Quy hoạch xây dựng góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng KT-XH
BHG - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch được tổ chức tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác quy hoạch rất quan trọng, quy hoạch phải đi trước một bước, có quy hoạch tốt mới có được đề án, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
![]() |
Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014… đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu sắc về thế chế, tư duy, phương pháp, nội dung của công tác quy hoạch xây dựng, từng bước dẫn đến các thay đổi về quản lý nhà nước và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với tỉnh ta, giai đoạn 2010-2020 các đô thị trung tâm hành chính chính trị của 11/11 huyện, thành phố đã được lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chung. Tại nông thôn, 100% xã có đồ án quy hoạch chung xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đồ án đã quan tâm, chú trọng đến sự kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, đổi mới môi trường văn hóa, kiến trúc truyền thống nhưng không làm mất đi bản sắc riêng của từng địa phương.
Với quan điểm quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH và phải được ưu tiên đầu tư đi trước một bước để định hướng, bảo đảm tính đồng bộ, dự đoán tầm nhìn, làm công cụ quản lý quá trình phát triển đô thị, nông thôn, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân... tỉnh ta đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, nông thôn.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, nông thôn theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều bất cập, như: Trung tâm hành chính, chính trị của 11/11 huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng, nhưng tỷ lệ triển khai lập quy hoạch chi tiết rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí còn hạn chế, từ đó việc cấp Giấy phép xây dựng các công trình, cũng như nhà ở trong đô thị gặp không ít khó khăn. Tương tự, 175/175 xã đều có đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM, nhưng trung tâm các xã chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do đó còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại các trung tâm xã có tốc độ đô thị hóa cao.
Các loại, cấp độ quy hoạch xây dựng chưa được lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ dẫn đến khi đánh giá sự phù hợp của các dự án đối với quy hoạch xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao; công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị; nhiều địa phương còn thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn dẫn tới việc phát triển chưa gắn với quy hoạch và kế hoạch; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch. Có nhiều đồ án quy hoạch chi tiết dù đã được phê duyệt rất lâu nhưng hiện vẫn chưa triển khai thực hiện, làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất, đầu tư xây dựng.
Nhân lực có trình độ chuyên môn cho công tác quản lý quy hoạch còn thiếu và yếu nên chất lượng tham mưu quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong bối cảnh đô thị hóa phát triển nhanh, công tác lập quy hoạch cần được chú trọng, hướng đến sự đồng bộ, bắt kịp thực tiễn, tạo lập được mối liên kết vùng chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chất lượng quy hoạch. Với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu, đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm trách nhiệm được quy định tại Điều 164, Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi tại Luật số 62/2020 - đây là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Đổi mới tư duy, trong đó cần xác định: Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng; quy hoạch xây dựng phải được ưu tiên đầu tư đi trước một bước để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ. Có quy hoạch tốt mới có được đề án, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Quy hoạch là một quá trình liên tục, thông suốt quản lý từ bước lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến triển khai thực thi.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Đăng tải, cập nhật thường xuyên các đồ án quy hoạch xây dựng; quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các loại, cấp độ quy hoạch xây dựng, đảm bảo có đủ công cụ để quản lý. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng.
Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Sở Xây dựng)
Ý kiến bạn đọc