Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Xây dựng nền móng vững chắc từ cơ sở

- Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt”. Thấm nhuần tư tưởng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Đề án 16-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sinh hoạt chi bộ. Nhờ vậy, đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của chi bộ, tạo sự đột phá trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh Tuyên Quang trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Xây dựng nền móng vững chắc từ cơ sở” nhằm đánh giá những tác động to lớn của Đề án đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

>> Bài 2: Sinh hoạt tốt, chi bộ mạnh

>> Bài cuối: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng

Bài 1: Chi bộ yếu vì sinh hoạt “thiếu”

Sinh hoạt chi bộ là hình thức hoạt động và phương thức lãnh đạo chủ yếu có tính quyết định sức mạnh của chi bộ, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở đơn vị, tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Nếu chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ Tuyên Quang đã tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhằm xây dựng nền móng vững chắc của Đảng từ cơ sở.

Thiếu nhận thức về tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ

Qua rà soát đánh giá, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng sinh hoạt thấp. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là một số cấp ủy và đảng viên chưa nhận thức đúng, sâu sắc về vị trí, vai trò của chi bộ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nên chưa thật sự sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực thực hiện trách nhiệm của đảng viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát của nhiều cấp ủy và Ủy ban kiểm tra cấp ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, Kết luận số 18-KL/TW của Ban Bí thư chưa thường xuyên, chưa đầy đủ theo quy định. Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình sinh hoạt chi bộ tốt để bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa được quan tâm.

Thiếu nội dung sinh hoạt

Chi bộ thôn Khuổi Trang, Đảng bộ xã Xuân Lập (Lâm Bình) có 14 đảng viên. Trước đây mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ thường chỉ tập trung chưa được 10 người. Cả buổi sinh hoạt, bí thư chi bộ không kết luận được và không triển khai được công việc gì cụ thể. Nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng của cấp trên đưa xuống như làm đường bê tông, phát triển nông nghiệp hàng hóa, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số... chỉ được chi bộ giới thiệu qua mà không có giải pháp vận dụng để triển khai thực hiện. Bởi vậy, trong suốt nhiều năm qua, kinh tế của bản người Mông này vẫn chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, vẫn còn có những quan niệm, tập quán cũ khiến cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Một buổi sinh hoạt chi bộ của Chi bộ 5, Đảng ủy xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). 

Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Đảng ủy xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã thẳng thắn nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ủy và một số chi bộ trực thuộc chưa phát huy đúng mức, nhất là trong việc cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên áp dụng vào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay của Đảng ủy là khắc phục tình trạng chi bộ nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, nhiều chi bộ thôn bản chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn...

Trước đây, những tồn tại, hạn chế trong sinh hoạt chi bộ đã khiến cho Đảng ủy xã Năng Khả (Na Hang) hết sức lúng túng trong việc triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Chủng khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả chia sẻ: Năng Khả là một trong 7 xã đầu tiên của tỉnh được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Bước đầu thực hiện nảy sinh nhiều khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong khi khái niệm về nông thôn mới đối với người dân xã Năng Khả còn rất mơ hồ.

Qua rà soát đánh giá hoạt động ở các chi bộ thôn, bản đã cho thấy chất lượng sinh hoạt còn có nhiều mặt hạn chế: tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt thấp; một số chi bộ tiến hành sinh hoạt không đúng định kỳ, không chủ động chuẩn bị nội dung sinh hoạt trước. Sổ ghi biên bản các buổi sinh hoạt định kỳ cũng không có nội dung chi tiết, không thể hiện các vấn đề cụ thể, không có các giải pháp được đề xuất để việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ được tốt hơn... Trước thực trạng này, Đảng ủy xã đã họp nhiều, thảo luận kỹ và xác định việc cấp thiết đầu tiên phải nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ. Nếu chất lượng sinh hoạt chi bộ như hiện nay sẽ không thể đạt được mục tiêu xây dựng xã trở thành xã nông thôn mới.  

Hình thức, nặng về chuyên môn

Thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã chỉ ra rằng: Người đứng đầu một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ; thời gian sinh hoạt không bảo đảm, thường là kết hợp sau cuộc họp của đơn vị; nội dung sinh hoạt nghèo nàn, đơn điệu, mang tính sự vụ, nặng về chuyên môn.

Trong sinh hoạt đảng đôi lúc còn nặng về hình thức, liệt kê công việc, tháng trước đưa xuống tháng sau, chưa đánh giá được kết quả thực hiện nghị quyết của kỳ sinh hoạt trước; việc triển khai văn bản còn dàn trải máy móc, chưa đảm bảo tính thời sự; tỷ lệ đảng viên tham gia ý kiến trong sinh hoạt có nơi chưa cao; sinh hoạt chuyên đề còn ít. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã xây dựng Kế hoạch củng cố chi, đảng bộ có những hạn chế về công tác xây dựng Đảng đối với 11 chi, đảng bộ cơ sở. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để tạo sự chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ của đơn vị, doanh nghiệp.

