Quản Bạ chuyển biến trong nếp sống
BHG - Thời gian qua, huyện Quản Bạ triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo chuyển biến tích cực trong nếp sống, tinh thần đoàn kết cộng đồng và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bản sắc tại địa phương.
Huyện Quản Bạ hiện có 13 xã, thị trấn với 107 thôn, tổ dân phố và 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 95%, gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… Việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở, gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng tổ chức đoàn thể. Đồng thời, lồng ghép phong trào với xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các địa phương coi trọng việc đưa nội dung cuộc vận động vào quy ước, hương ước thôn, bản, tổ dân phố, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết trong cộng đồng.
![]() |
Phụ nữ dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ may trang phục truyền thống. |
Đồng chí Lệnh Thế Tuân, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quản Bạ cho biết: “Đây là phong trào nền tảng, gắn bó mật thiết với đời sống người dân. Để lan tỏa sâu rộng, huyện chú trọng tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các tiêu chí xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hóa, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sôi nổi trong Nhân dân”.
Đến nay, 13/14 dòng họ lớn trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc việc đưa người chết vào áo quan – một bước chuyển biến quan trọng trong thay đổi phong tục tang lễ vốn mang nhiều yếu tố lạc hậu. Bên cạnh đó, 100% thôn, tổ dân phố thành lập ban tang lễ, góp phần tổ chức tang lễ gọn nhẹ, văn minh và tiết kiệm. Không chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động, huyện Quản Bạ còn tổ chức thực hiện đồng bộ các mô hình văn hóa, văn minh. Đến nay, toàn huyện có 107/107 thôn, tổ dân phố ban hành quy ước, thành lập 107 tổ hòa giải tại cơ sở; 13/13 xã, thị trấn kiện toàn hội nghệ nhân dân gian, đóng vai trò gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Có 10.641 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 94 thôn đạt “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Những kết quả đó khẳng định sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người dân; các gia đình thực hiện tốt nếp sống mới, xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp, con em đến trường đầy đủ, tệ nạn xã hội giảm, cộng đồng ngày càng đoàn kết. Anh Lý Tà Dòng, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, chia sẻ: “Trước kia, việc tổ chức ma chay, cưới hỏi trong thôn rất tốn kém, nhiều khi ảnh hưởng đến kinh tế cả gia đình. Nay nhờ quy ước và vận động của cán bộ, mọi người tổ chức gọn nhẹ, văn minh hơn; cuộc sống vì thế tốt lên nhiều”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại Quản Bạ đã trở thành nền tảng quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ bản sắc dân tộc và là tiêu chí trong đánh giá cán bộ, đảng viên. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào theo hướng thực chất, khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy sự phát triển toàn diện từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương.
Bài, ảnh: Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc