Bài 1: Những trang sử đầu tiên Việt - Mỹ
Bài cuối: Thông điệp về hòa bình, hợp tác quốc tế
Điểm hẹn lịch sử
Trong các cuộc làm việc cấp cao, lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác văn hóa, giáo dục và quan hệ Nhân dân trong việc hỗ trợ các mục tiêu quốc gia và song phương của cả hai nước trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vững mạnh và lâu dài.
Điều này được thể hiện qua việc hai bên đã có nhiều hoạt động cụ thể triển khai các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa, trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, bảo tồn di sản, trao đổi học sinh, sinh viên, kết nối các trường đại học và tổ chức giáo dục của hai nước.
Thạc sỹ Ngôn ngữ học, Thạc sỹ Hoa Kỳ học Nguyễn Thị Minh Phương hiện giảng dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Massachusetts, thành phố Boston, Mỹ thăm lán Đồng Minh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào năm 2023.
Ảnh: Quang Hòa
Tân Trào - Tuyên Quang, nơi ghi dấu khởi nguồn quan hệ Việt - Mỹ đã trở thành điểm hẹn lịch sử, là địa chỉ đỏ truyền thống về nguồn, là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch sáng tác các tác phẩm, góp phần quảng bá lịch sử, truyền thống văn hóa, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tháng 10/2022, để chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, một đoàn làm phim đã đến Tuyên Quang để khảo sát thực hiện bộ phim truyền hình “Mùa phách tím” với độ dài 10 tập. Đạo diễn bộ phim Hoàng Thanh Du chia sẻ, bộ phim là thông điệp ca ngợi những tính toán chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và độc lập dân tộc cho đất nước. Bằng khả năng ngoại giao khéo léo, tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được phe Đồng Minh trở thành đối tác. Người như một nhà tiên tri nắm bắt cơ hội về mối quan hệ Việt - Mỹ, Bác đề nghị thành lập Đại đội Việt Mỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung làm Chỉ huy và Thiếu tá Thomas là tham mưu trưởng huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Bộ phim cũng lý giải nguồn gốc hình thành “Biệt đội Con Nai”... Qua bộ phim với mong muốn khán giả, đặc biệt là những người trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về chiến tranh, trong đó có sự kiện những người lính Mỹ trong Biệt đội Con Nai có mặt tại Tân Trào để giúp đỡ lực lượng Việt Minh.
Cũng nói về sự kiện này, năm 2021, nhà văn Lê Toán đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Rừng Việt Bắc”. Cuốn tiểu thuyết tái hiện thời khắc lịch sử cách mạng Việt Nam vào giai đoạn từ cuối năm 1944 đến tháng 9-1945 tại một số địa điểm Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội. Trong đó có sự kiện lực lượng OSS đến Tân Trào (Sơn Dương) để giúp Việt Minh huấn luyện quân sự thời điểm tháng 7-1945. Sự kiện Hồ Chí Minh thành lập Đại đội “Bộ đội Việt - Mỹ” và Mỹ đã cung cấp rất nhiều vũ khí, lương thực, thuốc men cho Việt Minh qua sân bay Lũng Cò... Nhà văn cho biết, với mong muốn qua cuốn tiểu thuyết để nhiều người biết đến và hiểu hơn về sự kiện lịch sử này.
Quan tâm và viết về mối quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có các tác giả là người Việt Nam, trong cuốn sách nghiên cứu - tư liệu của tác giả người Mỹ Dixee R. Bartholomew-Feis “OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật” được Nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2008. Cuốn sách đã được nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Đây là một tư liệu mới của Mỹ lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam - một công trình được nghiên cứu hoàn chỉnh nhất về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trong thời kỳ Đại chiến Thế giới lần thứ Hai”. Nhà sử học cũng khẳng định đây là một cuốn sách bổ ích cho những ai đang chứng kiến những tiến triển quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ ngày hôm nay gắn liền với tiến trình hội nhập và không ngừng đổi mới của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói lĩnh vực văn học nghệ thuật đã không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, mà như nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, văn học đóng một vai trò hết sức quan trọng, khép lại những trang bút hào hùng của cuộc chiến, những áng thi ca, văn chương lại tiếp tục chắp nối những nhịp cầu giao lưu văn hóa, xóa nhòa những biên giới của hận thù, để xây đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Cầu nối trong tương lai
Quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao, bên cạnh quảng bá về văn hóa, về lịch sử, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ hiện nay và trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang và bà CARYN McCLELLAND, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội kiểm tra lớp học trong buổi lễ khánh thành Nhà lớp học trường Mầm non Tân Mỹ, điểm trường Nà Pồng.