Một buổi họp chuẩn bị nội dung sinh hoạt có lãnh đạo Đảng ủy xã tham dự tại Chi bộ Thác Nóng, Đảng bộ xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Đồng chí Trần Thị Bích Hạnh, Bí thư Chi bộ 4, Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã nêu những hạn chế trước đây của chi bộ mình như: thiếu việc biểu dương đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phê bình đảng viên còn thiếu sót chưa thường xuyên; bố trí thời lượng cho việc kiểm điểm đánh giá công tác chuyên môn và công tác xây dựng đảng chưa thật sự phù hợp; việc tham gia ý kiến của một số đảng viên còn ít, vẫn còn tính hình thức trong sinh hoạt chi bộ... Đây là thực trạng mà chi bộ cần phải khắc phục ngay.

Đồng chí Đặng Toàn, Bí thư Chi bộ Mỏ sắt và cán thép Tuyên Quang chia sẻ, thời gian trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa do đặc thù thời gian làm việc của cán bộ, công nhân theo ca kíp dẫn đến chế độ sinh hoạt chi bộ không đảm bảo quy định, chất lượng sinh hoạt không cao, sinh hoạt chuyên đề chưa đúng với quy định của Đảng, trong sinh hoạt chủ yếu bàn về sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy mà nhiều vấn đề trong công tác Đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp bị hạn chế.

Đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã cho thấy: còn nhiều chi bộ chưa chấp hành nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt còn thấp, nhất là chi bộ ở nông thôn, chi bộ trong các doanh nghiệp. Trong sinh hoạt thường kỳ, việc lựa chọn văn bản quán triệt tại kỳ sinh hoạt ở nhiều chi bộ chưa phù hợp; việc cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên có nội dung chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; việc liên hệ đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết Trung ương, quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, phê bình đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao chưa rõ, chưa thường xuyên.

Nhiều chi bộ nặng về thông báo tình hình hoặc bàn việc chuyên môn, số lượng ý kiến thảo luận còn ít. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa rõ ràng, giải pháp thực hiện chưa cụ thể... Trong xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề hằng năm nhiều chi bộ chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, nội dung chuyên đề chưa rõ. Nhiều chi ủy, bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung cho kỳ sinh hoạt của chi bộ chưa đầy đủ, chưa theo hướng dẫn, chưa thể hiện rõ được vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, kỹ năng điều hành một kỳ sinh hoạt còn nhiều hạn chế...

Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy định đi dự sinh hoạt với chi bộ của cấp ủy viên các cấp và chuyên viên các ban Đảng còn nhiều hạn chế: Nhiều cấp ủy viên, cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa thực hiện đúng quy định về dự sinh hoạt chi bộ được phân công (so với tổng số lượt phải đi dự sinh hoạt trong năm theo quy định mới đạt 38,6%); chưa làm tốt công tác hướng dẫn cho chi ủy, bí thư chi bộ cách thức, phương pháp tổ chức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chưa thẳng thắn trong việc đánh giá chấm điểm theo quy định. Thực tế cũng cho thấy vai trò nòng cốt của cán bộ, công chức xã về dự sinh hoạt ở cơ sở chưa được phát huy. Đặc biệt là năng lực, kỹ năng tổ chức, điều hành, nghiệp vụ công tác Đảng của nhiều đồng chí bí thư chi bộ còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho biết, hoạt động công tác Đảng ở các doanh nghiệp có tính đặc thù. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu. Công nhân, người lao động trong doanh nghiệp gần như chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, mà chưa thực sự quan tâm đến các mặt công tác khác; biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn trong việc đảm bảo nền nếp sinh hoạt chi bộ, thường sinh hoạt ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ; nội dung, phương thức sinh hoạt không phong phú; chất lượng sinh hoạt thấp…

Những thực trạng trên đòi hỏi sự cấp thiết phải có những giải pháp hiệu quả, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực tế những chi bộ yếu không tạo được sự gắn kết, không huy động được nhân dân, các nghị quyết, chương trình sẽ được triển khai chậm, hiệu quả kém. Từ đó dẫn đến bộ mặt nông thôn chậm thay đổi, đời sống kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đề án 16-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” chính là hệ thống giải pháp tổng thể, khoa học, bài bản, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đáp ứng yêu cầu bức thiết, tạo nền móng vững chắc cho tổ chức Đảng từ cơ sở. 

                       (Còn nữa)

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục