Thành quả tự hào nơi miền đá Mèo Vạc

15:13, 27/06/2025

BHG - Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới, nơi những dãy núi đá tai mèo sừng sững và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân, bức tranh KT – XH của huyện ngày càng tươi sáng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhất là giai đoạn cuối trên hành trình đơn vị hành chính cấp huyện.

Nổi bật trong bức tranh phát triển của huyện Mèo Vạc là ngành Nông nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp của huyện tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế, với nhiều đổi mới cả về tư duy phát triển lẫn tổ chức sản xuất. Bám sát mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao thu nhập cho người dân, huyện chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 31.500 con bò Vàng, 41.500 con lợn đen Lũng Pù, trên 20.000 đàn ong theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Huyện cũng chuyển đổi được gần 200 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú  thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi xã Pải Lủng.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi xã Pải Lủng.

Đặc biệt, Chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) được huyện triển khai sâu rộng. Tính đến tháng 6.2025, toàn huyện có trên 500 hộ  thực hiện CTVT với tổng diện tích được cải tạo gần 190 ha. Thông qua thực hiện CTVT đã giúp các hộ quy hoạch, sắp xếp lại cấu trúc không gian vườn một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô thực tiễn của từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, việc thực hiện CTVT còn giúp các hộ biết cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất để tăng hiệu quả, nâng cao thu nhập. Đáng chú ý, trong tổng số hộ tham gia CTVT, đến nay đã có gần 100 hộ thoát nghèo.

Một dấu ấn đậm nét của huyện Mèo Vạc đó là phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là khâu đột phá. Trong 5 năm qua, huyện khởi công mới hơn 230 công trình với tổng vốn đầu tư trên 1.330 tỷ đồng từ ngân sách và trên 60 tỷ đồng xã hội hóa. Nhờ đó, tỷ lệ thôn có đường bê tông tới trung tâm đã đạt trên 90%; gần 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn biên giới có đường và điện. Các tuyến đường quan trọng như Mèo Vạc – Yên Minh, Pả Vi – Mốc 476, Tát Ngà – Nậm Ban được nâng cấp, mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy giao thương, kết nối vùng và phát triển du lịch.

5 năm qua, du lịch là một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển KT - XH của huyện Mèo Vạc. Tận dụng lợi thế cảnh quan hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo, huyện tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch trọng tâm như đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, Làng văn hóa dân tộc Mông xã Pả Vi... Đến nay, toàn huyện có 2 điểm du lịch cấp tỉnh, 109 cơ sở lưu trú, hơn 60 nhà hàng, quán ăn, cùng hệ thống dịch vụ trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe ngày càng chuyên nghiệp. Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa được phát triển đúng hướng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức bảo tồn di sản. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, du lịch trở thành cầu nối để Mèo Vạc quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch vùng cao phía Bắc. Bình quân mỗi năm huyện đón hơn 500.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Công tác giảm nghèo của huyện chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện có 5.005 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,07% xuống còn 38,23%, bình quân giảm 6,37%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Đặc biệt, hơn 2.800 hộ nghèo, cận nghèo, người có công, hộ khó khăn được hỗ trợ xóa nhà tạm. Gần 50.000 lao động được tạo việc làm, gấp hơn 8 lần kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, QP - AN, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được huyện Mèo Vạc quan tâm thực hiện. Quy mô trường lớp được sắp xếp tinh gọn, đầu tư hiệu quả, xóa gần như hoàn toàn phòng học tạm bợ; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chiếm 95,55%, tăng gần 46% so với năm 2020; 100% xã, thị trấn có bác sĩ làm việc tại trạm y tế; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 100%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 960 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.

Đồng chí Phạm Văn Tú, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc khẳng định: Giai đoạn 2020 – 2025 là chặng đường đầy khó khăn nhưng cũng ghi dấu nhiều thành tựu quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, đổi mới và hành động quyết liệt, toàn Đảng bộ và Nhân dân trong huyện đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt kết quả vượt bậc. Những kết quả này tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

Ngày 1.7.2025 sắp tới, khi tổ chức chính quyền cấp huyện chính thức hoàn thành sứ mệnh thì những thành quả mà huyện Mèo Vạc đạt được trong nhiệm kỳ này sẽ là một dấu son đáng nhớ. Đó không chỉ là thành tựu về mặt quản lý nhà nước mà còn là kết tinh của một hành trình gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền, Nhân dân nơi vùng biên cực Bắc của Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tiếp sức người dân Nà Chì phát triển kinh tế
BHG - Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nà Chì (Xín Mần) có điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống. Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản được đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, qua đó thể hiện sự sâu sát, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác triển khai chương trình, dựa án của T.Ư, đồng thời tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong Nhân dân.
26/06/2025
Nhân lên sức mạnh của Đảng từ cơ sở
BHG - Các chi bộ ở cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc triển khai nghị quyết, đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào chi bộ mạnh, đoàn kết, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo thì ở đó các phong trào thi đua phát triển, đời sống Nhân dân nâng cao, niềm tin với Đảng được củng cố.
26/06/2025
Khánh thành Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Đồng Văn
BHG - Ngày 26.6, UBND huyện Đồng Văn tổ chức Lễ cắt băng khánh thành công trình Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Đồng Văn. Dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện. 
26/06/2025
Gia đình ba đời giữ nghề phở đỏ ở Xín Mần
BHG - Giữa nhịp sống hiện đại, tại thị trấn Cốc Pài (Xín Mần), vẫn có những gia đình lặng lẽ gìn giữ nghề truyền thống bằng cả tâm huyết và lòng tự hào. Gia đình chị Lộc Thị Bích, thôn Cốc Pài, là một trong những hộ hiếm hoi còn gắn bó với nghề làm phở đỏ. Qua ba thế hệ, từ ông bà đến cha mẹ và nay là vợ chồng chị Bích, nghề làm phở đỏ không chỉ là nguồn sống mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực của quê hương.
25/06/2025