Giáo dục không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các sinh viên Việt Nam có mặt tại những trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, khi họ không chỉ quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ mà còn hiểu thêm rất nhiều về văn hóa, xã hội, cuộc sống ở Mỹ để về xây dựng phát triển đất nước. Trong đó nhiều học sinh, sinh viên là con em của mảnh đất Tân Trào lịch sử đã có cơ hội được học tập trên đất nước Mỹ.
Sau 7 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ, vợ chồng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy và Tiến sĩ Đỗ Mạc Ngân Doanh, phường Ỷ La, TP Tuyên Quang (anh Nguyễn Hữu Huy được học bổng toàn phần bậc học Tiến sĩ tại Trường Đại học Louisiana State, Mỹ) đã học hỏi được nền giáo dục Mỹ. Anh chị chia sẻ: “Gia đình em quyết định về Tuyên Quang sinh sống và làm việc. Hiện nay đã mở trường Mầm non tư thục Tinh hoa STEAM Bébé tại phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) với hướng phát triển là giáo dục STEAM đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ.
Nhiều học bổng của chính phủ Hoa Kỳ cũng đã giúp không ít các sinh viên Việt Nam tiếp cận môi trường giáo dục hàng đầu thế giới. Trong đó có trường hợp cậu học sinh Hà Kiên Trung, dân tộc Tày, trú tại tổ dân phố Cơ Quan, thị trấn Sơn Dương, là người dân của chính mảnh đất Tân Trào lịch sử đã giành được học bổng toàn phần trị giá gần 9 tỷ đồng của Trường đại học Wesleyan University, Bang Connecticut, Mỹ. Đây là học bổng toàn phần bậc cử nhân, một năm chỉ có 11 suất trên toàn thế giới, trong đó cả châu Á chỉ có duy nhất một suất. Kiên Trung chia sẻ: “Được học tập ở một nước phát triển hàng đầu thế giới, đó là điều may mắn với em. Sau này em sẽ về Việt Nam làm việc và cống hiến cho quê hương”.
Hằng năm có nhiều giáo viên, tình nguyện viên người Mỹ đã đến Việt Nam tham gia giảng dạy, trong đó có Tuyên Quang. Mới đây cô giáo mang 2 dòng máu Việt - Mỹ là Sophia Hoàng tham gia giảng dạy 1 năm tại trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Sophia Hoàng chia sẻ: “Tôi dạy phát âm, kỹ năng nghe, nói cho học sinh ở Tuyên Quang trong năm học 2023 - 2024, theo chương trình Hòa Bình của Chính phủ Mỹ. Đây là cơ hội để tôi được thể hiện tình yêu của mình đối với quê hương Việt Nam mến yêu”.
Để thể hiện tình cảm với mảnh đất Tân Trào lịch sử - nơi khởi nguồn mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, Chính phủ Mỹ đã đầu tư xây dựng 2 công trình Nhà lớp học trường Mầm non Tân Mỹ, điểm trường Nà Pồng (Chiêm Hóa) và trường Tiểu học Thắng Quân (Yên Sơn). Hai công trình có tổng giá trị 21 tỷ đồng. Cô giáo Vũ Thị Hương Giang, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Mỹ (Chiêm Hóa) xúc động bày tỏ: Chúng tôi rất cảm ơn Đại sứ quán Hoa Kỳ đã xây dựng một công trình ý nghĩa, thiết thực, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu của tỉnh vươn lên học tập tốt.
Với những dấu mốc và thành tựu đã đạt được, hai bên đã hiện thực hóa nguyện vọng của người dân hai nước về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đây cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người đặt nền móng cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
(Còn tiếp)
Gửi phản hồi
In bài viết