan tình báo OSS về nước. Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ tiễn đưa chuyến bay cuối cùng này. Sau khi nhận được những lời chúc tốt lành từ đồng chí Lê Giản, Trung úy Keent đáp lại rằng: “Chiến tranh này với chúng tôi đã kết thúc, nhưng với các ông, một cuộc chiến tranh mới vô cùng gian khổ bắt đầu. Xin chúc các ông sẽ giành được thắng lợi huy hoàng”.
Đại úy Nguyễn Như Trang, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương cho biết: Dù không phải sân bay hiện đại, nhưng Lũng Cò được nhiều chuyên gia nhận định là sân bay được xây nhanh nhất thế giới, để lại dấu ấn về quan hệ ngoại giao, quân sự ban đầu với Hoa Kỳ.
Dẫn chúng tôi thăm lại địa điểm di tích sân bay Lũng Cò, đồng chí Nguyễn Ngọc Chinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết: Qua những tư liệu lịch sử, chúng tôi được biết nơi mảnh đất mình sinh sống có dấu ấn đặc biệt của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, người dân làng Thanh La khi đó với lực lượng OSS đã đồng cam cộng khổ để thực hiện được mục đích chung chống lại phát xít Nhật. Chúng tôi rất tự hào về điều này và mong muốn mối quan hệ Việt - Mỹ không ngừng phát triển.
Những cuộc trở về xúc động
Tháng 10-1995, ngay sau khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước, sau nửa thập kỷ, các thành viên của nhóm “Con Nai” mới có dịp trở lại Việt Nam theo lời mời và thu xếp của Hội Việt - Mỹ.
Thời gian ở thăm Việt Nam là những ngày tràn đầy ký ức về một thời đã xa. Các thành viên toán “Con nai” cho các bạn Việt Nam xem những kỷ vật cũ họ vẫn trân trọng cất giữ để nhớ về những ngày hoạt động tại chiến khu Tân Trào. Ông Henry Prunier mặc lại chiếc áo comple đũi ông may ở Hà Nội trước khi được lệnh về nước mà ông vẫn giữ cẩn thận suốt bao năm. Khi tới cây đa Tân Trào, thiếu tá Thomas kể lại dự định ban đầu là toán sẽ đi bằng đường bộ nhưng do quân Nhật lùng sục rất gắt gao nên toán phải sử dụng đường hàng không. Do thời tiết xấu, viên phi công không nhận ra được dấu hiệu của bãi nhảy dù ở mặt đất nên toán phải nhắm mắt nhảy xuống và dù của thiếu tá Thomas mắc đúng vào cây đa Tân Trào. Sau đó, toán “Con nai” được chiêu đãi một bữa thịt bò, và khi nhớ lại, thiếu tá Thomas cười và khen “thịt bò hôm đó ngon”.
Tháng 3-2017, ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và đoàn công tác đã thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Cùng đi trong đoàn có Tham tán Chính trị Brett Blackshaw. Ngài Tham tán đã đến đặt hoa tại lán Đồng Minh để thực hiện lời hứa với ông ngoại của mình - ông Peter Morris Williams (là thành viên của phi đội Không quân Hoàng gia Anh, đã thực hiện những chuyến bay tiếp tế cho Việt Minh và quân đồng minh tại Tân Trào năm xưa). Đây cũng là ấp ủ dự định của ông Peter Morris Williams suốt nhiều năm sau khi trở về Mỹ, nhưng ông đã không có cơ hội để quay trở lại Tân Trào lần nào nữa.
Tuy hợp tác quân sự giữa lực lượng OSS và Việt Minh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời “địch vận”, tranh thủ cảm tình của một số sĩ quan OSS, hy vọng họ trở thành sứ giả thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ sau này.
Gửi phản hồi
In bài viết